Quang cảnh buổi tiếp
Tiến sĩ Bahman Asad, người điều phối Tổ chức chống các căn cứ quân sự nước ngoài, tham gia ban Lãnh đạo tổ chức tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ (VFP), là Chủ tịch Tổ chức đoàn kết với Syria.
Tiến sĩ Ajamu Baraka là ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ của Đảng Xanh trong cuộc bầu cử 2016, sáng lập viên Liên minh da đen vì Hòa bình, và nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, bảo vệ người da đen ở Mỹ. Năm 1998, ông là một trong 300 người trên thế giới được cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan trao giải thưởng bảo vệ nhân quyền.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga khẳng định, luôn luôn ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho Hội đồng Hòa bình Mỹ cũng như Ủy ban Hòa bình thế giới trong việc không ngừng thắt chặt quan hệ với phong trào hòa bình thế giới.
Đối với Việt Nam, bên cạnh quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, Việt Nam luôn mong muốn đóng góp chung cho sự nghiệp bảo vệ hòa bình, an ninh, công lý trên thế giới, và hi vọng Hội đồng Hòa bình Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong công cuộc này.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Cập nhật về tình hình Biển Đông, Chủ tịch Nguyễn Phương Nga chia sẻ những giá trị, quan điểm, nguyên tắc bất di bất dịch của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và không đe dọa sử dụng vũ lực.
Theo bà, Việt Nam luôn tôn trọng và thực thi các quy định của Công ước Luật Biển 1982. Đồng thời nhấn mạnh nỗ lực và chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982.
Biển Đông là tuyến đường giao thương, hàng hải lớn, nhộn nhịp nhất của thế giới. Do đó, mọi diễn biến tại đây sẽ không chỉ ảnh hưởng tới các quốc gia trong khu vực mà các nước đều phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh khu vực, Chủ tịch Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh.
Về phần mình, hai đại diện Hội đồng Hòa bình Mỹ đã chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp về thủ đô Hà Nội, về quá trình đấu tranh kiên cường cho độc lập, tự do, và công cuộc tái thiết, phát triển đất nước sau chiến tranh.
Về vấn đề Biển Đông, cả Tiến sĩ Bahman Asad và Tiến sĩ Ajamu Baraka đều bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp gần đây và khẳng định ủng hộ Việt Nam giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế; hy vọng các bên nỗ lực duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông.
Cũng trong chương trình làm việc tại Việt Nam lần này, ngày 29/11 hai đại diện Hội đồng Hòa bình Mỹ gặp gỡ Ủy ban Hòa bình Việt Nam và chia sẻ thông tin về tình hình kinh tế - chính trị và bầu cử Mỹ, phong trào hòa bình và đoàn kết tại Mỹ hiện nay.
Tọa đàm chia sẻ thông tin về tình hình kinh tế - chính trị và bầu cử Mỹ, phong trào hòa bình và đoàn kết tại Mỹ hiện nay.
Hội đồng Hòa bình Mỹ (US Peace Council- USPC) là một tổ chức hoạt động hòa bình chống chạy đua vũ trang, thành lập năm 1979 tại trường Đại học George Town, có 300 đại biểu từ 30 bang của Mỹ và các tổ chức hòa bình, nhiều tổ chức chống chiến tranh ở Mỹ tham dự Đại hội thành lập. Hội đồng Hòa bình Mỹ là thành viên của Hội đồng hòa bình thế giới.
Ngay khi Hội đồng thành lập, dư luận Mỹ đánh giá Hội đồng Hòa bình Mỹ là tổ chức có quan hệ gần gũi với Đảng Cộng sản Mỹ, là một trụ cột của phong trào hòa bình ở Mỹ, đi đầu phục vụ những lợi ích của Liên Xô.
Nhiều thành viên Hội đồng Hòa bình Mỹ đã tích cực tham gia phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ và ủng hộ Việt Nam. Nhiều đại biểu đã tham gia các diễn đàn hòa bình của Hội đồng Hòa bình Thế giới diễn ra tại Việt Nam, bày tỏ ủng hộ đoàn kết với nhân dân Việt Nam.
t/h