Lịch sử giao lưu văn hóa quốc tế đưa lại cho nhân loại ánh sáng trí tuệ, những phát minh, những kinh nghiệm trong lao động sáng tạo. Nhờ giao lưu văn hóa đúng hướng mà các nước chậm phát triển có cơ hội trở thành nước phát triển trong thời gian ngắn. Do hoàn cảnh lịch sử, việc giao lưu văn hóa với thế giới của Việt Nam bị chậm trễ so với các nước cả không gian lẫn thời gian. Nhưng bù lại chúng ta có kinh nghiệm hội nhập văn hóa mà không bị đồng hóa.
Trong hàng nghìn năm dưới ách đô hộ của phong kiến Trung Quốc, khi tiếp xúc với văn hóa phương Bắc, các văn nhân, chí sĩ của ta cũng không rơi vào tâm lý mặc cảm tự tin, mà luôn luôn sáng tạo với phương châm: “dĩ bất biến ứng vạn biến” để có một nền văn hóa riêng, độc lập mà không biệt lập, hội nhập mà không hòa tan. Trong quá trình tiếp xúc với văn hóa Pháp, khoảng từ năm 1919 trở đi một phong trào canh tân các loại hình nghệ thuật được dấy lên: văn tự, ngôn ngữ, báo chí, giáo dục, văn thơ, hội họa, âm nhạc đến sân khấu, điện ảnh nhằm chuyển tải giá trị dân tộc, nói lên tâm hồn, lối sống, tập quán tâm lý thị hiếu của người Việt Nam vào những thập niên đầu thế kỷ.
Hoa hậu Ngọc Hân diện áo dài họa tiết văn hóa Hàn Quốc. |
Thuật ngữ “sức mạnh mềm” và các nội hàm về sức mạnh mềm văn hóa lần đầu tiên được xuất hiện chính thức trong phát biểu của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 (22/8/2016) một lần nữa đã nhấn mạnh vai trò văn hóa là yếu tố then chốt của sức mạnh quốc gia. Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cho thấy, ông cha ta từng có nhiều hình thức ngoại giao “mềm” rất sáng tạo.
Những bức thư ngỏ gửi đối phương thông qua phương thức “ngoại giao tâm công” hay những câu chuyện về sứ thần Đại Việt sử dụng thơ ca để “đối đáp” với người phương Bắc trong lịch sử đã thể hiện lối ứng xử thông minh và đậm chất văn hóa của dân tộc ta. Trong những tình huống phức tạp, thời điểm cam go, cách thức đối ngoại linh động và đầy tinh thần hòa hiếu, nhân văn ấy đã góp phần giúp chúng ta giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao và làm sâu sắc thêm truyền thống của một dân tộc “Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” như Nguyễn Trãi từng khẳng định từ thế kỷ XV.
Trong thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, nhờ làm tốt công tác thông tin tuyên truyền nên nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ của các nước đế quốc xâm lược nước ta, đã hiểu đúng và tích cực ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Nhiều câu chuyện cảm động mà bạn bè nhiều nước đã dành cho nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa quốc tế trong sáng, một phần bắt nguồn từ các hoạt động giao lưu, gặp gỡ, trao đổi theo con đường “Từ trái tim đến trái tim” - một biểu hiện sinh động của ngoại giao văn hóa Việt Nam.
Trình diễn trang phục dân tộc Việt Nam, Hàn Quốc, Kazakhstan tại Seoul, Hàn Quốc. |
Thực tiễn cho thấy, giao lưu văn hóa đã trở thành nhịp cầu nối liền giữa các quốc gia và có vai trò to lớn trong việc hòa giải dân tộc, đẩy lùi các cuộc xung đột, chiến tranh về sắc tộc, tôn giáo; đồng thời thúc đẩy các nước tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, cùng hợp tác và phát triển. Nhận thức sâu sắc điều đó, những năm qua, chúng ta đã ngày càng chủ động hơn trong việc triển khai thực hiện các hoạt động ngoại giao văn hóa. Từ Đề cương văn hóa (năm 1943) của Đảng Cộng Sản Việt Nam đến những Văn kiện Đại hội Đảng ngày nay, ở mức độ khác nhau và tùy theo lịch sử khác nhau đã coi giao lưu văn hóa là một nội dung chiến lược quan trọng, bao chứa nhiều quan điểm nhất quán, nhưng với phương châm hành động khác nhau.
Ðời sống văn hóa của nhân dân, nhất là miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đã được nâng lên, khoảng cách văn hóa giữa thành thị, nông thôn và các vùng, miền có sự thu hẹp đáng kể. Ði đôi với các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở cũng được quan tâm đầu tư phát triển và ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực hơn. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy, trong đó, các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số được coi trọng với những thể chế và thiết chế văn hóa được củng cố, hoàn thiện,..
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giao lưu Đông - Tây, vừa có cơ hội và thách thức, chúng ta cần phát huy thế mạnh của văn hóa Việt Nam, những giá trị văn hóa tiêu biểu làm tài nguyên, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển, hiện đại hóa xã hội, phát triển kinh tế, tạo ra giá trị thặng dư, quyết định sự giàu có của đất nước.
Đồng thời đây là cơ hội lịch sử lớn để bổ khuyết cho văn hóa dân tộc như văn hóa duy lý, văn hóa kinh doanh, phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu, bổ sung mặt thiếu, phát triển lên tầm cao mới. Đẩy mạnh mở cửa, hội nhập văn hóa và khoa học xã hội với thế giới và tăng cường nghiên cứu cơ bản, hệ thống hóa các giá trị văn hóa dân tộc các mặt tư duy, tính cách…để giáo dục cho thế hệ trẻ, nhằm tạo ra nhân cách tài năng, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tạo sức cạnh tranh và giao lưu quốc tế, góp phần vào nền văn minh nhân loại./.
Long Phạm / Theo Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín/Trường đại học Tôn Đức Thắng