AEPF 13 diễn ra từ ngày 17-24/5 với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đại diện các tổ chức nhân dân, phi chính phủ, học giả và nghị sĩ đến từ 26 quốc gia thuộc châu Á và châu Âu.
AEPF 13 bao gồm chuỗi hoạt động như hội thảo, trao đổi về chính sách và các phiên thảo luận toàn thể được tổ chức theo hình thức trực tuyến với những chủ đề khác nhau bao gồm: Chủ quyền lương thực và công bằng tài nguyên; Công bằng thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp; Công bằng xã hội và bảo trợ xã hội; Hòa bình và An ninh; Dân chủ; Quyền con người và Quyền của người di cư...
Phiên thảo luận ngày 22/5 của AEPF 13 có sự tham dự của các đại diện đến từ Việt Nam. |
Chia sẻ về việc lựa chọn các chủ đề, Ban tổ chức AEPF 13 nhận thấy các cuộc khủng hoảng khí hậu và mất đa dạng sinh học; sự gia tăng của chủ nghĩa độc đoán và phân biệt đối xử, bất bình đẳng ngày càng tăng và các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh nhiều quốc gia. Vì vậy, AEPF 13 là cơ hội để các đại biểu tham dự chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó, từ đó, tạo sự thống nhất giữa các phong trào xã hội, tổ chức nhân dân hai châu lục.
Ban tổ chức hy vọng các thảo luận về các chủ đề trên trong khuôn khổ AEPF 13 sẽ góp phần tìm ra những đề xuất hợp lý cho các chiến lược của chính phủ và nhân dân các nước châu Á và châu Âu để vượt qua khó khăn cũng như định hình chiến lược phát triển trong tương lai.
Ông Đồng Huy Cương, Tổng thư ký Ủy ban Hòa bình Việt Nam sẽ đồng chủ trì phiên thảo luận ngày 22/5 với chủ đề: "Hòa bình và An ninh ở châu Á và châu Âu: Thực trạng và những việc cần làm". |
Đại diện cho các tổ chức nhân dân Việt Nam, đoàn Ủy ban Hòa bình Việt Nam do ông Đồng Huy Cương - Tổng thư ký sẽ đồng chủ trì phiên thảo luận ngày 22/5 với chủ đề: "Hòa bình và An ninh ở châu Á và châu Âu: Thực trạng và những việc cần làm".
Tuyên bố chung của AEPF 13 sẽ được trình lên Hội nghị Á Âu lần thứ 13 (ASEM 13), nơi các nguyên thủ quốc gia từ châu Á và châu Âu sẽ thảo luận về các ưu tiên và định hình chiến lược phát triển trong tương lai.
Q.Hoa t.h