Chỉ còn 2 năm nữa là kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Canada và Việt Nam. Triển vọng tăng trưởng kinh tế cao hơn ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng hứa hẹn một sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Đây là cơ hội tốt để Canada và Việt Nam cùng nắm lấy những cơ hội chung để tiến tới phát triển toàn diện.
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TRONG MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM
Việt Nam đã thực hiện thành công chính sách “Đổi mới” từ năm 1986, đưa đất nước tiến lên nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 6.8% trong 5 năm qua. Trong thời kỳ đại dịch năm 2020, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng 2.9% khi phần lớn kinh tế thế giới đang trong tình trạng suy thoái.
Từ một quốc gia bị chiến tranh và nghèo đói hoành hành vào năm 1975, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010. Quốc gia vùng Đông Nam Á này tiếp tục đặt mục tiêu tiến tới nước có thu nhập trên trung bình vào năm 2030 và sau đó là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Chính phủ, đã tạo dựng những dấu ấn thành công trong thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam nhiệm kỳ vừa qua. Nền kinh tế quốc gia đã tăng 7% trong năm 2018 và vốn đầu tư nước ngoài đạt đến 30 tỷ USD – tăng 44% so với năm 2017 nhờ sự đầu tư của các công ty công nghệ khổng lồ như Apple, đã chuyển các chuỗi cơ sở cung ứng sang Việt Nam. Đất nước này đã có 13 Hiệp định thương mại tự do đang hiệu lực, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liêm minh Châu Âu mới được ký kết năm 2020. Hai Hiệp định tự do khác được ký vào năm 2020 là: Hiệp định tự do với Vương Quốc Anh và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 9 thành viên của các quốc gia Đông Nam Á và Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Hai Hiệp định tự do khác đang được đàm phán là Hiệp định với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ và Hiệp định với Israel. Như vậy, Việt Nam sẽ có ký kết Hiệp định với gần 60 nền kinh tế khác nhau, chiếm 90% GDP của thế giới.
Trong khi đó, Việt Nam đã rất thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và được quốc tế hoan nghênh, đánh giá cao chiến lược chống đại dịch. Là một nước lân cận với Trung Quốc và dân số lên đến 98 triệu dân, Chính phủ Việt Nam đã thành công trong chiến lược truyền thông để tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch và kêu gọi người dân hưởng ứng, thực hiện cách ly và điều trị một cách hiệu quả.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang tìm cách tiếp tục chuyển đổi nền kinh tế quốc gia từ mô hình sử dụng nhiều tài nguyên và nhân lực sang mô hình dựa trên sự đổi mới và áp dụng công nghệ tiên tiến. Các ưu tiên sẽ được dành cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, nền kinh tế kĩ thuật số, khoa học và công nghệ, phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Quá trình chuyển đổi này sẽ đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn. Để đạt được điều này, Việt Nam sẽ cần phải vượt qua những thách thức về tình trạng thiếu lao động có tay nghề và năng suất thấp bằng cách kết hợp giáo dục nghề nghiệp và đào tạo kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng nghĩa với việc tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, thu hút lao động có tay nghề cao, dự báo xu hướng về nhu cầu lao động và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Canada, với hệ thống giáo dục chất lượng cao và ngành công nghệ phát triển, có thể là một đối tác phù hợp trong việc hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này.
Ông Phạm Minh Chính - tân Thủ tướng Việt Nam - đã đạt được thành công trong phát triển các đặc khu kinh tế ở Quảng Ninh. Với kinh nghiệm của ông, nền kinh tế Việt Nam sẽ được tạo thêm động lực vào việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Trọng tâm của ông là cải cách thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong các ngành công nghiệp dựa trên tri thức với sự chuyển đổi dần sang truyền thông kỹ thuật số, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. “Những bước nhảy vọt” trong nền công nghiệp của Việt Nam sẽ bao gồm 3 mục tiêu: Tiến tới trở thành 1 trong 3 nước có nền kinh tế đi đầu ASEAN năm 2025; đạt vị trí trong 40 nước đi đầu toàn thế giới trong năm 2030; trở thành nước đứng đầu Châu Á năm 2045 và được xếp hạng bởi Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Chiến lược này sẽ cần có sự hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khoa học công nghệ. Với sự phát triển của Canada trong các lĩnh vực phát triển tài nguyên, nông nghiệp, công nghệ, dịch vụ tài chính, quản lý và tư vấn khoa học, Canada là một trong những đối tác phù hợp hàng đầu của Việt Nam.
