Chuyến thăm định mệnh
Susan Hammond vẫn nhớ như in những kỷ niệm khi lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1991. Cha của Susan vốn là kỹ sư xây dựng trong quân đội Mỹ. Ông đã bị bệnh Parkinsons từ di chứng của việc phơi nhiễm chất độc da cam trong những năm ở Việt Nam. Điều rất lạ là ông hầu như không nhắc đến cuộc chiến khốc liệt do Mỹ gây ra, mà luôn kể về vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam với con gái. Chính những câu chuyện của cha đã góp phần mang Susan đến với đất nước cách nửa vòng trái đất này. Chia sẻ với chúng tôi, Susan cho biết: “Một phần lý do tôi đến đây là vì cha tôi. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn hiểu hơn về những ảnh hưởng mà chiến tranh đã để lại cho Việt Nam và lý do tại sao nước Mỹ lại thực hiện cuộc chiến tranh này”.
Chia sẻ về những ấn tượng thuở ban đầu, Susan cho biết, bà vô cùng ngạc nhiên khi sau tất cả những mất mát và nỗi đau do chiến tranh gây ra, nhưng người dân Việt Nam vẫn không hề tỏ ra thù ghét người Mỹ. Sau này bà phát hiện ra rằng, người Mỹ nào mới đến Việt Nam cũng đều có sự ngạc nhiên như vậy.
Susan Hammond trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với báo chí Việt Nam. Ảnh: NGỌC THƯ.
Sau chuyến thăm đầu tiên, mãi đến năm 1996, Susan mới có cơ hội quay lại Việt Nam để học tiếng Việt. Thế nhưng chính Susan cũng không ngờ sự trở lại đó đã buộc chặt cuộc đời bà với những day dứt từ mảnh đất vừa hồi sinh sau những năm tháng chiến tranh.
Không lâu sau khi trở lại Việt Nam, Susan gặp bác sĩ Lê Cao Đài, một trong những người có nhiều đóng góp giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Bác sĩ Lê Cao Đài giới thiệu Susan với gia đình Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự. Vị tướng đã về hưu này có người con gái út sinh ra sau chiến tranh và bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ cha, khiến não bị liệt và trí tuệ không thể phát triển bình thường. Tuy nhiên, con gái lớn của Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự lại là người rất thông minh, học đại học tại Mỹ và hoàn toàn trái ngược với người em gái của cô. Sự đối lập giữa hai người con gái của Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự được sinh ra trước và sau chiến tranh đã thức tỉnh Susan. Đó là lần đầu tiên Susan nhận ra: Dẫu chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, ảnh hưởng của nó tới người dân Việt Nam chưa bao giờ chấm dứt.
Cùng thời điểm đó, ở bên kia địa cầu, cha của Susan cũng vật lộn với những di chứng do chất da cam để lại. Là một người Mỹ đã chứng kiến cha mình và người dân Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi chất độc quái ác này, Susan cảm thấy mình cũng có một phần trách nhiệm. Và ý nghĩ này đã thôi thúc bà phải làm một cái gì đó, chính xác là bất kỳ điều gì có thể để giúp đỡ những nạn nhân da cam.
20 năm gắn bó với “những người bên lề hạnh phúc”
Năm 2000, Susan trở thành một trong những người đầu tiên tham gia hoạt động hỗ trợ nạn nhân da cam với vai trò Phó giám đốc Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD-một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ), trước khi chính thức thành lập tổ chức phi chính phủ War Legacies Project (dự án Giải quyết Di sản chiến tranh-WLP) vào năm 2006, với mục tiêu hỗ trợ những người đang phải chịu các di chứng về sức khỏe và môi trường của cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Chia sẻ về công việc của WLP, Susan đã kể câu chuyện một gia đình có 3 cô con gái đều bị dị tật. Con gái cả trong gia đình bị thiểu năng trí tuệ. Con gái thứ hai bị câm, điếc và con gái út chậm phát triển. Thiếu bóng dáng người mẹ, người cha là điểm tựa duy nhất của 3 cô con gái. Hằng ngày, người cha già vừa lo cho các con vừa sửa xe đạp kiếm sống. Susan đã gặp họ khi tới công tác tại Hiệp Đức, một huyện trung du miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam. Bà đã hỏi người cha rằng, ông cần giúp đỡ gì nhất. Câu trả lời của ông là: “Tôi cần một chiếc ghế để ngồi sửa xe đạp trước sân nhà”. Câu trả lời của người cha khiến Susan rất bất ngờ. Chiếc ghế nhựa nhỏ chỉ tốn 1 USD, cộng thêm một số thiết bị sửa xe khác mà Susan đã mua tặng giúp người cha có thể kiếm đủ tiền để nuôi các con và cho đứa thứ hai đi học. Từ đó Susan hiểu ra rằng: Những điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể tạo ra một sự khác biệt rất lớn đối với các nạn nhân da cam.
Đây cũng là lý do trong suốt gần 20 năm, những dự án do Susan xây dựng và triển khai để hỗ trợ Việt Nam tuy không có quy mô hay giá trị lớn về tài chính, nhưng đều rất thiết thực đối với người hưởng lợi và có ý nghĩa quan trọng trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, đặc biệt là khi nguồn tài trợ cho một số dự án đến từ chính các cựu binh Mỹ và gia đình với mong muốn chung tay xoa dịu nỗi đau do chiến tranh gây ra cho cả hai phía Việt Nam và Mỹ.
