Thúc đẩy du lịch, vận tải, đầu tư song phương Việt Nam - Mông Cổ
Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Doãn Khánh Tâm nhận định, Việt Nam và Mông Cổ đang có những hợp tác chặt chẽ qua các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, các ngành, các tổ chức và trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Trong biến động chung của tình hình thế giới, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước được phát triển phù hợp với công cuộc chuyển đổi nền kinh tế tại mỗi nước trên cơ sở quan hệ truyền thống lâu đời.
Theo đó, Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ đang hoạt động trên nền tảng thuận lợi. Đại sứ tin tưởng rằng, với Nghị quyết của Đại hội, Ban lãnh đạo tâm huyết và nhiều kinh nghiệm, nhiệm kỳ V sẽ có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đối ngoại nhân dân nói riêng và quan hệ Việt Nam-Mông Cổ nói chung.
Đại sứ Doãn Khánh Tâm chia sẻ về kế hoạch thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị với Mông Cổ của Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ. Ảnh: Tuấn Việt. |
Đại sứ Doãn Khánh Tâm chia sẻ, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ sẽ tích cực thúc đẩy trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao song phương theo hướng nâng cấp, phù hợp với quan hệ, nguyện vọng của hai phía. Bên cạnh đó, thúc đẩy sớm đưa sản phẩm thịt đông lạnh Mông Cổ vào thị trường Việt Nam góp phần tăng cường thương mại song phương.
Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ đặc biệt quan tâm đến kết nối ngành hàng không, nhằm thúc đẩy du lịch, vận tải, đầu tư song phương Việt Nam - Mông Cổ. Đại sứ Doãn Khánh Tâm đã có buổi làm việc với lãnh đạo Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Tập đoàn Sovico để kêu gọi các bên thiết lập đường bay thẳng giữa Hà Nội và Ulan Bator nhằm giải quyết vấn đề thông thương hai nước. Vừa qua Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ cũng đã khai thông lại tuyến vận tải đường sắt từ Hà Nội sang Ulan Bator (qua Bắc Kinh - Trung Quốc). Tháng 9/2021 đã có 3000 tấn hàng hóa, và tháng 10/2021 là 2000 tấn hàng hóa của Việt Nam đã được chuyển sang Mông Cổ. Tuy nhiên do tình hình COVID-19, tuyến vận tải này đang chững lại. Trong các buổi làm việc trước đó, Đại sứ quán hai nước thống nhất rằng sắp tới sẽ cắt, giảm các thủ tục thị thực, giấy mời, hàng không dành cho du khách hai nước.
Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam: hỗ trợ các sáng kiến phát triển quan hệ hợp tác hai nước
Đại sứ quán Mông Cổ vui mừng bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ sáng kiến nào nhằm phát triển quan hệ hợp tác của hai nước. Ảnh: Tuấn Việt. |
Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam Jigjee Sereejav nhấn mạnh: Việt Nam là đất nước có quan hệ hữu nghị, truyền thống với Mông Cổ và là đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Đại sứ quán Mông Cổ sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ sáng kiến nào nhằm phát triển quan hệ hợp tác của hai nước.
Trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ Jigjee Sereejav cho biết sẽ tập trung vào 3 vấn đề: Quan tâm và tập trung đến việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, truyền thống Mông Cổ - Việt Nam; Tập trung vào làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ và hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực kinh tế; Tăng cường hợp tác văn hóa và nhân đạo, duy trì mức độ quan hệ giữa hai nước, kết nối và cải thiện mối quan hệ giữa thế hệ trẻ hai nước.
Chia sẻ kinh nghiệm đổi mới giáo dục Việt Nam - Mông Cổ
Bà Lê Mai Anh, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An cho biết, sự quan tâm, vun đắp, củng cố các mối quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới nói chung, trong khu vực nói riêng và đặc biệt là các quốc gia có chung quan điểm trong giáo dục, đào tạo như Mông Cổ là lợi thế cho trường THPT Chu Văn An xây dựng mối quan hệ gắn bó với các nước.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, trường THPT Chu Văn An trở thành thành viên của Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ và đã có mối quan hệ khăng khít với Trường Thực nghiệm số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Ulan Bator. Năm 2019, nhà trường được đón tiếp đoàn cán bộ giáo dục từ Thủ đô Ulan Bator đến thăm Việt Nam và thăm trường THPT Chu Văn An.
