Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. |
Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những điểm nổi bật của Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa diễn ra cũng như việc triển khai các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị.
Thưa bà, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị và Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Hội nghị trong bối cảnh hiện nay?
Bà Nguyễn Phương Nga: Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được coi là hội nghị lịch sử vì đây là lần đầu tiên một hội nghị đối ngoại được tổ chức toàn quốc, được truyền trực tiếp đến không chỉ tới các cơ quan làm công tác đối ngoại mà tới tất cả các cấp, các ngành trong toàn bộ hệ thống chính trị của nước ta. Qua hội nghị, chúng ta đạt được sự thống nhất cao, đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong chiến lược tổng thể phát triển đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ của chúng ta với bạn bè quốc tế và bà con người Việt Nam ở nước ngoài về các chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới. Đó là chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, hữu nghị và hợp tác.
Thưa bà, bà có thể cho biết những nét mới của Hội nghị cũng như của công tác đối ngoại được triển khai trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Phương Nga: Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh rất mới. Thứ nhất là đất nước ta hiện nay có tiềm lực, cơ đồ và vị thế rất khác so với trước như lời của Tổng Bí thư là chưa có bao giờ có được như hôm nay.
Đồng thời, chúng ta vừa mới tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII, đề ra các phương hướng và mục tiêu phát triển của đất nước trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển có thu nhập cao. Tất cả các ngành, các lĩnh vực đang nỗ lực hoàn thành chương trình, chiến lược mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Công tác đối ngoại xác định rất rõ nhiệm vụ và vai trò tiên phong trong việc tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế uy tín của đất nước. Trong bối cảnh mới của tình hình trong nước, quốc tế, nhiệm vụ mới đề ra cho công tác đối ngoại được thể hiện rất rõ trong những nội dung đã được trao đổi tại Hội nghị và cũng thể hiện rất rõ trong phát biểu chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nhấn mạnh đến nội dung “Quyết tâm xây dựng và phát triển công tác đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc”. Bà có ý kiến như thế nào về nội dung này cũng như bà có ấn tượng thế nào về bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị?
Bà Nguyễn Phương Nga: Bài phát biểu của Tổng Bí thư hết sức toàn diện và sâu sắc, vừa mang tính khái quát rất cao nhưng đồng thời cũng chỉ ra những nhiệm vụ rất rõ ràng, cụ thể cho toàn ngành đối ngoại, cho tất cả các cơ quan, các tổ chức làm nhiệm vụ đối ngoại cũng như từng cán bộ đối ngoại, từng nhà ngoại giao. Bài phát biểu có nhiều nội dung sâu sắc từ việc khái quát lại truyền thống lịch sử của đất nước, truyền thống ngoại giao nhân văn, hòa hiếu, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc ta cũng như những thành tựu ngoại giao của thời đại Hồ Chí Minh và những quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo của Đảng ta; những bài học kinh nghiệm mà chúng ta đã rút ra trong việc triển khai đường lối đối ngoại trong suốt cả chiều dài lịch sử của đất nước.
Đặc biệt, Tổng Bí thư đã chỉ rõ những nhiệm vụ của ngành đối ngoại trong thời gian tới. Một trong những điểm nổi bật đó là bài phát biểu của Tổng Bí thư nêu đậm nét bản sắc của nền ngoại giao Việt Nam, yêu cầu xây dựng và phát triển nền ngoại giao Việt Nam hiện đại nhưng phải mang đậm bản sắc của dân tộc, bản sắc của truyền thống văn hóa, văn hiến của dân tộc, truyền thống chống giặc ngoại xâm bất khuất, kiên cường.
Tôi rất tâm đắc khi Tổng Bí thư gợi mở rất rõ những nhiệm vụ của ngành đối ngoại trong thời gian tới, đặc biệt là chúng ta phải có cách làm mới, tư duy mới vượt ra khỏi những tư duy cũ để thích ứng được với tình hình mới. Đồng thời chúng ta vẫn phải kiên định bám sát nguyên tắc, mục tiêu mà Đảng đã đề ra. Vì vậy, những chỉ đạo của Tổng Bí thư có ý nghĩa rất sâu sắc đối với những người làm công tác đối ngoại trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở sáu nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đối với công tác đối ngoại và ngoại giao Việt Nam trong thời gian tới. Theo bà, để cụ thể hóa những chỉ đạo của Tổng Bí thư, công tác đối ngoại nhân dân cần được triển khai như thế nào trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Phương Nga: Một trong những điểm rất mới của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như các nội dung của Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức là khẳng định đối ngoại Nhân dân là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân có nhiệm vụ tiên phong trong việc tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài và nâng cao vị thế uy tín của đất nước. Với tinh thần như vậy, chúng tôi cũng xác định đối ngoại nhân dân sẽ phải tập trung vào một số trọng tâm.
Theo tinh thần của Tổng Bí thư đã chỉ đạo, chúng ta phải mạnh dạn đổi mới cả về tư duy, phương thức và nội dung của đối ngoại nhân dân. Các hoạt động đối ngoại nhân dân phải vừa phát huy hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước nhưng vừa huy động một cách tốt nhất các nguồn lực bên ngoài cả về vốn, tri thức, công nghệ để phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Những đổi mới này không chỉ trong các hoạt động đối ngoại song phương mà phải phát huy sự chủ động, sáng tạo, tích cực của các tổ chức nhân dân Việt Nam tại các diễn đàn nhân dân đa phương để tranh thủ được nhiều hơn nữa sự ủng hộ quốc tế cho Việt Nam, vừa bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam nhưng đồng thời cũng đóng góp tiếng nói của chúng ta vào việc thúc đẩy luật pháp quốc tế, củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ cho sự phát triển của dân tộc và các nước.
Để đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế ứng phó lại những thách thức đang nổi lên, đối ngoại nhân dân cần nỗ lực hơn nữa để đào tạo xây dựng được đội ngũ đối ngoại nhân dân cả về tổ chức, phương tiện làm việc và đặc biệt là con người.
Như Tổng Bí thư nói, phải có được những cán bộ làm đối ngoại nhân dân thực sự có lập trường, bản lĩnh vững vàng, kiên quyết, kiên định bảo vệ các lợi ích quốc gia dân tộc nhưng đồng thời phải là những người có cách ứng xử văn hóa, có hiểu biết sâu sắc về văn hóa của các nước để có thể tìm những điểm tương đồng, hạn chế tối đa bất đồng. Nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân là cầu nối xây đắp tình hữu nghị, vì vậy phải tìm cách giải quyết những mâu thuẫn, khác biệt và đó cũng chính là nhiệm vụ tạo lập và giữ gìn môi trường hòa bình, hữu nghị, tạo nền tảng thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các quốc gia. Đó cũng chính là để ngăn ngừa xung đột, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Để công tác đối ngoại nhân dân hoàn thành được nhiệm vụ này, cần sự quan tâm của các cấp, các ngành để tạo được các nguồn lực cho đối ngoại nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi cho đối ngoại nhân dân phát huy được ưu thế của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ./.
N.Nghiêm/Báo Chính phủ