Từ năm 2007, Susan Hammond đã xây dựng dự án hỗ trợ trực tiếp cho gia đình có trẻ em khuyết tật nặng. Ngân sách cho dự án được quyên góp từ gia đình và bạn bè của ông Bob Feldman, một cựu binh từng đóng quân ở Biên Hòa. Ông Bob mất năm 2006 vì ung thư do phơi nhiễm chất da cam khi còn tham chiến. Bà Susan đã gặp gia đình và bạn bè của Bob, đề nghị họ giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Trong năm đầu tiên, Quỹ Bob Feldman đã dành 50.000 USD hỗ trợ 50 gia đình ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Biên Hòa. Tính đến nay, tổng giá trị về tiền của dự án này là hơn 250.000 USD với 350 gia đình được giúp đỡ.
Nhưng đối với Susan, chỉ giúp đỡ các nạn nhân da cam thôi là chưa đủ. Bà còn dành nhiều tâm huyết để hỗ trợ giải quyết các ảnh hưởng đối với môi trường của chất độc da cam ở Việt Nam. Đặc biệt, bà rất chú trọng tới việc nâng cao nhận thức về chất độc nguy hiểm này. Kể từ cuối thập niên 1990, bà đã thường xuyên thông tin tới Quốc hội Mỹ, các viện nghiên cứu, giới báo chí, cựu binh và công chúng ở Mỹ về tác hại của chất da cam đối với môi trường và sức khỏe con người ở Việt Nam. Trong hơn 20 năm qua, bà Susan Hammond đã cùng nhiều phóng viên báo chí, nhiếp ảnh gia, các nhà làm phim tài liệu xây dựng nhiều phóng sự về ảnh hưởng của chất da cam ở Việt Nam. Bà viết sách, báo về ảnh hưởng của chất độc da cam và thuyết trình tại nhiều hội thảo, sự kiện trên khắp nước Mỹ. Bà tham gia tổ chức ra mắt nhiều bộ phim tài liệu về nạn nhân chất độc da cam; xây dựng và tiếp tục cập nhận các thông tin, dữ liệu liên quan đến chất độc da cam trên trang agentorangerecord.com, thu hút 35.000 lượt truy cập mỗi năm từ Mỹ, châu Âu, Canada và Việt Nam. Bà làm tất cả những điều này bởi bà biết rằng: “Điều mà các nạn nhân cần không chỉ là sự hỗ trợ mà còn là ai đó có thể hiểu được nỗi đau của họ”.
Ước mơ nhỏ bé
Trong suốt hành trình miệt mài hàn gắn vết thương chiến tranh tại Việt Nam, Susan đã gặp rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Mỗi lần gặp những đứa trẻ bị dị tật do di truyền từ cha mẹ, Susan lại thấy nghẹn đắng trong lòng. Nhưng cũng chính gia đình những đứa trẻ đó đã tiếp thêm cho Susan sức mạnh niềm tin. Susan còn nhớ bà đã gặp một hai anh em bị dị tật thể chất nghiêm trọng tại Đồng Nai năm 2007. Hai người con trai này đã để lại ấn tượng sâu sắc với bà về nghị lực cũng như tình yêu dành cho cuộc sống.
Phú (bên trái) và em trai Phi là những người bạn da cam của Susan Hammond tại Việt Nam. Ảnh: War Legacies Project.
Lần đầu tiên gặp khi họ là những chàng trai tuổi 20. Ở lứa tuổi đẹp đẽ nhất của cuộc đời, nhưng với đôi chân không lành lặn, hai chàng trai chỉ có thể ngồi bất lực trên sàn nhà. Người mẹ vừa quệt nước mắt vừa chia sẻ với Susan rằng, khi hai con còn nhỏ, bà đã cõng hai đứa đến trường. Nhưng nay họ đã lớn, bà chỉ có thể nhờ người dạy kèm cho con ở nhà. Bà vẫn luôn mơ ước một ngày nào đó hai con có thể tự đi lại bằng chính khả năng của mình. Vậy là để biến ước mơ của người mẹ thành hiện thực, Susan và WLP đã hỗ trợ gia đình những chiếc xe lăn để Phú và Phi (tên hai người con trai) có thể tự di chuyển. Hai chàng trai sau đó rất cảm kích và họ đã viết thư gửi cho Susan và WLP. Trong thư họ miêu tả rằng, đó là điều tuyệt vời nhất đối với hai anh em. 20 năm trong cuộc đời, đấy là lần đầu tiên họ có thể tự đi lại bằng chính khả năng của mình. “Bạn hay thử tưởng tượng, hằng ngày bạn có thể dễ dàng đi học, đi làm. Nhưng họ phải mất tới 20 năm mới có thể tự làm điều đó. Một điều rất đơn giản với chúng ta nhưng lại vô cùng lớn lao với họ. Tôi đã nhìn Phú và Phi trưởng thành trong 10 năm qua. Họ đã dạy tôi bài học về cuộc sống, rằng tôi nên quý trọng những gì đang có. Họ cũng tiếp cho tôi thêm sức mạnh từ chính nghị lực của họ, để đến tận bây giờ mỗi lần nghĩ về Việt Nam, điều đầu tiên tôi nhớ đến là tình yêu cuộc sống của những con người ở bên lề hạnh phúc ấy”, người phụ nữ với mái tóc đã điểm bạc nghẹn ngào chia sẻ.
TV (tổng hợp theo NGỌC THƯ-QĐND)