Mối quan hệ cùng chung một chiến hào, đánh bại chế độ thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc. Ngày 24/6/1967, quan hệ ngoại giao giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Campuchia chính thức được thiết lập, nhưng sự gắn bó, đoàn kết, hữu nghị giữa hai bên đã được hun đúc từ những năm tháng cùng chung sức, đồng lòng đánh đuổi thực dân Pháp. Chỉ thị kháng chiến kiến quốc vào ngày 25/11/1945 của Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra chủ trương thống nhất mặt trận Việt - Miên - Lào chống Pháp xâm lược(1). Tháng 3/1951, tại Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Đông Dương, khối liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia cũng được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước. Sự ra đời của khối liên minh chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia mang ý nghĩa chính trị đặc biệt, không chỉ gắn kết, tập hợp ba nước Đông Dương vào chung một mặt trận thống nhất, mà còn là biểu tượng của sự thắng lợi trước chính sách “chia để trị” của thực dân Pháp. Mối quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba nước nói chung, giữa Việt Nam và Campuchia nói riêng đã tạo ra những điều kiện căn bản, đồng thời là nhân tố bảo đảm và thúc đẩy cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc của mỗi nước đi đến thắng lợi.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước. Trong bối cảnh đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh chung để bảo vệ hòa bình và độc lập dân tộc ở Đông Dương... Chúng ta thành tâm mong rằng quan hệ hữu nghị giữa nước ta và các nước láng giềng, trước hết là Campuchia và Lào, được xây dựng và phát triển tốt”(2). Điều này cho thấy, mong muốn của Việt Nam trong việc củng cố tình đoàn kết, hữu nghị vốn có với Campuchia, giành được sự ủng hộ của nhân dân và các lực lượng tiến bộ ở Campuchia đối với cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Về phía Campuchia, chính quyền Campuchia do Hoàng thân Norodom Sihanouk làm Quốc trưởng đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền Sài Gòn vào năm 1963, công khai lên án hành động xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ và tổ chức Hội nghị Nhân dân các dân tộc Đông Dương tại Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) vào năm 1965, thông qua “Nghị quyết về vấn đề Việt Nam” khẳng định tình đoàn kết của nhân dân Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ngoài sự ủng hộ về chính trị, Campuchia còn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam Việt Nam. Khi Campuchia rơi vào khó khăn sau cuộc đảo chính tháng 3/1970 của Lon Nol, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Campuchia, giúp Campuchia chuyển hướng đấu tranh từ mục tiêu hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, dân sinh sang đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị chống Chiến lược Khmer hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ. Với sự giúp đỡ của Việt Nam, lực lượng kháng chiến Campuchia từng bước được xây dựng và trưởng thành, tích cực phối hợp với quân giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Pathet Lào thực hiện liên minh đặc biệt chiến đấu đánh bại các kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai ở Đông Dương, làm nên chiến thắng lịch sử của nhân dân Việt Nam và Campuchia vào mùa Xuân năm 1975.
“Kề vai sát cánh” lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, tái sinh đất nước Campuchia. Khi cả hai đất nước hoàn toàn được giải phóng khỏi chế độ thực dân, đế quốc, Campuchia lại rơi vào thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nước này khi phải đối mặt với nguy cơ bị diệt chủng bởi chế độ Pol Pot Ieng Sary - Khieu Samphan. Sự tàn bạo của tập đoàn Pol Pot Ieng Sary - Khieu Samphan đối với nhân dân Campuchia cũng như những cuộc tấn công quy mô lớn, liên tục của lực lượng quân đội “Campuchia Dân chủ” vào các tỉnh biên giới của Việt Nam, giết hại nhiều người dân Việt Nam, một lần nữa đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân hai nước cùng chống lại chế độ diệt chủng hết sức man rợ.
Thực hiện quyền tự vệ trước những hành động xâm lược với chính sách “giết sạch, cướp sạch, phá sạch” vô cùng dã man, tàn bạo của bè lũ Pol Pot đối với nhân dân Việt Nam và đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã cùng với những chiến sĩ cách mạng chân chính và nhân dân Campuchia tiến hành cuộc cách mạng ngày 7/1/1979, lật đổ chế độ diệt chủng “Campuchia Dân chủ”. Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Campuchia trong cuộc chiến này được đánh đổi bằng xương máu của biết bao chiến sĩ quân tình nguyện và là biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, chí nghĩa, chí tình giữa hai dân tộc láng giềng anh em.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân Campuchia, từ năm 1979 đến năm 1989, hàng vạn quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã ở lại Campuchia chung sức với cán bộ và nhân dân Campuchia nhằm ngăn chặn nạn đói đang hoành hành khắp nơi và trực tiếp cùng với Chính phủ, quân đội và nhân dân Campuchia khắc phục những hậu quả sau chế độ diệt chủng, từng bước thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc, xây dựng lại đất nước, tạo thế nương tựa, hỗ trợ lẫn nhau để đối phó với sự bao vây, cấm vận và tiến công quân sự, ngoại giao của các thế lực thù địch, phản động.
