Ngôi nhà hữu nghị của sinh viên Campuchia
Thành lập năm 1968, từ năm 1982 bắt đầu đào tạo nguồn nhân lực y tế cho Vương quốc Campuchia, trường Đại học Y Dược Thái Bình đã trở thành ngôi nhà thứ hai của các sinh viên Campuchia. Sau 40 năm (từ năm 1982-2022), trường đào tạo được 597 bác sĩ cho Vương quốc Campuchia. Nhiều bác sĩ đã trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, giữ những cương vị, trọng trách lớn trong và ngoài ngành y tế Campuchia, đóng góp vào việc vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Trường Đại học Y Dược Thái Bình trao bằng tốt nghiệp cho lưu học sinh Campuchia vào ngày 28/7/2022 (Ảnh: TTXVN). |
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng ban quản lý lưu học sinh trường Đại học Y Dược Thái Bình, đầu năm nay, lưu học sinh được nhà trường chuyển đến nơi ở mới, có sân cầu lông, sân bóng chuyền, sân bóng đá mini. Phòng ở khép kín, có bình nóng lạnh, mỗi phòng bố trí không quá 4 em.
Để việc đào tạo lưu học sinh Campuchia đạt kết quả cao, trường Đại học Y Dược Thái Bình đưa môn tiếng Việt vào giảng dạy chính khóa như một ngoại ngữ. Các lưu học sinh được học chung với các sinh viên Việt Nam để tăng cường giao tiếp bằng tiếng Việt. Phòng Hợp tác Quốc tế với sự giúp đỡ của các cựu lưu học sinh Campuchia đã biên soạn cuốn Từ vựng chuyên ngành Việt-Anh-Khơme hỗ trợ việc học tập của lưu học sinh. Quá trình học tập tại trường, các em luôn nhận được sự quan tâm, tận tình chỉ bảo, hướng dẫn của các thầy cô giáo, sự giúp đỡ của các bạn sinh viên Việt Nam.
Trường Đại học Y Dược Thái Bình phối hợp cùng Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Thái Bình đỡ đầu 37 lưu học sinh Campuchia đang học tập tại trường. Hai đơn vị thường xuyên chăm lo sinh hoạt, học tập, rèn luyện cho các em được đỡ đầu cũng như toàn thể lưu học sinh Campuchia của trường.
"Chúng tôi muốn tạo điều kiện cho các lưu học sinh tuy phải học tập xa nhà nhưng vẫn nhận được những tình cảm ấm áp ở quê hương thứ hai của mình", PGS.TS Nguyễn Quốc Tiến nói.
Ân tình Việt Nam
Tại thành phố Hồ Chí Minh, tình cảm giữa cha mẹ đỡ đầu với các lưu học sinh Campuchia khăng khít, gắn bó như người thân trong gia đình. Nhiều cha mẹ đỡ đầu đã sang Campuchia dự ngày giỗ của người thân sinh viên Campuchia, thay mặt ba mẹ tham dự lễ hỏi, cưới cho nam sinh viên Campuchia, dự lễ tốt nghiệp... Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, các cha mẹ đỡ đầu luôn thăm hỏi, động viên, gửi đồ dùng, thuốc men… góp phần giúp các em vượt qua dịch bệnh. Những việc làm ấy để lại dấu ấn đậm nét trong lòng các lưu học sinh.
Các lưu học sinh Campuchia đang theo học ở các trường đại học phía Nam chụp ảnh cùng cha mẹ đỡ đầu và các đại biểu nhân kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia tại chùa Chanta Rangsey ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Hồ Chí Minh). |
Thực hiện chương trình Ươm mầm hữu nghị do Trung ương Hội phát động, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 5 đợt đỡ đầu đến sinh viên Campuchia với hơn 60 em. Hội đã thành lập Ban công tác sinh viên Campuchia do một Phó Chủ tịch Hội phụ trách, tập hợp danh sách, tìm hiểu nguyện vọng, nắm bắt tâm tư tình cảm của các em sinh viên Campuchia đang học tập tại thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ theo sát giúp đỡ các em khi gặp khó khăn, vướng mắc về chế độ chính sách, học bổng, học tập, Hội còn vận động các em đến chùa Phổ Minh gặp gỡ, giao lưu với Phật tử, với Chi hội và nghe Hòa thượng Thích Thiện Tâm – Phó Chủ tịch Trung ương Hội, Phó Chủ tịch Hội thành phố Hồ Chí Minh, trụ trì chùa thuyết giảng về tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia, tham gia sinh hoạt nhân các ngày lễ Việt Nam, Campuchia trong năm.
Hội cũng tổ chức đưa hàng trăm lượt sinh viên Campuchia thăm quan bảo tàng, các cơ quan, đơn vị sản xuất; giao lưu với thanh niên và sinh viên Việt Nam các tỉnh Bình Phước, Đồng Tháp, An Giang…; mời các sinh viên y khoa tham gia một số chuyến công tác từ thiện xã hội, khám bệnh phát thuốc giúp dân nghèo tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam.
Tại Cần Thơ, Thượng tọa Lý Hùng – Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia thành phố cho biết, 3 năm qua Hội đã đỡ đầu cho các lưu học sinh Campuchia sang học tập tại Cần Thơ, tạo điều kiện về chỗ ăn ở, sinh hoạt để các em yên tâm học tập tốt. Hội tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ các sinh viên đang theo học tại trường Đại học Cần Thơ và trường Đại học Y Dược Cần Thơ nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, hỗ trợ các em giải quyết những khó khăn trong quá trình sinh sống và học tập tại thành phố Cần Thơ, đồng thời thường xuyên trao tặng học bổng nhân dịp các ngày lễ, tết trong năm.
Từ năm 2019, Hội đã hỗ trợ 62 suất học bổng cho các sinh viên Campuchia. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hội luôn theo sát tình hình các em, kịp thời xử lý khó khăn trong việc cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết. Theo đó, phối hợp chương trình Hành trình kết nối yêu thương của Thành đoàn Cần Thơ tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà hỗ trợ cho 17 sinh viên Campuchia học tập tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Cần Thơ gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, mỗi phần trị giá 1 triệu đồng.
"Nhà trường mong muốn sau khi trở về nước, các lưu học sinh không chỉ mang theo tấm bằng tốt nghiệp đại học làm chìa khoá mở cánh cửa vào đời, mà cùng với nó là những tình cảm sâu nặng không thể nào quên của các thầy cô giáo, cán bộ nhà trường, các bạn sinh viên và nhân dân Thái Bình nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung. Tình cảm ấy sẽ là hành trang theo lưu học sinh suốt cuộc đời, giúp các lưu học sinh trở thành những thầy thuốc, cán bộ có đủ tâm và tài. Cũng với hành trang ấy, mỗi lưu học sinh sẽ trở thành những sứ giả của tình đoàn kết, mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Campuchia". PGS.TS Nguyễn Quốc Tiến - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thái Bình |
t/h Theo Thời Đại