Vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào
Ngày Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Trường Cao đẳng Thái Nguyên tổ chức chương trình đón Tết cổ truyền Bunpimay và Chol Chnam Thmay cho các lưu học sinh Lào, Campuchia đang nghiên cứu, học tập tại 11 trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, anh Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hùng Thái (Đại Từ, Thái Nguyên) cũng đến chung vui cùng các em.
Từ nhiều năm nay, anh Hùng - một hội viên tích cực của Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên, hiếm khi vắng mặt trong bất cứ sự kiện nào. Thậm chí, có lần đến họp, anh còn dẫn theo vợ và con nhỏ.
Anh Hùng chia sẻ, Việt Nam và Lào là hai quốc gia có mối quan hệ đặc biệt, đã đồng cam cộng khổ, sinh tử có nhau trong suốt chặng đường lịch sử chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cũng như trong thời kỳ bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước. Chính vì thế, anh trở thành hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên không phải để "cầu danh, cầu lợi", mà muốn góp phần nhỏ bé của mình để tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc ngày càng phát triển, mãi mãi xanh tươi, bền vững và truyền tiếp cho thế hệ mai sau.
Cũng vì lý do này mà thời gian qua, doanh nghiệp chè Hùng Thái của anh Đỗ Mạnh Hùng có nhiều đóng góp tích cực, cùng Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên ươm mầm hữu nghị, chăm lo cho các lưu học sinh Lào đang nghiên cứu, học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Trường Cao đẳng Thái Nguyên tổ chức Tết Bunpimay (Lào), Chol Chnam Thmay (Campuchia) cho các lưu học sinh Lào và Campuchia đang nghiên cứu, học tập tại 11 trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thành Luân |
Nói về nguyện vọng của bản thân, anh Hùng rất mong Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào và Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên sẽ là cầu nối để doanh nghiệp anh có thể tìm hiểu, tiếp cận thị trường Lào. Qua đó, có thể lan tỏa các sản phẩm, văn hóa của quê hương Thái Nguyên tới các tỉnh, thành phố của nước bạn.
Không chỉ anh Đỗ Mạnh Hùng, hơn 130.000 hội viên của Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên khi tham gia vào Hội cũng chung một mục đích muốn mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào không ngừng đơm hoa kết trái. Những năm qua, nhiều hoạt động hữu nghị sôi nổi, thiết thực, hiệu quả của Hội trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, thể thao... đều được các hội viên tham gia hưởng ứng nhiệt tình.
Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục, Thái Nguyên đang là một trung tâm đào tạo nhân lực cho Lào. Theo lời kể của ông Dương Mạnh Việt, Trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện - chuyên gia quân sự tại Lào tỉnh Thái Nguyên, ban đầu khi Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên mới thành lập, cả tỉnh chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 30 lưu học sinh Lào. Sau đó, Hội phối hợp cùng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sang nhiều tỉnh, thành phố của Lào để tuyển sinh. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có hơn 1.400 lưu học sinh Lào đang học tập tại 11 trường. Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, số lưu học sinh Lào tại Thái Nguyên còn nhiều hơn nữa.
Thực hiện phương châm xã hội hóa, đa dạng hóa tổ chức và hoạt động hữu nghị nhân dân, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các trường quan tâm đến việc học tập, rèn luyện của lưu học sinh.
Trong đó, nhiều trường thực hiện chương trình "Homestay - đón lưu học sinh Lào về ở nhà dân" để nâng cao tiếng Việt và giao lưu văn hóa. Nhiều hội viên của Hội nhận đỡ đầu các lưu học sinh, quan tâm các em như con em trong gia đình, đón các em về nhà sinh hoạt vào các ngày nghỉ cuối tuần hoặc lễ tết.
Năm 2021, 2022, để phù hợp với tình hình dịch COVID-19 và đảm bảo sức khỏe, an toàn cho lưu học sinh, chương trình có sự thay đổi. Thay vì đến ở tại nhà dân, các lưu học sinh được chuyển hướng chăm sóc tại trường với các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp. Các hội viên của Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên cùng các thầy cô đến ký túc xá đến thăm nom, chăm sóc, hỗ trợ các em.
Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán, do dịch bệnh, lưu học sinh không được về nước. Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên vận động hội viên đến tặng quà Tết cho các em; các đoàn đại biểu của tỉnh, huyện, thành phố, thị xã đến từng trường để chúc Tết, trao quà cho tất cả các lưu học sinh. Trong túi quà Tết có một chiếc bánh chưng, bánh kẹo cùng tiền mừng tuổi.
Mạch ngầm chảy mãi
Theo ông Nguyễn Năng Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên, 130.000 hội viên của Hội sinh hoạt ở các chi hội thuộc 7 huyện và 21 thành viên tập thể. Số hội viên không chỉ dừng lại ở các cựu chiến binh, quân tình nguyện, chuyên gia công tác, chiến đấu từ chiến trường Lào mà còn có sự tham gia của các cựu thanh niên xung phong, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nông dân thuộc nhiều thành phần trong xã hội.
Ông Nguyễn Năng Đắc, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên |
Có được đội ngũ hội viên đông đảo và vẫn đang không ngừng mở rộng như mạch ngầm chảy mãi, ông Đắc giải thích, trước hết là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh. Tiếp đó, Hội đã tiến hành tuyên truyền, vận động các huyện, thành viên tập thể, hội cựu chiến binh, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, kể cả các trường không có lưu học sinh Lào. Nhiều doanh nghiệp cũng trở thành hội viên của Hội, tích cực tham gia bằng cả vật chất lẫn tinh thần.
"Để trở thành hội viên của Hội không cần bất cứ điều kiện gì, miễn là có tinh thần vun đắp cho quan hệ hữu nghị Việt Nam-Lào. Cũng bởi vậy, Hội huy động được rất nhiều và hội viên tham gia rất nhiệt tình.
Các hội viên khi tham gia Hội đều được học điều lệ và sinh hoạt theo điều lệ. Các chi hội cơ sở tổ chức rất tốt việc này, trừ thời gian dịch COVID-19 căng thẳng. Dù ban đầu có chi hội cơ sở chương trình hoạt động còn lúng túng, song Hội luôn hỗ trợ, giám sát", ông Nguyễn Năng Đắc cho biết.
Điều Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên tự hào chính là, trước đây, người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không biết Hội là tổ chức nào, nhưng giờ đây bất kỳ người dân nào cũng biết.
"Hội phát triển cơ sở đến từng xã, mỗi xã một chi hội do Phó Chủ tịch UBND xã làm chi hội trưởng. Tất nhiên, làm được như vậy không đơn giản, phải tuyên truyền, vận động tốt. Ví dụ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong mỗi lần họp hành, gặp gỡ định kỳ, nhất là với báo chí, thường hay giới thiệu về Hội. Tương tự, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cũng tuyên truyền về Hội và các hoạt động của Hội trên các diễn đàn... Cứ như vậy, người dân có ấn tượng, cảm nhận được vai trò của Hội, tìm hiểu, thấy phù hợp thì tham gia", ông Nguyễn Năng Đắc kể.
Ông cho biết, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên luôn có chương trình phát triển. Thời gian tới, tổ chức Hội sẽ tiếp tục mở rộng đến các trường phổ thông, trường chuyên nghiệp, đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp để tạo điều kiện kết nối, hoạt động ở Lào.
Tham tán văn hóa giáo dục Đại sứ quán Lào tại Việt Nam Khăm Phăn Khăm On tặng lẵng hoa lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên cảm ơn Hội đã tổ chức Tết Bunpimay cho lưu học sinh Lào. Ảnh: Thành Luân |
Năm 2022 là năm đặc biệt, chào mừng năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào, 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, do đó Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên có rất nhiều hoạt động, như tổ chức Tết Bunpimay cho lưu học sinh Lào; liên hoan tiếng hát thiếu nhi Việt Nam - Lào; tổ chức mít tinh kỷ niệm năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam- Lào; tổ chức một số đoàn sang Lào thăm lại chiến trường xưa, đến tỉnh kết nghĩa Luang Prabang, tổ chức chương trình Homestay...
"Mỗi năm Hội luôn có hơn 10 sự kiện, riêng năm 2022 các sự kiện này được nâng cấp hơn. Lãnh đạo Hội cũng làm việc với các cơ sở để thể hiện năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào thật sôi động", Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên thông tin.
Theo TC Thời Đại