TRIỂN VỌNG MỐI QUAN HỆ SONG PHƯƠNG CANADA – VIỆT NAM
Một Việt Nam thịnh vượng sẽ là trung tâm kinh tế quan trọng và hấp dẫn ở Đông Nam Á, cũng như là một đối tác hữu ích trong cộng đồng quốc tế.
Năm 2017, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đến thăm Việt Nam dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Trong chuyến thăm đó, ông đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện Canada-Việt Nam về hợp tác chính trị và ngoại giao, thương mại và đầu tư, quốc phòng và an ninh, giao lưu nhân dân. Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Thủ tướng Trudeau mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 (G7) nền kinh tế lớn nhất thế giới tại Charlevoix, Quebec, Canada.
Thủ tướng Justin Trudeau và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Charlevoix, Quebec, năm 2018. Ảnh: TTXVN
Mối quan hệ song phương Canada – Việt Nam vững chắc bất chấp những thách thức của đại dịch COVID-19. Bà Mary Ng, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế, Doanh nghiệp nhỏ và Thương mại Quốc tế của Canada, đã hội đàm với ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, thỏa luận về tầm quan trọng của chuỗi cung ứng mở và sự ổn định đối với các chủ doanh nghiệp cũng như nâng cao cơ hội thương mại song phương thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong năm 2020, 4 Bộ trưởng nội các Canada đã tham gia 5 Hội nghị Quốc tế trực tuyến do Việt Nam tổ chức, trong đó có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Canada, Harjit Sajjan, người đã bày tỏ sự ủng hộ của Canada đối với Việt Nam và những nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc duy trì hòa bình và sự ổn định trong khu vực vào tháng 12/2020.
Khi Việt Nam ngày càng trở thành một thành viên quan trọng của ASEAN và có ảnh hưởng mạnh mẽ trên trường quốc tế, với việc thúc đẩy mối quan hệ song phương với Việt Nam, Canada có cơ hội đóng một vai trò quan trọng trong khu vực, đặc biệt thông qua nỗ lực gia nhập Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM +).
Việt Nam đã là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN từ năm 2015 và là đối tác thiết yếu trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của Canada. Với việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ tháng 1/2019, thương mại giữa Canada và Việt Nam đã đạt 8,9 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2019 và tăng 37% so với năm 2018. Mạng lưới các Hiệp định tự do của Việt Nam có thể tạo ra cơ hội cho ngành công nghiệp xuất khẩu của Canada đến những thị trường mà Canada chưa có kết nối.
Mối quan hệ giao lưu nhân dân cũng có thể được tăng cường thông qua nhiều thỏa thuận hữu nghị giữa Canada và Việt Nam, như thoả thuận giữa Thành phố Toronto và Thành phố Hồ Chí Minh được ký kết năm 2006. Việt Nam là quốc gia Pháp ngữ lớn nhất ở Châu Á và cũng giống như Canada, là một thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ, một tổ chức quốc tế có hơn 88 vùng và thành viên là các quốc gia có sử dụng tiếng Pháp như một ngôn ngữ chung. Các thành phố của Việt Nam có thể thiết lập nhiều thỏa thuận hữu nghị với các thành phố của Canada với số lượng lớn dân cư nói tiếng Pháp. Các mối quan hệ giữa các thành phố này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các liên kết kinh tế, giáo dục và văn hóa giữa hai quốc gia.
Chỉ còn 2 năm nữa là kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Canada và Việt Nam. Triển vọng tăng trưởng kinh tế cao hơn ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo mới hứa hẹn một sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Đây là cơ hội tốt để Canada và Việt Nam cùng nắm lấy những cơ hội chung để tiến tới phát triển toàn diện.
Julie Trang Nguyễn- Tổng Thư ký Hiệp hội Canada-Việt Nam