Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga
Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019-2024.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2013-2018, đã được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị khóa VI.
Ngày 6/12, Đại sứ Nguyễn Phương Nga đã trao đổi với báo chí về phương hướng nhiệm vụ của Liên hiệp Hữu nghị trong nhiệm kỳ tới.
- Thưa Đại sứ, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019-2024 với chủ đề: "Đổi mới mạnh mẽ, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc." Với chủ đề này, Liên hiệp Hữu nghị sẽ triển khai phương hướng nhiệm vụ gì trong nhiệm kỳ mới, thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam đã thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện. Đại hội đã xác định rõ nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019-2024, được thể hiện đầy đủ trong chủ đề của Đại hội: "Đổi mới mạnh mẽ, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc." Nội hàm công tác trong nhiệm kỳ mới được tóm lược ngắn gọn trong chủ đề này.
Ngay sau Đại hội, Liên hiệp Hữu nghị sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết của Đại hội, kết hợp với việc quán triệt Chỉ thị 38 của Ban Bí thư ban hành ngày 19/9/2019 về “Tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò nâng cao chất lượng hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị trong tình hình mới.”
Các địa phương, tổ chức thành viên có chương trình kế hoạch hành động, là cơ sở để xây dựng kế hoạch chung cho toàn Liên hiệp Hữu nghị, từ đó, sớm tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội và Chỉ thị 38 của Ban Bí thư để xác định rõ nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức trong thực hiện chủ đề Đại hội đã đề ra.
Đồng thời, 2020 vừa là năm đầu tiên thực hiện các Nghị quyết của Đại hội vừa có rất nhiều sự kiện, hoạt động hoạt động đối ngoại của đất nước, trong đó, đối ngoại nhân dân đóng vai trò, trách nhiệm rất lớn. Do đó, nhiệm vụ của Liên hiệp Hữu nghị rất nhiều.
Bên cạnh đó, trong phát biểu chỉ đạo Đại hội của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng có nêu nhiệm vụ thứ 5, là nhiệm vụ cuối cùng nhưng cũng vô cùng quan trọng đối với Liên hiệp Hữu nghị là kiện toàn, xây dựng đội ngũ thật sự đoàn kết, có đủ năng lực, trình độ để đáp ứng được những yêu cầu của nhiệm vụ mới đề ra. Đây cũng là một trọng tâm rất quan trọng của Liên hiệp Hữu nghị trong năm 2020.
Có thể nói, yêu cầu của tình hình mới hiện nay rất khác so với giai đoạn trước nên Liên hiệp Hữu nghị cần đổi mới về tư duy, hành động, cách tiếp cận để làm tốt công tác đối ngoại nhân dân với mục tiêu cao nhất là huy động sự ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Liên hiệp Hữu nghị, với tư cách là cơ quan chuyên trách, là lực lượng nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, phải vừa hoàn thành tốt chức trách của mình, vừa hoàn thành hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân của các tổ chức nhân dân khác; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, để góp phần vào sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Việt Nam.
- Công tác xúc tiến, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài là một trong những nhiệm vụ chính của Liên hiệp Hữu nghị. Xin Đại sứ đánh giá công tác này có những thuận lợi, khó khăn gì trong nhiệm kỳ mới?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Công tác xúc tiến, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài là một trong những chức năng, nhiệm vụ chính của Liên hiệp Hữu nghị trong gần 30 năm nay.
Có thể nói, Liên hiệp Hữu nghị đã có nhiều kinh nghiệm, đạt được nhiều thành tựu đối với công tác này. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới này, bối cảnh trong nước cũng như quốc tế có sự thay đổi nên công tác này cũng đứng trước những thuận lợi và khó khăn mới.
Về thuận lợi, hiện nay, chúng ta đang thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại rất rộng mở, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. Chủ trương này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp Hữu nghị nói riêng và công tác đối ngoại nhân dân nói chung trong việc phát triển hệ thống đối tác, tăng cường diện tiếp xúc cả về địa lý cũng như các nội dung hợp tác.
