Rà phá bom mìn đem lại nụ cười cho cộng đồng – câu chuyện về kỹ thuật viên rà mìn Hoàng Thị Hải Lý
Chị Hoàng Thị Hải Lý năm nay 47 tuổi. Chị làm kỹ thuật viên rà phá bom mìn cho dự án MAG tại Quảng Trị từ năm 2001 đến nay. Trước đó, chị Lý sống tại Đồi C1, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, một căn cứ quân sự cũ của Mỹ trong chiến tranh.
Thời điểm tổ chức Mines Advisory Group (MAG/Anh) bắt đầu triển khai rà phá bom mìn tại khu vực Đồi C1 tháng 7 năm 1999, chị Lý chị Lý sống cùng chồng, con một tuổi, bố và gia đình anh trai trong căn nhà chỉ có duy nhất một phòng. Căn nhà của gia đình chị nằm lẻ loi trên khu đồi này, và bị bủa vây bởi hàng ngàn quả mìn và bom bi.
Chị Lý chia sẻ: “Hồi đấy, đất đai ở đây rất rộng nhưng không ai dám canh tác sử dụng vì còn sót lại rất nhiều mìn và vật liệu chưa nổ. Chúng tôi cũng không được chính quyền địa phương giao đất để canh tác. Trong tình cảnh khốn khó, chúng tôi đã phải liều trồng hoa màu ngay gần bãi mìn dù chúng tôi biết việc làm này vô cùng nguy hiểm”.
Chị Hoàng Thị Hải Lý
Cuộc sống vô cùng khó khăn và gia đình chị Lý đã phải đánh đổi cả mạng sống để sinh tồn. Chị cho biết: “Lúc đó đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, tôi nhớ có một vụ xảy ra rất gần nhà tôi khi một số người đang trồng cây. Tai nạn đã khiến một người chết và tôi đã vô cùng sợ hãi vì tôi tưởng người bị nạn là người nhà tôi”.
MAG mất gần ba năm để rà phá xong 1.264.074 mét vuông đất ô nhiễm bom mìn nặng nề tại khu vực Đồi C1, tháo gỡ và phá hủy tổng cộng 8.384 vật liệu chưa nổ và 2.019 quả mìn. MAG phát hiện và xử lý một quả mìn sát thương loại M16 ngay đằng sau nhà chị Lý, rất nhiều mìn sát thương loại M14 ngay trước nhà và một hàng bom bi dày đặc dài 70 mét cách nhà không xa. Sau khi rà phá, MAG cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương và tổ chức Plan International hỗ trợ xây dựng một trường mầm non, một nhà cộng đồng và nhà ở cho 78 hộ dân đến định cư tại khu vực này.
Ông Mark Thompson, Cố vấn kỹ thuật đầu tiên của MAG tại Việt Nam đã đến thăm nhà chị Lý vào ngày đầu tiên MAG hoạt động tại khu vực này. Chị Lý nhớ lại: “Ông ấy hỏi tôi có muốn làm việc cho MAG không. Tôi vô cùng biết ơn ông ấy. Trước khi làm việc cho MAG, hoàn cảnh gia đình tôi vô cùng khó khăn. Từ khi tôi làm việc cho MAG, cuộc sống của chúng tôi đã cải thiện đáng kể - tôi có công việc ổn định, con tôi có cơ hội được học hành và tương lai tươi sáng hơn”.
Trong suốt 16 năm làm công việc rà phá bom mìn, chị Lý luôn được đánh giá cao. Anh Lê Văn Trà, Cán bộ Quản lý chất lượng kỹ thuật của MAG nhận định: “Chị Lý giống như chị em của chúng tôi, chị làm việc rất chăm chỉ, tận tụy, cẩn thận và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tôi chưa bao giờ phải phàn nàn gì về công việc của chị”.
Chị Lý và đồng nghiệp đang rà vật liệu chưa nổ trên hiện trường
Kể từ khi làm việc cho MAG, chị Lý đã xây dựng lại ngôi nhà thành năm phòng, chị có thêm hai người con nữa và cả ba con chị đều được đi học.
Khi MAG quay trở lại thăm gia đình chị Lý và khu vực đồi C1, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều: nhiều ngôi nhà mọc lên, dân cư đông đúc hơn, tiếng cười nói nhộn nhịp hơn, cây cối và vật nuôi cũng nhiều hơn. Niềm hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt và giọng nói của chị Lý khi chị nhìn ra rừng bạch đàn xanh tươi sẽ cho thu hoạch vào năm tới: “Bây giờ chúng tôi rất tự tin trồng trọt, trồng bạch đàn và keo mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân tại đây. MAG đã xây dựng lại quê hương cho chúng tôi”.