Chiều 2/10, tại Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã diễn ra Lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 151 của lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi (2/10/1869 -2/10/2020).
Gandhi được người dân Ấn Độ gọi là "Mahatma" hay "linh hồn lớn". Ảnh: Famous Biographies |
Tới tham dự sự kiện có: nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên, bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO); Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại diện Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ các thành viên ngoại giao đoàn, các viện nghiên cứu hàn lâm cùng cộng đồng Ấn kiều cũng tham dự sự kiện.
Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam dâng hoa trước tượng đài Mahatma Gandhi. |
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã dâng hoa tại tượng Mahatma Gandhi trong khuôn viên Đại sứ quán. |
Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) cùng các khách mời ra mắt ấn phẩm đặc biệt của Tạp chí nghiên cứu của Viện về “Hiến pháp Ấn Độ”. |
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Pranay Verma bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới Chính phủ Việt Nam và các tổ chức đồng hành những người đã hỗ trợ Đại sứ quán Ấn Độ trong hàng loạt các hoạt động kỷ niệm suốt một năm qua nhằm mang đến cho người dân Việt Nam những ý tưởng và thông điệp của Mahatma Gandhi.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma phát biểu tại buổi lễ kỉ niệm. |
"Những lý tưởng về chân lý, hòa bình và bất bạo động của Mahatma Gandhi đã truyền cảm hứng cho các cuộc đấu tranh chống thực dân ở nhiều nước ở châu Á và châu Phi, trong đó có cuộc đấu tranh giành tự do của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Cả hai nhà lãnh đạo này, với sự lãnh đạo đầy cảm hứng và thông điệp về phẩm giá và tự do của con người, đã mang lại cho nhân dân chúng ta sự can đảm và tự tin để đứng lên chống lại các cường quốc thuộc địa và giành lại tự do.
Tư tưởng và trí tuệ đầy cảm hứng của họ đã giúp chúng ta vượt qua nhiều thử thách trong hành trình xây dựng đất nước và đạt được những bước phát triển mở ra một tương lai thịnh vượng hơn cho chúng ta.
Điều thật sự đáng nói là chúng ta luôn khám phá ra sự liên quan và cộng hưởng của những thông điệp đơn giản nhưng sâu sắc trong những lời dạy và lý tưởng của Gandhi dù chúng ta đang sống ở thời đại hay thế kỷ nào", Đại sứ Pranay Verma nói.
Có mặt tại buổi lễ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên cho biết, Mahatma Gandhi là một vị lãnh tụ dân tộc vĩ đại của Ấn Độ, và cũng là một con người vĩ đại của thế kỷ 20."Tôi tin tưởng rằng những lý tưởng và tầm nhìn của những người cha sáng lập của chúng ta sẽ tiếp tục chúc phúc cho mối quan hệ của chúng ta trong các thời đại sau này và sẽ tiếp tục kết nối trái tim và khối óc của chúng ta trong việc cùng theo đuổi hòa bình, phát triển và thịnh vượng cho hai quốc gia và dân tộc chúng ta", Đại sứ nói.Theo Đại sứ, lễ kỷ niệm hôm nay là một dịp quan trọng để chúng ta suy ngẫm và khẳng định lại những giá trị và lý tưởng mà Mahatma Gandhi đã sống và hy sinh cuộc đời mình.
"Là một người từng học tập và công tác tại Ấn Độ, tôi hiểu tình cảm của người dân Ấn Độ với Mahatma Gandhi lớn đến như thế nào. Đi đến đâu cũng thấy người dân yêu mến và kính trọng Mahatma Gandhi. Điều tôi ấn tượng nhất chính là sự giản dị của Mahatma Gandhi, một người bạn của những người nghèo khổ", ông nói.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên phát biểu tại buổi lễ kỉ niệm. |
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhắc lại những dấu ấn về tư tưởng của Mahatma Gandhi đối với lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những lời giảng dạy của Mahatma Gandhi trong việc mang lại hòa bình thế giới và phát triển con người ngày nay.
Cũng theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, hôm nay là ngày sinh nhật lần thứ 151 của Mahatma Gandhi cũng là dịp để ôn lại và thấy được mối quan hệ vô cùng chặt chẽ, gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam và Ấn Độ.
"Ngày nay quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ vô cùng tốt đẹp, chúng ta như những người anh em và hết lòng cho nhau và chúng ta cố gắng để xây dựng một thế giới hòa bình, không còn sự phân biệt, như Chủ tịch Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đời đời bền vững", ông nói.
Trong lễ kỷ niệm cũng đã công chiếu các trích đoạn video giới thiệu hoạt động kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Mahatma Gandhi trong một năm vừa qua trên khắp thế giới, cũng như phiên bản bài hát cầu nguyện của Gandhi “Vaishnav Jan To Tene Kahiye” do ca sỹ Phi Nhung của Việt Nam trình bày. Một video do Đại sứ quán thực hiện về ngành dệt thủ công của Ấn Độ, ngành được Mahatma Gandhi tôn vinh là biểu tượng của cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của Ấn Độ, cũng được trình chiếu.
Tại sự kiện, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), đã phát hành ấn phẩm đặc biệt của Tạp chí nghiên cứu của Viện về “Hiến pháp Ấn Độ”.
Trước thềm lễ kỷ niệm, Đại sứ quán đã tổ chức một chuỗi các hoạt động trực tuyến, bao gồm hội thảo trực tuyến chủ đề “Mahatma Gandhi trong thời đại của chúng ta”, “Đố vui về Mahatma Gandhi”, chiếu “Gandhi” – một bộ phim đã nhận nhiều giải thưởng danh giá - tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tại Hà Nội, và một buổi kể chuyện trực tuyến về Mahatma Gandhi (Gandhi Katha) bởi T.S. Shobhana Radhakrishna.
Mahatma Gandhi (2/10/1869 - 30/1/1948) có tên đầy đủ là Mohandas Karamchand Gandhi. Từ cuối năm 1910, Gandhi là một trong những người tiên phong tìm đường lật đổ ách thống trị của thực dân dân Anh. Với triết lý đấu tranh “Bất bạo động”, Gandhi và những người ủng hộ ông đã phát động nhiều cuộc biểu tình vào những năm 1930, 1940 và phải chịu tù đày không ít lần cho tới khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, trong đó nổi bật nhất là hành trình đi bộ liên quan tới muối kéo dài 24 ngày, tháng 3/1930. Ngày 30/1/1948, Gandhi đã bị sát hại ở New Delhi bởi một tay súng người Hindu cực đoan phản đối quan điểm đoàn kết giữa người Hồi giáo với người Hindu do ông đề xướng. Ngày 15/6/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày sinh của ông (2/10) hằng năm là Ngày Quốc tế Bất bạo động. Nhân dân Ấn Độ gọi ông bằng những tên gọi thể hiện tấm lòng tôn kính, trìu mến như: Babuji (Cha kính yêu), Mahatma Gandhi (Tâm hồn vĩ đại Gandhi), hay “the Father of the Nation” (Cha già dân tộc). Đại thi hào Rabindrath Tagore từng tôn vinh Mahatma Gandhi là “tâm hồn vĩ đại”. Đến nay, hơn 70 quốc gia trên thế giới đã dựng tượng Gandhi và hơn 100 nước đã phát hành con tem có in hình của ông. |