Quang cảnh buổi toạ đàm. (Ảnh: Tuấn Việt)
Tọa đàm còn có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Hoàng Vân - Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng; ông Trần Đắc Lợi - nguyên Phó Trưởng ban thường trực, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cùng đại diện các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức nhân dân Việt Nam, các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hữu nghị.
Tọa đàm là cơ hội để các đại biểu trao đổi, thảo luận nhằm xây dựng báo cáo tổng kết Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Nhìn lại phong trào nhân dân thế giới trong 10 năm qua
Ông Trần Đắc Lợi - nguyên Phó Trưởng ban thường trực, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam trình bày tham luận tại Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Việt)
Theo ông Trần Đắc Lợi, có nhiều nhân tố tác động đến phong trào nhân dân thế giới trong 10 năm qua. Đó là sự chuyển đổi về cơ cấu, quan hệ sản xuất, lao động và xã hội dưới tác động của cách mạng học kỹ thuật, tiến trình toàn cầu hoá và việc áp dụng các chính sách tự do mới trong suốt hơn 40 năm qua. Hệ quả là bộ phận giai cấp công nhân công nghiệp truyền thống bị thu hẹp đáng kể, bộ phận làm việc phi chính thức, phân tán, phi tập trung, có vị trí xã hội bấp bênh ngày càng lan rộng; vị thế của người lao động trong quan hệ với giới chủ ngày càng bị suy yếu. Sự bùng nổ của internet mở ra khả năng hình thành các mạng liên kết xã hội rộng rãi nhưng cũng góp phần làm phân tán, phân hoá tập hợp lực lượng quần chúng.
Một nhân tố tác động khác đáng chú ý là do thất bại của mô hình phát triển theo chính sách tự do mới và mô hình chính trị dân chủ tự do đã dẫn đến các cuộc khủng hoảng về tài chính – kinh tế, về xã hội – nhân văn và về môi trường sinh thái trầm trọng nhất từ trước đến nay. Sự thất bại trong xử lý khủng hoảng kéo dài làm mất niềm tin của đông đảo người dân vào các thể chế hiện hữu, làm bùng phát các phong trào phản kháng tại nhiều nước phương Tây. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 càng làm bộc lộ và trầm trọng hoá các mâu thuẫn nội tại.
Ông Trần Đắc Lợi dự báo, trong thời gian tới các phong trào phản kháng xã hội sẽ tiếp tục bùng phát với các phương thức tập hợp đa dạng, phức tạp mới. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục đẩy mạnh sử dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào nội bộ các nước...
Trước những dự báo về diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực có thể tác động mạnh mẽ đến phong trào nhân dân trong thời gian tới, ông Trần Đắc Lợi cũng đưa ra một số đề xuất như: tăng cường hơn công tác nghiên cứu về tình hình phong trào nhân dân thế giới và xây dựng chiến lược phát triển quan hệ đối tác.
Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm duy trì, phát huy những thành tựu đã đạt được, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thúc đẩy sự tham gia, kết nối với phong trào nhân dân thế giới.
Bà Trịnh Thị Mai Phương - Phó trưởng ban Quốc tế Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Việt)
Nhiều kiến nghị sâu sắc
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga đánh giá cao những tham luận, ý kiến chia sẻ, kiến nghị sâu sắc được đưa ra và cho rằng đó là những kiến nghị có ý nghĩa thực tiễn và bổ ích đối với những người làm công tác đối ngoại nhân dân.
Bày tỏ sự nhất trí với nhận định cho rằng phong trào nhân dân thế giới chịu tác động rất lớn của những biến chuyển trong tình hình thế giới, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga cho rằng tình hình mới đặt phong trào nhân dân thế giới, cũng như cách Việt Nam ứng xử với các phong trào này trước những thách thức rất mới, đặc biệt là vấn đề tập hợp lực lượng.
"Thông qua các báo cáo có thể thấy các tổ chức nhân dân của chúng ta, các đoàn thể chính trị xã hội đã rất nỗ lực để tăng cường hợp tác trên các kênh song phương, đa phương để phát huy vai trò của Việt Nam trên tất cả các diễn đàn" - bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị cũng chỉ ra những hạn chế như: chưa dự báo, nghiên cứu được trào lưu, xu hướng sẽ phát triển chính trong phong trào nhân dân trong thời gian tới, chưa có tư duy đột phá, chưa đa dạng đối tác... Đồng thời, nguồn lực con người, tài chính đầu tư cho công tác nghiên cứu cũng còn nhiều khó khăn.
"Thách thức khó nhất đối với chúng ta bây giờ là xác định được ngọn cờ tập hợp lực lượng để thúc đẩy, bảo vệ lợi ích quốc gia Việt Nam và đồng thời là đóng góp vào phong trào tiến bộ của nhân dân thế giới. Cần có những nghiên cứu sâu hơn để đảm bảo các hoạt động hợp tác với các tổ chức nhân dân, với các phong trào nhân dân trên thế giới vừa thể hiện cái vai trò tích cực của Việt Nam nhưng vừa đảm bảo đúng đường lối đối ngoại và không ảnh hưởng đến quan hệ của ta với các nước" - bà Nga nhấn mạnh.
Đánh giá về một số kiến nghị được đại diện các tổ chức nhân dân nêu ra tại buổi Tọa đàm, Chủ tịch Nguyễn Phương Nga đồng tình với quan điểm cần có kế hoạch hợp tác cụ thể với từng đối tác. Tăng cường quan hệ đối tác giữa các tổ chức nhân dân Việt Nam và quốc tế phải thiết thực, gắn với lợi ích mối bên. Bên cạnh đó cần chú trọng đến đặc thù của các tổ chức, hiệp hội, các ngành nghề để phát huy vai trò của họ. Tạo điều kiện để cho đối ngoại nhân dân, các tổ chức nhân dân của Việt Nam được tiếp cận được tham gia các diễn đàn, các hoạt động của các phong trào quốc tế. Đặc biệt, bắt buộc phải đầu tư cho công tác nghiên cứu; phải có một chiến lực tổ chức hội thảo, tọa đàm quốc tế, mời bạn bè quốc tế có những nghiên cứu chuyên sâu cùng tham gia.
NN t/h theo Tạp chí thời đại