(Vietpeace)Việt Nam và Indonesia thiết lập quan hệ ở cấp Tổng lãnh sự quán ngày 30/12/1955 và nâng lên cấp Đại sứ quán ngày 15/8/1964. Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Việt Nam đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ nhân dân Indonesia . Tình cảm hữu nghị đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno vun đắp và phát triển cho đến ngày nay.
Ngày 26/2/1959, Chủ tịch Hồ Chí minh đã có chuyến thăm chính thức đến Indonesia. Ngoài chuyến thăm tới các nước xã hội chủ nghĩa, Cộng hòa Indonesia là quốc gia thứ 3 ở châu Á (sau Ấn Độ và Mianma) Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến thăm. Ngay sau đó, ngày 24/6/1959, Tổng thống Sukarno thăm chính thức Việt Nam.
Trước khi lên đường thăm nước bạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: “Chắc rằng lúc chúng tôi về sẽ đem theo món quà quý báu tức là tình hữu nghị nhân dân Indonesia đối với nhân dân ta”.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hai dân tộc chúng ta có quan hệ với nhau từ xưa, đã gắn bó với nhau từ trong cuộc đấu tranh chống đô hộ thực dân giành độc lập dân tộc. Ngày nay, nhân dân hai nước chúng ta lại cùng sát cánh với nhau vì mục đích giống nhau là thống nhất và bảo vệ hòa bình. Chúng tôi nguyện ra sức củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị với nhân dân Indonesia anh em. Quan hệ hữu nghị giữa nhân dân chúng ta sẽ đời đời bất diệt, sự nghiệp chung của nhân dân hai nước nhất định thành công.”
Trong chuyến thăm Việt Nam sau đó, Tổng thống Sukarno khẳng định : “Tôi đã nghe nhiều về tinh thần anh dũng của nhân dân Việt Nam và nay tôi đã tận mắt, nghe tận tai cái tinh thần đó. Một nước như vậy, một dân tộc như vậy, với một tinh thần như vậy và với vị lãnh tụ như vậy, nhất định sẽ chiến thắng và sẽ sống mãi. Cả hai dân tộc ta đều đã chiến đấu, chiến đấu rất nhiều, gần cùng một ngày trong tháng 8/1945 cả hai nước chúng ta đều đã tuyên bố độc lập. Cả hai nước đều có lòng tin vững vàng và nhờ đó chúng ta đứng vững. Chúng ta là những người bạn, những người bạn chiến đấu.”
Tổng thống Sukarno cũng bày tỏ lòng kính trọng và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những bậc vĩ nhân ở Châu Á, bởi Người đã dành cả đời mình cho lý tưởng giải phóng dân tộc và hòa bình cho nhân loại.
Quan hệ giữa hai “Người cha của độc lập” của hai nước rất gắn bó. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi Tổng thống Sukarno là “Bung Karno” (Người anh Các Nô), trong khi Tổng thống Sukarno gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Paman Ho” (Bác Hồ). Hai cây dừa Tổng thống Sukarno tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh tượng trưng cho tình hữu nghị hai nước được trồng tại nơi làm việc của Người.
Sau 2 chuyến thăm đó, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước càng thêm thắt chặt. Khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, hai mươi vạn người ở thành phố Solo và hơn 9 vạn học sinh, sinh viên ở thành phố Senmaran đã xuống đường biểu tình để phản đối cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ. Trong những năm tháng chống Mỹ, Chính phủ Indonesia đã cho Việt Nam vay hàng ngàn tấn lương thực. Trong thời kỳ Việt Nam chống Mỹ, Indonesia vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Việt Nam và đồng ý để Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đặt cơ quan đại diện ở thủ đô Gia-các-ta. Ngày 29/7/1975, Indonesia công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau khi Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được ký kết năm 1973, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á duy nhất tham gia Ủy ban quốc tế ở Việt Nam.
Sau khi hòa bình được lập lại ở Việt Nam, mối quan hệ hữu nghị truyền thống đó được nhân dân hai nước tiếp tục vun đắp cho đến ngày hôm nay.