Từ sau Đại hội XIII của Đảng, tình hình thế giới và trong nước bên cạnh cơ hội, thuận lợi, có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp hơn so với dự báo, nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và gay gắt hơn. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, công tác đối ngoại đã đạt được nhiều kết toàn diện trên tất cả các kênh đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và Đối ngoại nhân dân. Trong đó, kết quả bao trùm là củng cố vững chắc hơn môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển bền vững cũng như phát huy sức mạnh mềm quốc gia, ngày càng nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế.
Năm 2023 là một năm sôi động về đối ngoại với nhiều dấu ấn nổi bật. Quan hệ đối ngoại trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất, nổi bật là quan hệ với các nước lớn như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác. Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, Tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, COP 28…
Tổng Bí thư phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32
Phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 vừa diễn ra tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, ngành ngoại giao và đối ngoại đã "đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ kết quả, thành tựu chung của đất nước": “Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. Luôn luôn phải quan tâm xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như lời căn dặn của Bác Hồ: "Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng". Đường lối đối ngoại đúng đắn, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và sự triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách cụ thể đã góp phần tạo nên sự đồng thuận cao của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đoàn kết của toàn dân tộc và sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế.”
Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023 như: việc tổ chức đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Campuchia Hun Manet và nhiều nguyên thủ quốc gia khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả.
Phát biểu trong chuyến thăm tới Việt Nam mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã khẳng định, các cơ chế giao lưu, hợp tác nhân dân hai bên, trong đó có giao lưu văn hóa, giao lưu giữa các địa phương giáp biên của hai bên sẽ góp phần tăng cường tình cảm giữa hai bên, cùng chia sẻ tương lai trước một thế giới đầy biến động, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp tiến bộ của nhân loại
“Mối tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam có nền tảng nằm ở nhân dân và tương lai nằm ở thanh niên. Trung Quốc và Việt Nam ngày nay đang hướng tới mục tiêu rõ rệt, sự phát triển kinh tế - xã hội chứng minh cho thế giới rằng, con đường phát triển mà hai nước lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn. Hai nước tăng cường đoàn kết, hợp tác có lợi cho sự phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của mỗi nước”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng phu nhân và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân dự buổi gặp mặt thân mật và giao lưu với các nhân sỹ hữu nghị, thế hệ trẻ 2 nước Việt Nam – Trung Quốc.
Còn với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau cuộc hội đàm trong chuyến thăm chính thức hồi tháng 9 vừa qua nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững đã khẳng định:“Chúng ta nâng cấp quan hệ hai nước lên mức Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và chúng tôi rất vui vì điều này. Đây là một bước đi vô cùng quan trọng cho cả hai quốc gia bởi nó thể hiện sức mạnh của bản thân mối quan hệ đó khi chúng ta đang phải đương đầu với những thách thức có tác động to lớn đối với tương lai của khu vực và cả thế giới.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden
Trên bình diện đa phương, Việt Nam đã có nhiều đóng góp hiệu quả và đảm nhiệm thành công vai trò chủ chốt tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, ASEAN. Chủ động đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo ở hầu hết tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, nhất là ASEAN, ASEM, APEC, Liên hợp quốc, nhóm các nước G7, G20... Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên VOV nhân dịp diễn ra Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN -Nhật Bản vào giữa tháng 12 này tại Nhật Bản, Đại sứ Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN Kiya Masahiko đã khẳng định, Việt Nam là một thành viên tích cực trong ASEAN. Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Nhật Bản -ASEAN:
“Việt Nam nằm trên tuyến đường biển quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là đối tác chính để giải quyết các thách thức an ninh trong khu vực và quốc tế. Không chỉ vấn đề an ninh, Việt Nam cũng là quốc gia có nền kinh tế phát triển trong ASEAN. Việt Nam đang chú trọng sản xuất trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng và là một trong những điểm đến đầy hứa hẹn của các công ty Nhật Bản. Vì vậy tăng cường hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ góp phần vào tăng trưởng, hòa bình và ổn định khu vực cũng như hiện thực hóa các mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương” - Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN Kiya Masahiko nhận xét.
Tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, trọng trách quốc tế quan trọng, nhất là trong ASEAN và Liên hợp quốc như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Di sản thế giới, Ủy ban Luật pháp quốc tế v.v… Việt Nam đóng góp tích cực vào các vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu, cắt giảm khí thải, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ…
Bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký Điều hành Ủy ban kinh tế xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) trong chuyến thăm tới Việt Nam vào tháng 7 năm nay đã bày tỏ những tình cảm hết sức tốt đẹp đối với Việt Nam, đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới.
“Việt Nam có vai trò rất, rất quan trọng. Tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao của đối với Việt Nam vì đã có những đóng góp rất tích cực, rất xây dựng đối với ESCAP. Việt Nam hiện là quốc gia mới nổi trong khu vực, lực lượng dân số trẻ đông đảo, nền kinh tế năng động, các chỉ số phúc lợi xã hội cũng được cải thiện. Vì thế kỳ vọng của chúng tôi là Việt Nam sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa, nhất là vai trò dẫn dắt với tư cách của một quốc gia mới nổi, một nền kinh tế mới nổi trong việc đưa ra các giải pháp cho phát triển bền vững"-Bà Armida Salsiah Alisjahbana nói.
Bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc
Ông Veeramalla Anjjaiah, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á cũng cho rằng: “Việt Nam là một quốc gia ổn định và hòa bình. Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ các vấn đề nhân quyền và quyền tự do cho người dân. Là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam nỗ lực đóng góp vào các giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại thông qua việc tích cực tham gia các diễn đàn liên quan đến quyền con người của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.”
“Một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế và cùng thế giới chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu”, đó là thông điệp nổi bật từ những hoạt động đối ngoại quan trọng trong suốt một năm qua. Tất cả thể hiện một vị thế mới của Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang có nhiều biến động. Nhìn lại thành công của các hoạt động đối ngoại có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay.
Q.Hoa t.h / VOV