Tập huấn về dự án Cảnh quan bền vững trong sản xuất cà phê tại tỉnh Lâm Đồng
Đây là dự án hợp tác đa bên giữa UBND tỉnh Lâm Đồng cùng Cty Louis Dreyfus Việt Nam (LDC), Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững IDH và Cty Syngenta Việt Nam. Dự án triển khai trong vòng 32 tháng (đến hết năm 2018) với tổng kinh phí lên đến gần 12 tỷ đồng, mở ra hướng phát triển mới cho người trồng cà phê tại Lâm Đồng trước thách thức từ biến đổi khí hậu.
74% diện tích cà phê không được bảo vệ
Là một trong 3 vùng canh tác cà phê chủ lực của cả nước, Lâm Đồng có địa hình chủ yếu là bình nguyên và núi cao, đồng thời, mưa tập trung theo mùa với cường độ lớn nên quá trình xói mòn, rửa trôi đất xảy ra mạnh mẽ, đặc biệt trên các sườn đồi có lớp phủ thực vật mỏng. Hiện tượng bào mòn rửa trôi đặc biệt diễn ra mạnh trên vùng đất dốc và đất trống, đồi trọc trên khắp địa bàn của tỉnh, nhiều vùng có địa hình dốc lên đến 35% và cằn cỗi do thiếu lớp đất bao phủ trên bề mặt.
Nhớ lại cách đây 20 năm những năm 1983 - 1990, có đến 70 - 80% diện tích trồng cà phê tại khu vực này được bao phủ bởi những hàng cây muồng đen cao lừng lững, nhưng khoảng 15 năm trở lại đây do chạy theo năng suất nên người dân đã đốn bỏ toàn bộ các loại cây chắn gió trong vườn cà phê, tập trung bón phân và tưới nhiều nước để đạt được năng suất cao nhất.
Tuy nhiên, theo người dân thì sau khi loại bỏ cây che bóng và chắn gió, vườn cà phê chỉ cho năng suất rất cao trong vài năm đầu rồi bắt đầu có dấu hiệu bị suy kiệt do khai thác quá mức. Hậu quả là nhiều sâu bệnh phát sinh và vườn cà phê bị suy tàn nặng suất dưới tác động của nắng và gió khắc nghiệt vùng Tây Nguyên.
Theo khảo sát không chính thức của LDC, 74% diện tích trồng cà phê tại Di Linh và Bảo Lộc không được bảo vệ bởi cây che bóng, đồng nghĩa với việc gần 114.000ha cà phê có nguy cơ bị suy kiệt và giảm năng suất (trên tổng diện tích 150.000ha trồng cà phê tại tỉnh - số liệu từ Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng).
Trong khuôn khổ hợp tác của chương trình “Đối tác phát triển nông nghiệp Viêt Nam bền vững (PSAV)” từ giữa năm 2016, ba tổ chức gồm Cty Louis Dreyfus Việt Nam (LDC), Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững IDH và Cty Syngenta Việt Nam đã chủ động xây dựng đề án và trình lên UBND tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, dự án sẽ xây dựng các mô hình canh tác cà phê cảnh quan thí điểm tại các xã Tân Thượng, Tân Nghĩa, Tân Châu, Gung Ré, Đinh Trang Hòa, Hòa Ninh và thị trấn Di Linh (huyện Di Linh), các xã Lộc An, Lộc Ngãi, Lộc Đức, Lộc Thành (huyện Bảo Lâm) nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến đất, nước tưới, hóa chất nông nghiệp và biến đối khí hậu trong sản xuất cà phê; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 92 cán bộ kỹ thuật tại địa phương và 2.476 nông dân về sản xuất nông lâm kết hợp, tưới tiết kiệm, bảo tồn nguồn nước, quản lý hóa chất nông nghiệp; áp dụng mô hình cảnh quan vườn cà phê đối với 800 hộ nông dân đã được tập huấn trong vùng dự án.
Thống kê diện tích trồng cà phê trên cả nước năm 2016
Dự kiến, gần 4.500ha cà phê tại địa phương sẽ được hưởng lợi từ dự án này, với tổng kinh phí 511.821 euro từ vốn viện trợ phi chính phủ không hoàn lại và vốn đối ứng của các tổ chức thành viên.
Cảnh quan bền vững = Bảo tồn + thu nhập nông dân + an toàn sức khỏe + môi trường
Các mô hình điểm được xây dựng theo quy trình khép kín đảm bảo đủ 4 yếu tố: Bảo tồn nguồn tài nguyên, đảm bảo thu nhập nông dân, bảo vệ sức khỏe cho người trồng và bảo vệ môi trường.
Trao đổi với phóng viên, ông Weraphon Charoenpanit, Tổng Giám đốc Syngenta Việt Nam, cho biết: Nhóm dự án đặt mục tiêu áp dụng kỹ thuật xen canh, tưới tiết kiệm và quy trình kiểm soát hóa chất nông nghiệp trên 18% diện tích cà phê trong vùng dự án; tập huấn nâng cao năng lực về kỹ thuật canh tác cảnh quản cho 92 cán bộ địa phương và 2.476 nông dân trong vùng dự án; trong đó trên 32% nông dân được tập huấn sẽ áp dụng mô hình thí điểm vào thực tế sản xuất và trên 1.500 nông dân quanh vùng dự án được tập huấn, tiếp cận với những biện pháp mới trong canh tác.
Ông Weraphon Charoenpanit chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi nhận được sự tin tưởng và hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đối với dự án này. Tôi tin rằng một nền nông nghiệp chỉ thật sự bền vững khi mỗi công ty, tổ chức và cá nhân hoạt động trong ngành tự nhận ra được vai trò và trách nhiệm của mình trong sự phát triển chung, có cam kết lâu dài, mạnh mẽ và nghiêm túc trong việc hiện thực hóa nó. Là một tập đoàn đa quốc gia chuyên nghiên cứu phát triển và thương mại trong lĩnh vực công nghệ cây trồng hiện diện tại Việt Nam hơn 20 năm qua, Syngenta nhận thức rõ vai trò của mình và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các Sở, Ban ngành và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình trong các dự án hợp tác công - tư theo đúng quy định và định hướng của Nhà nước”.
Dự án dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12/2018 sau 32 tháng triển khai. Các huyện Di Linh và Bảo Lâm sẽ tiếp tục duy trì các mô hình điểm để tổ chức tập huấn cho nông dân cũng như thực hiện các thử nghiệm nhằm nghiên cứu, giải quyết các vấn đề liên quan đến đất, nước tưới, hóa chất nông nghiệp và biến đổi khí hậu trong sản xuất cà phê.
Dự án hợp tác công - tư trên cây cà phê tại Lâm Đồng là một phần của Chương trình Phát triển Bền vững của Tập đoàn Syngenta tại Việt Nam. Đây là chương trình gồm 6 cam kết trên phạm vi toàn cầu từ nay đến năm 2020 trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp như tăng năng suất cây trồng, bảo vệ đất nông nghiệp khỏi nguy cơ xói mòn, tăng đa dạng sinh thái, tiếp sức cho các nông hộ nhỏ, bảo vệ sức khỏe của nông dân và các cá nhân trong chuỗi sản xuất.
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam