Cổng Ma-rốc tại Ba Vì: biểu tượng của “tình người, tình hữu nghị giữa hai dân tộc"
Quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước Bắc Phi (trong đó có Ma-rốc) có thể lấy mốc lịch sử từ khi Bác Hồ hoạt động ở Paris (Pháp) cùng những người yêu nước từ Ma-rốc, Tuy-ni-di, An-giê-ri... Gần đây, khi đọc cuốn “Chuyện Anh Mã” của Giáo sư Abdallah SAAF thuộc Đại học Mohammed V (Rabat, Ma-rốc) xuất bản tại Hà Nội (1) tôi lại có thêm thông tin về hoạt động của Bác Hồ liên quan đến Ma-rốc, để sớm giải phóng đất nước ta khỏi ách thực dân, giành lại độc lập và tự do cho Tổ quốc.
Cuốn sách thực sự là một tài liệu nghiên cứu lịch sử công phu về chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Sách kể về việc đầu năm 1949 Bác Hồ đã đề nghị và được Trung ương Đảng Cộng sản Ma-rốc cử một ủy viên tới Đông Dương để quản lý, tập hợp, giáo dục chính trị cho đội ngũ hàng binh, tù binh và những binh lính lê dương đã theo lời kêu gọi chính nghĩa, gia nhập lực lượng Việt Minh, góp phần giúp nhân dân ta kháng chiến chống ách thực dân, đó là M’hammed Ben Aomar Lahrech (xưng hô thân mật là “Anh Mã”), nguyên Bí thư thành phố Casablanca bên bờ Đại Tây Dương.
Ông Ben Aomar đã trợ giúp ta làm công tác địch vận và cùng quân ta xây dựng phong trào phản chiến trong hàng ngũ quân viễn chính Pháp ở Đông Dương. Đảng Cộng sản Ma-rốc rất ưu ái Hồ Chủ tịch khi cử ông Ben Aomar sang Việt Nam, vì ông là một lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm của Ma-rốc, vừa hoạt động chính trị vừa lãnh đạo phong trào công đoàn.
Trong kháng chiến chống thực dân ở Việt Nam ông được gọi là “Tướng Omar”, lính Âu-Phi thì gọi ông là “Tướng Maarouf” chỉ huy đội quân da trắng của Bác Hồ (2). Ông đã cùng với lực lượng binh vận của ta vận động và tập hợp được hàng trăm hàng binh, tù binh và binh lính từ các nước châu Phi, châu Âu gia nhập lực lượng Việt Minh (trong đó có trên 300 sĩ quan và binh lính là người Ma-rốc). “Cổng Ma-rốc” ở Ba Vì (Hà Nội) hiện nay vốn là nơi những sĩ quan và binh lính Ma –rốc hồi đó đã sinh sống và lao động sản xuất sau chiến tranh.
Sau này Ma-rốc là một trong những nước đi đầu trong việc công nhận và thiệt lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sớm nhất (từ 27/3/1961), không lâu sau khi giành được độc lập.
Trong ký ức, đầu năm 1998 khi tôi vừa tới Ấn Độ, Đại sứ Ma-rốc tại Ấn Độ đã đến dinh Đại sứ Việt Nam và bày tỏ những tình cảm hữu nghị, anh em; tôi gặp ông lần đầu mà cảm giác như là những người anh em đã quen nhau từ lâu. Đại sứ nói về sự gần gũi, gắn bó giữa Ma-rốc với Đảng ta và nhân dân ta, đồng thời nêu sáng kiến về hợp tác giữa hai nước, nhất là về phát triển quan hệ thương mại…
Và đúng như nguyện vọng của nhân dân hai nước, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai bên đã không ngừng phát triển. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay hai nước liên tục cử các đoàn cấp cao của Đảng và Nhà nước thăm viếng lẫn nhau: Tổng bí thư Đảng tiến bộ và Xã hội chủ nghĩa Ma-rốc thăm Việt Nam năm 2014, Thủ tướng Ma-rốc Abbas El Fassi thăm Việt Nam năm 2008, Chủ tịch Hạ viện Ma-rốc thăm Việt Nam các năm 2003 và 2018. Phía Việt Nam, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Ma-rốc năm 2004, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm Ma-rốc năm 2005, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Ma-rốc năm 2019…
Hai nước cũng cử các đoàn đặc phái viên của chủ tịch nước, của nhà vua Ma-rốc, trao đổi nhiều đoàn cấp bộ trưởng, thứ trưởng, các tập đoàn kinh tế…
Năm 2016 tôi đến Ma-rốc và thực sự ấn tượng về đất nước, con người nơi đây. Vương quốc Ma-rốc nằm bên bờ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, cách Tây Ban Nha chỉ 6 dặm, là nơi eo biển gần nhất giữa châu Âu và và châu Phi. Với diện tích tự nhiên 458.730 km2, dân số khoảng 36 triệu người. Thủ đô Rabat xinh đẹp và trù phú, cố đô Marakesh (cách Rabat gần 200 km) rất cổ kính, thành phố cảng Casablanca thơ mộng, có nhiều đặc sản biển, thu hút đông đảo du khách nước ngoài. Trụ sở Tham tán Thương mại Việt Nam tọa lạc tại Casablanca.
Ma-rốc có trữ lượng phốt phát lớn nhất thế giới (khoảng 54,5 tỷ tấn, chiếm 3/4 trữ lượng thế giới), có nhiều mỏ sắt, măng-gan, chì, thiếc, muối… Nhân dân Ma-rốc yêu lao động và sáng tạo.
Ma-rốc có nhiều tiềm năng hợp tác với nước ta trên các lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, khoa học - công nghệ. Đời sống nhân dân Ma-rốc khá cao, với thu nhập bình quân đầu người 3.100 USD/năm (năm 2016).
Chủ tịch Hội Hữu nghị Ma-rốc – Việt Nam (thành lập năm 2017) nguyên là một vị tướng, đang là Chủ tịch Cao ủy những người kháng chiến và Cựu chiến binh Vương quốc Ma-rốc. Gần đây, khi trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm giúp các thành phố Ma-rốc giữ được vệ sinh sạch và ngăn nắp, cho biết, đó là nhờ giáo dục, nhờ dân trí.
Những năm qua, quan hệ kinh tế - thương mại và du lịch giữa Việt Nam và Ma-rốc không ngừng phát triển. Kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng, đạt hàng trăm triệu USD/năm, có năm tăng 33%. Việt Nam xuất khẩu sang Ma-rốc các mặt hàng hải sản đông lạnh, cà phê, hàng điện tử, đĩa DVD, đồ điện, hạt tiêu, hạt điều, dệt may, vải, sợi các loại... và nhập khẩu từ Ma-rốc sắt thép phế liệu, thức ăn gia súc, nguyên liệu chất dẻo, đá xây dựng...
Du khách Việt Nam thường thích mua mỹ phẩm và hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp của Ma-rốc. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo là thế mạnh của hai nước. Từ năm 2011, bạn đã dành cho ta 10 học bổng/năm; hợp tác kinh tế số là thế mạnh của Việt Nam có thể phát huy ở Ma-rốc...
Việt Nam và Ma-rốc đã trao đổi, ký kết nhiều hiệp định quan trọng, tạo điều kiện cho việc phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương như: Hiệp định thương mại (2001); Hiệp định khung hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học và kỹ thuật; Nghị định thư hợp tác giữa bộ ngoại giao hai nước; Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và hộ chiếu đặc biệt; Bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp; Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ma-rốc; Thỏa thuận hợp tác giữa VCCI với Tổng Liên đoàn giới chủ Ma-rốc (năm 2004); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam – Ma-rốc (năm 2008); Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Ma-rốc; Hiệp định hợp tác Du lich giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Ma-rốc (năm 2012); Thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Ngoại giao hai nước (năm 2013)…
Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Ma-rốc gần đây càng được quan tâm hơn, do điều kiện thuận lợi trong khả năng của hai nước và yêu cầu nâng cao vị thế quốc tế của cả hai quốc gia… Đây là sự kế tục, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, thực sự chân tình.
Từ những đau thương chung dưới chế độ thực dân, ngày nay hai nước đều phát triển độc lập và luôn ủng hộ nhau như Bác Hồ từng đề nghị với Ma-rốc; cùng mở ra nhiều lĩnh hợp tác vì hạnh phúc của nhân dân hai nước và sự tiến bộ của thế giới./.
Chú thích:
(1)- Abdallah Saaf: “Chuyện Anh Mã”, NXB Hồng Đức, Hà Nội 2018.
(2)- Doyon J.: “Những người lính da trắng của Bác Hồ: Lính Lê Dương trong quân đội Việt Minh”; NXB Marabout, Paris, Histoire, 1973, tr. 512.
Tác giả bài viết: Đại sứ Phạm Sỹ Tam