Dự tiếp Đoàn VFP có ông Nguyễn Ngọc Bình, Phó Chủ tịch Phụ trách Liên hiệp; ông Phạm Hữu Hoa, Phó Chủ tịch Liên hiệp; PGS.TS Phan Văn Hòa, Chủ tịch và bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ thành phố.
Ông Nguyễn Ngọc Bình đã tóm tắt các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân thành phố Đà Nẵng nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung với nhân dân Mỹ trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Ngọc Bình đánh giá cao hoạt động của VFP đã đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy hàn gắn vết thương chiến tranh, hỗ trợ nhân đạo và đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; hi vọng trong thời gian tới, Liên hiệp và VFP sẽ hợp tác cùng nhau triển khai một số hoạt động nhân đạo từ thiện giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam và gia đình, người già khó khăn và khuyết tật, trẻ em nghèo...; cũng như mong muốn thông qua kết nối của VFP, Liên hiệp sẽ đón tiếp và làm việc nhiều hơn với các tổ chức nhân dân Mỹ đến Đà Nẵng.
PGS.TS. Phan Văn Hòa cho rằng hiệu quả của các dự án mà VFP đã triển khai tại Việt Nam là rất lớn, nó xuất phát từ tấm lòng và tình cảm của các cựu chiến binh Mỹ và của nhân dân Mỹ. Các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, trẻ em nghèo, khuyết tật ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam mang ý nghĩa nhân văn và lan tỏa, qua đó tăng cường và phát triển hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác Việt - Mỹ.
Ông Chuck Searcy cho biết, các chuyến thăm và làm việc của VFP tại Việt Nam được thực hiện hàng năm từ năm 2008 đến nay. Hoạt động này đã giúp các cựu chiến binh Mỹ, gia đình và người thân của họ chứng kiến được nhiều điều thay đổi và phát triển của đất nước Việt Nam sau chiến tranh, cảm nhận được tình cảm của người dân Việt Nam và người dân Mỹ.
Ông Chuck Searcy cho rằng trong hơn 10 năm qua, VFP đã nỗ lực hết mình để thực hiện nhiều dự án nhân đạo từ thiện, tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng, và sắp tới đây là sân bay Biên Hòa; qua đó góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Ông khẳng định mỗi thành viên của VFP sẽ góp tiếng nói của mình và kêu gọi nhân dân Mỹ lên tiếng tác động đến Chính phủ Mỹ có nhiều chính sách quan tâm hơn nữa đến vấn đề khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại.
Theo ông Phạm Hữu Hoa, bên cạnh các thành tựu nổi bật mà thành phố đã đạt được thì Đà Nẵng cũng còn có gần 15 nghìn hộ nghèo và 6.400 hộ cận nghèo, tổng cộng gần 21.400 hộ, chiếm tỷ lệ gần 8% hộ dân cư trên địa bàn. Do đó, thành phố vẫn rất cần sự hỗ trợ và giúp đỡ từ các tổ chức trong và ngoài nước.
Ông Phạm Hữu Hoa đề nghị trong thời gian đến, VFP xem xét, hợp tác triển khai một số hoạt động như: Hỗ trợ người nghèo thông qua Quỹ vì người nghèo thành phố Đà Nẵng; vận động và hỗ trợ sinh kế, tặng bò cho bà con nông dân nghèo; tặng xe lăn cho các nạn nhân chất độc da cam, người già và người khuyết tật.
Các thành viên trong Đoàn VFP cho biết chuyến thăm là dịp để họ tìm hiểu lịch sử, đất nước và con người Việt Nam, thành tựu trong công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế của Việt Nam thông qua các buổi làm việc với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam. Một số thành viên đã đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục giải quyết hậu quả chiến tranh như: tăng cường các chương trình giao lưu hữu nghị giữa cựu chiến binh hai nước, giao lưu nhân dân, tìm kiếm các cơ hội giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, các học bổng giúp đỡ sinh viên Đà Nẵng sang Mỹ du học...
Trong Chương trình làm việc tại Đà Nẵng, Đoàn VFP cũng đã đi thăm Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/đioxin và trẻ em bất hạnh thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố; thăm và làm việc với Hội Cựu Chiến binh thành phố.
Tin + ảnh: Mai Dung (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng)