Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần giải phóng dân tộc với câu nói đã đi vào lịch sử: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do."
Người là nhà lãnh đạo kiệt xuất, thân thiết, gần gũi với phong thái hòa đồng, giản dị, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Việt Nam cũng như nhân dân và bạn bè quốc tế.
Tại quốc gia láng giềng Indonesia, hơn nửa thế kỷ kể từ khi Người ra đi, “Paman Ho” (Bác Hồ, tên được người dân Indonesia trìu mến dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh) vẫn thường xuyên được nhắc đến, không chỉ qua tình bạn thân thiết, thủy chung với nhà lãnh đạo lập quốc Sukarno và các nhà cách mạng tiền bối khác, mà còn cả với các nhà báo và người dân từng có dịp tiếp xúc.
Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên TTXVN tại Jakarta đã có cơ duyên gặp gỡ ông Bonnie Triyana, Tổng biên tập Historia.id - tạp chí lịch sử trực tuyến lớn nhất Indonesia, đồng thời là chủ biên cuốn sách “Hồ Chí Minh & Sukarno” do Nhà xuất bản Kompas ấn hành vào năm 2018.
Cuốn sách kể về hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc của “Paman Ho” cũng như tình bạn thân thiết giữa vị cha già dân tộc Việt Nam và “Bung Karno” (Bác Karno, tên được người dân Indonesia dành cho Tổng thống đầu tiên Sukarno).
Với lời đề tặng của bà Megawati Sukarnoputri - con gái ruột của Bung Karrno và là Tổng thống thứ năm của Cộng hòa Indonesia, cuốn sách nói trên dành hẳn một chương đăng tải câu chuyện của một số người Indonesia từng tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có cuộc trao đổi thân tình, gần gũi giữa nhà báo Amarzan Loebis với “Paman Ho” xung quanh chủ đề “thơ và thuốc lá."
Nhà báo Amarzan Loebis và các đồng nghiệp của mình từ tạp chí Bintang Merah (Sao Đỏ, tạp chí thuộc Đảng Cộng sản Indonesia - PKI) có cuộc gặp gỡ với Phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa (miền Bắc Việt Nam) và nhận được lời đề nghị tới thăm cựu thuộc địa của Pháp.
Bên lề lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 1/10/1964 ở Bắc Kinh, Amarzan trao đổi với Phái đoàn Việt Nam: “Chúng tôi muốn gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp."
Bintang Merah, cũng giống như tờ Harian Rakjat (tờ Nhân dân Nhật báo của Indonesia, hoạt động trong giai đoạn 1951-1965) và PKI, có quan hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Việt Nam. Giới truyền thông Indonesia có mối quan hệ mật thiết với Nha Thông tin. Vì vậy, để sắp xếp cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh là không khó.
Nhà báo Amarzan Loebis lúc sinh thời. (Nguồn: Tempo) |
Đoàn Việt Nam đã thực hiện lời đề nghị của nhà báo Amarzan và các đồng nghiệp. Sau khi tham dự sự kiện trên, đoàn nhà báo Indonesia - gồm 5 thành viên là Samtiar, Baroto, Yuliarso, Amarzan Loebis, và Tổng biên tập Harian Rakjat, ông Mula Naibaho - đã lên đường đến Hà Nội vào thời điểm đất nước đang bị chia cắt hai miền Bắc và Nam. Amarzan nhớ lại: “Trong số các đại biểu, tôi là người trẻ nhất."
Cuộc gặp đã được sắp xếp. Một biên tập viên của Bintang Merah nằm trong số các khách mời.
Đoàn đại biểu của Tổng biên tập Harian Rakyat dự kiến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào lúc 18h30 tại Phủ Chủ tịch. Nhưng đột nhiên các sự kiện thay đổi. Thư ký của “Paman Ho” cho biết Người không thể đến đúng giờ vì đang có cuộc hẹn với những người khác. Lý do là vợ của một Bộ trưởng vừa sinh con. Paman Ho đến thăm bà ấy ở bệnh viện.
Amarzan kể lại rằng Người có một lời hứa chưa thực hiện được với hai vợ chồng ông bộ trưởng. Lúc họ kết hôn, Paman Ho không có thời gian đến dự đám cưới nhưng hứa sẽ đến thăm khi họ sinh con đầu lòng và Người đã giữ lời hứa.
Khoảng một giờ sau lịch hẹn ban đầu, Paman Ho đến gặp ông Amarzan và những người bạn đang đợi ở Phủ Chủ tịch.
Cuộc gặp đó diễn ra rất cởi mở. Trước khi bắt đầu trao đổi, Paman Ho - thông qua người phiên dịch của mình - đã hỏi các vị khách dùng ngôn ngữ gì cho cuộc trò chuyện. Người không muốn nói chuyện thông qua phiên dịch viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nói được nhiều thứ tiếng như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Trung và tiếng Pháp bên cạnh tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt. Và cuộc trò chuyện đã được tiến hành bằng tiếng Anh.
Theo lời kể của ông Amarzan, Paman Ho không sống ở Phủ Chủ tịch. Người chọn sống trong một ngôi nhà nhỏ nằm cách Phủ Chủ tịch không xa. Giữa ngôi nhà nhỏ và Phủ Chủ tịch được chăng dây từ trái sang phải.
“Paman Ho phải nhảy qua sợi dây mỗi khi đến Phủ Chủ tịch. Đó là cách rèn luyện thể chất của Người," ông Amarzan kể lại.
Theo ông Amarzan, các cuộc trò chuyện diễn ra trong một bầu không khí thoải mái, khác xa bối cảnh chính thức thường thấy trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo tối cao.
Bác Hồ cuốc đất, trồng rau trong vườn Phủ Chủ tịch năm 1957. (Ảnh: TTXVN) |
Paman Ho thích hòa mình cùng với các thành viên của đoàn đại biểu Harian Rakjat và không quên hỏi thăm sức khỏe của Bung Karno.
“Thưa Bác, nói chung Bung Karno khỏe ạ," ông Amarzan đáp lời Người. “Nói chung? Tại sao lại nói chung? Có phải các cháu không thể đến thăm Bung Karno mọi lúc? Nếu các cháu ở đây, Bác Hồ có thể gặp các nhà báo bất cứ lúc nào," ông Amarzan thuật lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định rằng thực sự Paman Ho không phải là một nhà lãnh đạo khó gặp.
“Nhưng đất nước của bọn cháu rộng lớn, có nhiều người mà Bung Karno phải quan tâm, chắc hẳn Người rất bận rộn," ông Amarzan nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn đại biểu Harian Rakjat.
Amarzan Loebis là thành viên trẻ nhất trong đoàn nhà báo Indonesia. Biên tập viên trang văn hóa của tờ Harian Rakjat này lúc đó mới 23 tuổi. Thấy những người trẻ tuổi trong số các đại biểu, Paman Ho tiến lại gần hỏi: “Cháu là người trẻ nhất. Vậy cháu đã kết hôn chưa?."
“Thưa Bác, cháu chưa ạ!" Amarzan đáp.
“Nhanh kết hôn đi!" Người giục.
“Cháu có hút thuốc không?" Người hỏi tiếp.
“Thưa Bác, cháu có hút thuốc ạ!" Amarzan trả lời.
“Cháu hút thuốc đã lâu chưa?" Người lại hỏi.
Sau đó, Paman Ho bắt đầu nói về những gì mà giới trẻ có thể học và không nên học theo ở Người: hút thuốc và không kết hôn.
Paman Ho rất giỏi phá vỡ bầu không khí cứng nhắc. Phong thái tự nhiên của Người làm cho các vị khách thoải mái và có thể đặt bất kỳ câu hỏi nào.
Amarzan cũng đặt nhiều câu hỏi với nhà lãnh đạo tối cao Việt Nam, trong đó có câu liệu Paman Ho có còn làm thơ nữa hay không. “Cháu biết Bác làm thơ à?" Người hỏi thay vì trả lời. Sau đó, Amarzan mang ra một bài thơ của Paman Ho đã được dịch sang tiếng Indonesia và đọc cho Người nghe: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ/Việc quân đang bận xin chờ hôm sau."
Nhà báo Amarzan Loebis, tên đầy đủ là Amarzan Ismail Hamid, được biết đến là một trong những nhân vật có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền báo chí Indonesia.
Lúc còn trẻ, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Amarzan đã học Khoa Y - Đại học Bắc Sumatra, Khoa Văn - Đại học Indonesia, Đại học Gadjah Mada, Đại học Udayana, và Đại học Báo chí.
Ông thường được nhắc đến trong các tài liệu giảng dạy với tư cách là chuyên gia nghiên cứu về lịch sử báo chí. Amarzan đã viết một số cuốn sách, trong đó có “Lịch sử ban đầu của báo chí và sự thức tỉnh nhận thức của Indonesia” (xuất bản năm 1995) và “Tuyển tập các bài viết và thơ đăng trên Tạp chí Tempo” (xuất bản năm 2005).
Amarzan sinh năm 1942 và qua đời do đột quỵ vào đúng ngày 2/9/2019, thọ 77 tuổi. Tin buồn được đăng tải trên nhiều tờ báo lớn của Indonesia cho biết khi còn làm biên tập viên của tờ Harian Rakjat, nhà báo cao cấp này từng bị lưu đày 11 năm tới đảo Buru của tỉnh Maluku dưới thời nhà lãnh đạo Soeharto.
Sau khi được phóng thích, Amarzan quay lại hoạt động báo chí với tư cách là biên tập viên cao cấp của Tạp chí Tempo và được các đồng nghiệp yêu mến, đánh giá cao như một tấm gương đấu tranh quả cảm, một nhà báo giỏi và có đức độ./.
Q.Hoa t.h / TTXVN