Quang cảnh buổi tổng kết Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân năm 2022 (Ảnh: Thu Hà).
Báo cáo tổng kết Hội nghị nêu: Diễn đàn này đã phản ánh tiếng nói chung của toàn hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị trong cả nước. Đây cũng là cơ hội để các tổ chức thành viên kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tạo động lực chung.
Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân năm 2022 có sự tham gia của 230 đại biểu từ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tỉnh Cao Bằng; 49 Liên hiệp hữu nghị địa phương và 51 tổ chức thành viên Trung ương; đại diện Ban Đối ngoại Trung ương.
48 ý kiến tham luận của các đại biểu xoay quanh ba vấn đề chính: Nhận thức về công tác đối ngoại nhân dân; chế độ chính sách, tổ chức bộ máy và công tác phối hợp.
Những kiến nghị quan trọng được các đại biểu đưa ra tại hội nghị gồm: Bảo đảm chế độ, chính sách đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương; nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; cần có định hướng hoạt động cho các tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương; cần có nhiều hình thức vận động, truyền thông đến các địa phương về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân và hệ thống các Liên hiệp hữu nghị Trung ương và địa phương; các Hội ở Trung ương cần thường xuyên cung cấp thông tin, định hướng, hướng dẫn hoạt động cho các hội thành viên ở địa phương; nghiên cứu khả năng tổ chức các hoạt động ở địa phương.
Bà Nguyễn Phương Nga – Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao bằng khen cho tập thể Sở Ngoại vụ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cao Bằng (Ảnh: Thu Hà). |
Bà Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam - cho biết Hội nghị này tạo sự gắn kết trong hệ thống Liên hiệp hữu nghị, là cơ hội để trao đổi thông tin, kinh nghiệm, thực tiễn tình hình ở địa phương, đồng thời tạo có thể sáng tạo cách làm mới, tìm phương hướng để tháo gỡ các vướng mắc. Hội nghị cũng là dịp để rèn luyện về công tác tổ chức, điều hành các sự kiện lớn của cả Liên hiệp địa phương và Trung ương. Đây cũng là cơ hội quảng bá công tác đối ngoại nhân dân với các địa phương. Bà Nguyễn Phương Nga đề nghị hoàn thành kỷ yếu về hội nghị, đồng thời chuẩn bị cho hội nghị tiếp theo ở Bình Định vào năm 2023.
Bà Triệu Thị Kiều Dung, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng cho biết, tại Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân năm 2022, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao tặng an sinh xã hội cho tỉnh Cao Bằng, gồm: 10 căn nhà tình nghĩa trị giá 700 triệu đồng, 500 triệu đồng quà an sinh xã hội, 10.000 USD học bổng cho học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, sau hội nghị, nhờ sự kết nối, hỗ trợ vận động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, có một số tổ chức đã đến tìm hiểu, khảo sát, triển khai viện trợ tại tỉnh như: Tổ chức Tzu Chi (Đài Loan, Trung Quốc) đã đến khảo sát tại hai huyện Bảo Lạc và Nguyên Bình. Sau khi khảo sát tình hình thực tiễn tại địa phương, tổ chức đã có văn bản thông báo sẽ tăng mức viện trợ cho tỉnh Cao Bằng.
Cụ thể, mức hỗ trợ làm nhà cho 20 hộ nghèo với số tiền là 880 triệu đồng (tăng 180 triệu đồng; với định mức 44 triệu đồng/1 hộ); Quà Tết năm 2023 tăng thêm 500 suất (với trị giá 1 triệu đồng/1 suất) cho các hộ nghèo tại huyện Nguyên Bình. Như vậy, tổng mức viện trợ là 1,88 tỷ đồng, tăng 680 triệu đồng so với mức hỗ trợ ban đầu.
Tổ chức Blue Dragon Children's Foundation (BDCF/Australia) cũng có văn bản về việc hỗ trợ xây dựng 2 nhà ở cho gia đình 2 học sinh, với tổng số tiền là 160 triệu đồng.
Tổ chức The VinaCapital Foundation (VCF/Mỹ) hỗ trợ 10.000 USD, tương đương 230 triệu đồng, cho chương trình học bổng dành cho học sinh nghèo của tỉnh Cao Bằng theo hình thức hỗ trợ một lần.
Q.Hoa t.h / Thoidai