Cùng với đó, chủ trương của Việt Nam từ trước đến nay là luôn luôn đánh giá cao vai trò của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng như viện trợ phi chính phủ trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương đó đã tạo điều kiện thuận lợi để Liên hiệp Hữu nghị cũng như các tổ chức nhân dân khác có thể chủ động tăng cường tiếp xúc với các tổ chức phi chính phủ.
Một điểm quan trọng nữa là, bạn bè quốc tế rất tin tưởng chúng ta, coi Việt Nam là một trong những ví dụ thành công, hiệu quả trong việc sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài trực tiếp, nhất là đến các nhóm yếu thế, những người dân vùng sâu vùng xa, nạn nhân chiến tranh. Đây là tiền đề rất tốt để chúng ta có sự hợp tác hiệu quả với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Đội ngũ làm công tác đối ngoại nhân dân và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài ở Trung ương và địa phương rất tâm huyết, có những kinh nghiệm nhất định. Sự phối hợp giữa các ban ngành, địa phương có nhiều đổi mới theo hướng tích cực, hiệu quả hơn.
Về khó khăn, thách thức, bối cảnh thế giới với những xu hướng mới sẽ tác động đến hợp tác nhân dân quốc tế. Việc chia sẻ nguồn lực để giúp đỡ quốc gia khác, hay các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ phát triển trở nên eo hẹp. Vì vậy, sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài không còn dồi dào như trước.
Bên cạnh đó, cùng với việc đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta, hiện, Việt Nam không còn nằm trong nhóm quốc gia được ưu tiên dành cho các nguồn lực phát triển như vậy.
Đây là tác động khách quan làm nguồn lực hỗ trợ phát triển của Việt Nam giảm đi; ưu tiên vào cơ sở hạ tầng, kinh tế cũng giảm. Do đó, làm sao để các ưu tiên của các tổ chức phi chinh phủ nước ngoài phù hợp với sự ưu tiên cho phát triển của Việt Nam cũng là một trong những thách thức đối với công tác xúc tiến, viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
- Trong năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò kép, vừa là Chủ tịch ASEAN 2020, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Là cơ quan chuyên trách công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp Hữu nghị sẽ đóng góp cho năm 2020, thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Liên hiệp Hữu nghị có nhiệm vụ cụ thể là tổ chức thành công Diễn đàn nhân dân ASEAN.
Để đóng góp vào khuôn khổ cả năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Liên hiệp Hữu nghị sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động đối ngoại nhân dân song phương với các nước thành viên ASEAN, với mục tiêu cao nhất là thúc đẩy, xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và tự cường, theo đúng chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2020 là: "Gắn kết và chủ động thích ứng" để có thể thích ứng được với những thay đổi của tình hình hiện nay, những thách thức mới kể cả truyền thống cũng như phi truyền thống ở khu vực, làm sao để ASEAN có thể phát huy vai trò của một tổ chức khu vực, trở thành một cộng đồng vững mạnh.
Đối với Liên hợp quốc, chúng ta tham gia Hội đồng Bảo an với một sứ mệnh cao cả là thúc đẩy hòa bình và an ninh trên thế giới. Điều này cũng phù hợp với sứ mệnh của Liên hiệp Hữu nghị là tăng cường tình hữu nghị, hòa bình, đoàn kết giữa các dân tộc. Trong khuôn khổ hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị, trên các diễn đàn đa phương, Liên hiệp Hữu nghị sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Hiện một số tổ chức đa phương của Việt Nam đang là thành viên có quy chế tư vấn của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), từ đó đóng góp vào các chương trình của Liên hợp quốc, thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), bảo vệ hòa bình, an ninh trên thế giới.
Bởi quan điểm hiện nay trên thế giới là hòa bình an ninh gắn kết rất chặt chẽ với phát triển, phải giữ vững hòa bình và đi cùng với đó là phát triển bền vững.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Theo ttx vn