Hội nghị giao ban công tác PCPNN năm 2022 diễn ra ngày 14/3/2023 tại Hà Nội và trực tuyến 63 điểm cầu địa phương (Ảnh: Thu Hà).
Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban cho biết như vậy tại Hội nghị giao ban công tác PCPNN năm 2022 diễn ra ngày 14/3/2023 tại Hà Nội và trực tuyến 63 điểm cầu địa phương. Hội nghị có sự tham dự của các Ủy viên Ủy ban, đại diện cơ quan tham gia Nhóm Công tác PCPNN, bộ ngành, đoàn thể, tổ chức nhân dân ở trung ương, đại diện Lãnh đạo UBND và Lãnh đạo các sở, ngành phụ trách công tác PCPNN tại địa phương. Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban và ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban chủ trì Hội nghị.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Ban Điều phối viện trợ nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Ảnh: Thu Hà)
Báo cáo tình hình công tác PCPNN năm 2022, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Ban Điều phối viện trợ nhân dân (đơn vị thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam), đại diện cơ quan thường trực Ủy ban cho biết: Cải cách thủ tục hành chính vẫn là “điểm nghẽn” trong công tác PCPNN. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức PCPNN, những người dân được hưởng lợi từ các dự án viện trợ đồng thời ảnh hưởng đến môi trường, hình ảnh của Việt Nam trong quá trình hoạt động vận động viện trợ PCPNN.
Phản ánh từ một số bộ ngành, địa phương tại Hội nghị cho biết thời gian phê duyệt, thẩm định dự án viện trợ còn chậm. Ý kiến của địa phương cũng đề xuất Ủy ban, cơ quan thường trực Ủy ban kết nối địa phương tiếp cận các nhà tài trợ, tổ chức PCPNN tiềm năng; thường xuyên trao đổi cung cấp thông tin, nhất là những điều chỉnh để địa phương chủ động trong tiếp cận, thiếp lập quan hệ. Địa phương cũng mong muốn Ủy ban tăng cường trao đổi, phối hợp với địa phương trong công tác tham mưu, xây dựng chính sách, giải quyết thủ tục hành chính và các vấn đề phát sinh để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện.
Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài phát biểu (Ảnh: Thu Hà)
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, mục tiêu chung của công tác PCPNN là hướng đến giúp đỡ người dân có cuộc sống tốt hơn, giúp Việt Nam có thêm tiếng nói thân thiện, tích cực tại các diễn đàn quốc tế, khu vực đồng thời vẫn phải đảm bảo an ninh chính trị.
Ủy ban đã lựa chọn năm 2023 là năm tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính của công tác PCPNN. Do đó, Ủy ban, các cơ quan tham gia Nhóm Công tác PCPNN, các bộ ngành, đoàn thể, tổ chức nhân dân ở trung ương, các sở, ngành phụ trách công tác PCPNN ở địa phương cần: Tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban bí thư tại Chỉ thị 19/CT-TW ngày 24/01/2003 về công tác PCPNN và Kết luận số 98-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW.
Tập trung triển khai hiệu quả Nghị định số 58/2022/NĐ-CP ngày 31/8/2022 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam (Nghị định 58), quán triệt tinh thần chủ đạo là hướng đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, vừa kiểm soát tốt vừa tạo động lực cho các tổ chức PCPNN. Song song với việc xây dựng cơ sở dữ liệu về PCPNN do Bộ Ngoại giao chủ trì, các cơ quan, địa phương chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính, phản hồi ý kiến về các hồ sơ, giấy đăng ký kịp thời, hạn chế tối đa tình trạng chậm muộn trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Thúc đẩy hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan chủ quản Việt Nam trong quá trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ viện trợ PCPNN theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam. “Việc cải thiện thủ tục hồ sơ phê duyệt viện trợ có ý nghĩa quyết định tác động đến môi trường vận động viện trợ và hoàn cảnh của Việt Nam trong mắt các tổ chức PCPNN và bạn bè quốc tế”, ông Hà Kim Ngọc lưu ý.
Ông Hà Kim Ngọc cũng đề nghị Ủy ban cùng các cơ quan bộ, ngành, địa phương chủ động phát huy vai trò kết nối, theo dõi tình hình, kịp thời phối hợp chia sẻ thông tin cho các cơ quan địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ủy ban tiếp tục chủ động hướng dẫn các bộ ngành địa phương triển khai hiệu quả chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động PCPNN giai đoạn 2019 – 2025 phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bám sát định hướng hỗ trợ các tổ chức PCPNN hỗ trợ các lĩnh vực mới phát sinh sau Covid-19 mà Việt Nam có nhu cầu.
“Ủy ban sẽ luôn đồng hành cùng các cơ quan, địa phương để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác PCPNN thời gian tới”, ông Hà Kim Ngọc cho biết.
Bà Trịnh Thị Mai Phương, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao giới thiệu điểm mới của Nghị định số 58/2022/NĐ-CP (Ảnh: Thu Hà).
Tại Hội nghị, bà Trịnh Thị Mai Phương, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao đã giới thiệu về những điểm mới của Nghị định 58. Bà Phương cho biết:
Nghị định 58 đã bãi bỏ quy trình hai bước, thay vì phải đăng ký hoạt động sau đó mới đăng ký thành lập mới lập văn phòng dự án hoặc văn phòng đại diện, tổ chức PCPNN được linh hoạt lựa chọn hình thức đăng ký hoạt động hoặc đăng ký thành lập văn phòng đại diện.
Thời gian thụ lý hồ sơ cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép đăng ký được rút ngắn từ 45 ngày làm việc xuống còn 30 ngày. Thời gian gia hạn sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép đăng ký được rút ngắn từ 30 ngày còn 25 ngày làm việc.
Nghị định 58 cũng đã quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức PCPNN. Đây là bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, vừa là kênh để các tổ chức PCPNN cập nhật thông tin, báo cáo tình hình hoạt động vừa là kênh để các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thông tin, hỗ trợ kịp thời. Sau khi cơ sở dữ liệu được xây dựng, nhiều thủ tục hành chính trong đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN sẽ được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian.
Báo cáo của Ủy ban cho biết, tới nay, Nghị định 58 đã có hiệu lực được 5 tháng, công tác thực hiện các thủ tục hành chính liên quan Giấy đăng ký, thị thực, con dấu... được giải quyết nhanh hơn, tạo thuận lợi cho các tổ chức PCPNN tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam: năm 2022, giá trị viện trợ của tổ chức PCPNN và các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài giải ngân cho Việt Nam đạt hơn 223,7 triệu đô la Mỹ, tỷ lệ giải ngân đạt 77,1% so với cam kết. Việc tiếp tục duy trì giá trị viện trợ trên ngưỡng 200 triệu đô la Mỹ trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và ảnh hưởng của dịch Covid-19 là kết quả đáng được ghi nhận, thể hiện sự chung tay, đồng lòng của các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức, đối tác và địa phương của Việt Nam trong quan hệ, hợp tác với các tổ chức PCPNN.
Q.Hoa t.h / Thời Đại