Trong đó: Tác phẩm "Ho Chi Minh Vida e obra do lisder da lisder da libertação nacional do Vietnã" (Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp vị lãnh tụ giải phóng dân tộc Việt Nam) của tác giả Pedro De Oliveira - Nhà xuất bản Anita Garibaldi (Brazil) đạt giải Nhất. Tác phẩm "Sự phát triển mối quan hệ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Mỹ La-tinh và Caribe" của tác giả Ruvislei González Saez - Trung tâm Nghiên cứu Chính sách quốc tế đạt giải Nhì.
Tạp chí Thời Đại được trao 2 giải Ba với Ý tưởng tổ chức Cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện" của tập thể Tạp chí và tác phẩm "Healing the wounds of the US war in Vietnam: Reconciliation and Forgiveness" (Hàn gắn vết thương chiến tranh Việt -Mỹ: Bao dung và sám hối) của nhóm tác giả: Glen MacDonald, Mai Nguyễn Hồng Anh, Nguyễn Lê Huyền Nhung, Nguyễn Thị Thúy Hằng. Tác phẩm "Từ điển tiếng Việt - Tây Ban Nha" của tác giả Vũ Văn Âu - Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội nhận giải Khuyến khích.
Các tác phẩm của VUFO và bạn bè, đối tác quốc tế được thể hiện bằng 5 ngôn ngữ: Tiếng Việt, Anh, Lào, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha; ở nhiều thể loại như: sáng kiến, ý tưởng sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại; báo điện tử tiếng nước ngoài; sách. Trong đó 3 tác phẩm có sự tham gia của tác giả là người nước ngoài.
Ông Pedro De Oliveira chia sẻ về tình cảm dành cho Việt Nam (Ảnh: Minh Quyết). |
Tác giả Pedro De Oliveira bày tỏ niềm vinh dự, hạnh phúc khi được trao đạt giải Nhất với tác phẩm sách “Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp vị lãnh tụ giải phóng dân tộc Việt Nam” và cho biết sẽ tiếp tục viết tập 3 của cuốn sách, tuyên truyền những sự kiện của Việt Nam, vai trò quan trọng của Việt Nam, những tấm gương của Việt Nam trên thế giới. Ông kể: "Mối duyên với Việt Nam bắt đầu từ năm 1968. Thời điểm đó tôi cùng nhiều sinh viên Đại học Sao Paolo (Brazil) được biết đến Việt Nam qua những hình ảnh, câu chuyện về những người lính của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Chúng tôi đã góp tiếng nói đấu tranh phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam".
Theo Ban Tổ chức Cuộc thi, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chỉ trong vòng 4 tháng phát động giải thưởng (từ tháng 4-8/2022), đã có 1.172 tác phẩm tham gia dự thi, tăng 11% so với Giải thưởng lần thứ VII, nhiều nhất trong các kì giải thưởng. Số lượng tác phẩm/sản phẩm của các tác giả người nước ngoài, kiều bào là 70 tác phẩm.
Các tác phẩm/sản phẩm có nội dung phong phú, phản ánh những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại quan trọng của Việt Nam; chủ trương, đường lối của Đảng trên mọi lĩnh vực; dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế; quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa, trí tuệ Việt Nam; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam; ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh; nỗ lực trong phòng chống và phục hồi sau dịch bệnh... Hình thức thể hiện đa dạng, tiếp cận được công nghệ truyền thông hiện đại, có giá trị thông tin đối ngoại, thu hút được sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước.
Ông Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao giải (Ảnh: Minh Quyết). |
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho biết: "Qua 8 kỳ tổ chức, Giải ngày càng có chất lượng, uy tín, mở rộng không gian sáng tạo cho đội ngũ những người làm thông tin đối ngoại. Thực tiễn phong phú, sinh động của đời sống quốc tế, tình hình chính trị xã hội trong nước và công tác đối ngoại đã trở thành nguồn cảm hứng, chất liệu quý cho các tác giả sáng tạo".
Ông Võ Văn Thưởng đề nghị lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại nhận thức sâu sắc về cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước, về bối cảnh của tình hình quốc tế, khu vực; tăng cường tuyên truyền, giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới cộng đồng thế giới. Giúp cho người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế hiểu rõ và thêm tin yêu Việt Nam - một Việt Nam đổi mới, giàu tiềm năng, chính trị ổn định, luôn nỗ lực vì hợp tác hòa bình của khu vực và thế giới, luôn sẵn sàng mời gọi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam.
Việc triển khai thông tin cần thể hiện rõ tính “tiên phong”, đột phá trong chuyển đổi phương thức thông tin đối ngoại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông trên nền tảng số... Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các thông tin, luận điệu xuyên tạc, thù địch; lan tỏa nhiều hơn những thông tin tích cực.
*Tạp chí Thời Đại đạt 2 giải Ba
Phát huy kết quả những năm trước đó, năm nay tạp chí Thời Đại tiếp tục đạt nhiều giải thưởng. Trong đó:
Đại diện tạp chí Thời Đại nhận giải Ba sáng kiến, ý tưởng sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại với ý tưởng tổ chức Cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện" (Ảnh: Minh Quyết). |
Cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện” là một hoạt động trọng tâm, thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (05/9/1962 - 05/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022).
Tình hữu nghị Việt Nam - Lào trường tồn và không ngừng phát triển bởi ý nguyện của nhân dân hai nước. Tình hữu nghị đó được xây dựng, bồi đắp từ mạch nguồn văn hóa và tâm hồn của hai dân tộc, được nuôi dưỡng từ quá khứ đến hiện tại và không ngừng khát vọng vươn tới tương lai. Ý tưởng “kể lại” câu chuyện vĩ đại về tình hữu nghị Việt – Lào được hình thành với mục tiêu tìm lại và tập hợp những kỷ niệm, hiện vật đơn sơ, nhỏ bé hoặc xưa cũ nhưng chứa đựng, lưu giữ những giá trị vô giá của tình cảm và lịch sử quan hệ nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, đồng thời tạo một không gian hữu nghị chung của nhiều thế hệ....
Đại diện nhóm tác giả tạp chí Thời Đại (hàng sau, thứ nhất từ phải sang) nhận giải Ba với tác phẩm Healing the wounds of the US war in Vietnam: Reconciliation and Forgiveness (Hàn gắn vết thương chiến tranh Việt -Mỹ: Bao dung và sám hối) (Ảnh: Minh Quyết). |
Tác phẩm Healing the wounds of the US war in Vietnam: Reconciliation and Forgiveness (Hàn gắn vết thương chiến tranh Việt - Mỹ: Bao dung và sám hối) thể hiện lòng độ lượng, tình thân thiện và sự hỗ trợ của nhân dân, đặc biệt là nạn nhân chiến tranh Việt Nam đối với cựu binh Mỹ và nhân dân Mỹ trong quan hệ với Việt Nam; sự chuyển đổi trong tư tưởng của cựu binh Mỹ qua các hoạt động cụ thể để góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Qua đó, truyền đi thông điệp “Thế giới hiện nay và tương lai hãy biết hợp tác, yêu thương nhau mà không phải trải qua chiến tranh, đau thương thù hận như Việt - Mỹ trong quá khứ rồi mới nhận ra giá trị của hợp tác hướng tới tương lai tốt đẹp hơn”.
Long Phạm / Theo Thời Đại