Theo bà Lê Mai Anh, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, hai nước cần cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới giáo dục, những phương pháp giáo dục hiện đại áp dụng công nghệ 4.0 để tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của hai đất nước qua các hoạt động hợp tác, giao lưu.
Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An nhấn mạnh hai nước cần cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới giáo dục, phương pháp giáo dục. Ảnh: Tuấn Việt. |
"Chúng tôi hy vọng rằng, với sự đồng hành của Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước nói chung, giữa Trường THPT Chu Văn An và Trường Thực nghiệm số 14 nói riêng sẽ tiếp tục được duy trì, gắn kết, ngày càng được tăng cường và phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng tôi sẵn sàng tham gia những chương trình giao lưu văn hóa, các hội thảo khoa học, các hoạt động kết nối giữa học sinh, cán bộ, giáo viên của Trường THPT Chu Văn An với các trường THPT tại đất nước Mông Cổ tươi đẹp trong thời gian tới", Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An khẳng định.
Lan tỏa hình ảnh văn hóa Việt Nam - Mông Cổ
Công ty cổ phần Việt - Mông Cổ (Dược phẩm VIMOS) được phát triển trên nền tảng Công ty VIMOS tại Mông Cổ, có ý nghĩa là “Công ty của người Việt tại Mông Cổ”. VIMOS Mông Cổ có nhiều hoạt động gắn với Việt Nam trong gần 30 năm hình thành và phát triển. Công ty ra đời với sứ mệnh là cầu nối mạng gần lại nét văn hóa truyền thông giữa người dân hai quốc gia Việt Nam - Mông Cổ.
Trong 10 năm phát triển, Dược phẩm VIMOS đã có nhiều hoạt động góp phần vào phát triển quan hệ truyền thống Việt Nam - Mông Cổ. Hàng năm, cán bộ công ty đều có chuyến thăm Mông Cổ để khảo sát nguồn nguyên liệu và giao lưu, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Mông Cổ chia sẻ: "Các hoạt động trong việc phát triển các ngành nghề kinh doanh cũng đã đem lại giá trị giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Mông Cổ. Cụ thể là việc trao đổi sản phẩm, dịch vụ giữa hai nước. Bên cạnh đó là sự hợp tác, cộng tác giữa các thương hiệu lớn của Việt Nam và Mông Cổ để giao lưu thế mạnh đặc trưng của hai quốc gia, như làm các đầu mối xuất khẩu về nông sản, các sản phẩm nông nghiệp, thuốc lá, dược phẩm từ Việt Nam sang Mông Cổ; nhập khẩu các sản phẩm đặc trưng là sản vật cao cấp từ Mông Cổ về Việt Nam như đồ len Cashmere, đồ da cao cấp, thảm trải sàn, thảm treo tường...".
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Mông Cổ nhấn mạnh việc lan tỏa hình ảnh văn hóa hai nước. |
"Với những hoạt động ý nghĩa, kết nối, hợp tác, giao lưu giữa hai dân tộc, chúng ta sẽ gắn kết mối tình Mông Cổ- Việt Nam thật bền vững và thăng tiến. Chúng ta sẽ cùng nhau vì mục đích chung, vì lý tưởng của hai dân tộc, lan tỏa những nét văn hóa đặc trưng của quê hương, đặc biệt cùng nhau chia sẻ, học tập trên mọi lĩnh vực để cùng nhau phát triển. Tôi hy vọng rằng, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Mông Cổ sẽ liên tục được duy trì, gắn kết, ngày càng được tăng cường và phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác".
N.Nghiêm/Thời đại