Tháng 9/1989, khi Campuchia đủ sức tự đảm đương nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã lên đường về nước. Trong buổi gặp gỡ chuyên gia Việt Nam chuẩn bị về nước, ngày 7/1/1989, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia Heng Samrin (nay là Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia) đã khẳng định: “Tổ quốc và nhân dân Campuchia đã khắc sâu vào trái tim mình, lịch sử đất nước Campuchia sẽ mãi mãi khắc bằng chữ vàng công ơn to lớn của các đồng chí chuyên gia, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước Campuchia”. Chiến thắng ngày 7/1/1979 là một thắng lợi vĩ đại, sáng ngời chính nghĩa trong thế kỷ XX; là nền móng, là niềm tin để mối quan hệ hợp tác và hữu nghị Việt Nam - Campuchia không ngừng phát triển. Ngày 7/1/1979 mãi mãi là một mốc son trong lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia.
Nhân dân Campuchia mang nước thốt nốt đến cho bộ đội tình nguyện Việt Nam trong những ngày giúp nhân dân Campuchia thu hoạch lúa - hình ảnh thắm đượm tình nghĩa quân dân Việt Nam - Campuchia trong cuộc chiến đấu lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. (Ảnh: TTXVN)
Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, cùng phát triển. Kể từ khi chính thể Vương quốc Campuchia được thành lập (năm 1993), quan hệ Việt Nam - Campuchia bước vào giai đoạn mới. Hai bên tiếp tục giữ mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Nhà nước Campuchia đặc biệt coi trọng quan hệ với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, coi đó là sự tất yếu nhằm giữ vững ổn định và phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu bảo đảm hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, hợp tác hai bên cùng có lợi, củng cố quốc phòng - an ninh vì lợi ích của hai nước.
Với truyền thống đoàn kết, gắn bó vốn có qua nhiều thăng trầm lịch sử, quan hệ Việt Nam - Campuchia tiếp tục được giữ gìn, vun đắp và phát triển thông qua đường lối ngoại giao đúng đắn của mỗi nước. Các chuyến thăm ngoại giao cấp cao giữa hai Chính phủ thường xuyên được tổ chức. Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Campuchia tiếp tục duy trì mối quan hệ thường xuyên, gắn bó. Với tư cách thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam tích cực ủng hộ và thúc đẩy tiến trình kết nạp Campuchia vào Hiệp hội. Năm 2005, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Campuchia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo hai nước nhất trí quyết tâm phát triển quan hệ hai nước theo phương châm 16 chữ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, thúc đẩy nâng tầm từ “hợp tác nhiều mặt” lên “hợp tác toàn diện”. Trên cơ sở đó, quan hệ giữa hai nước vừa phát triển theo chiều rộng, diễn ra trên nhiều lĩnh vực từ chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh đến kinh tế, văn hóa - xã hội, vừa từng bước đi vào chiều sâu, hướng tới các thỏa thuận mang tính chiến lược, lâu dài ở cấp quốc gia. Nhìn lại chặng đường 55 năm qua, có thể thấy, dù trải qua không ít thăng trầm theo dòng lịch sử nhưng mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp Việt Nam - Campuchia vẫn không ngừng được vun đắp và phát triển, trở thành “tài sản chung quý báu của hai dân tộc và là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước”(3). Đó là thành quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân hai nước, xuất phát từ thực tiễn lịch sử “vận mệnh của hai dân tộc là không thể tách rời nhau” đã được lãnh đạo hai bên nhiều lần khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ Việt Nam - Campuchia.
ĐỒNG HÀNH HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN TRÊN MỘT SỐ LĨNH VỰC CHỦ CHỐT
Hợp tác chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển sâu rộng, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể cho quan hệ hai nước. Hai bên thường xuyên duy trì truyền thống trao đổi các đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương và giao lưu nhân dân. Qua các chuyến thăm, lãnh đạo cấp cao hai nước đều khẳng định quyết tâm cùng nhau vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và coi đây là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước; đồng thời, nhiều văn kiện đã được ký kết, tạo cơ sở cho việc thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, như: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia (ngày 5/10/2019, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 22/12/2020); Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia (ngày 21/1/2013, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 9/10/2014)... Gần đây nhất, nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Campuchia (tháng 12/2021), hai bên đã ký kết 7 văn kiện hợp tác(4).
Bên cạnh đó, hai bên tích cực phối hợp tổ chức nhiều hoạt động trang trọng, có ý nghĩa nhằm kỷ niệm các sự kiện, dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, như Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ (ngày 7/1/1979), trùng tu các Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại các tỉnh, thành phố ở Campuchia...; tuyên truyền sâu rộng về tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia đến mọi tầng lớp nhân dân, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động chống phá mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động trao đổi đoàn cấp cao trực tiếp giữa hai nước không thể thực hiện được, song hai bên vẫn thường xuyên duy trì quan hệ chính trị thông qua các kênh tiếp xúc, như hội đàm, gửi thư thăm hỏi, tích cực chia sẻ, hỗ trợ nhau các trang thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cùng với việc tăng cường quan hệ cấp cao, Việt Nam - Campuchia còn đặc biệt quan tâm thúc đẩy hoạt động ngoại giao nhân dân, xem đây là nền tảng vững chắc để gắn kết, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống vốn có giữa hai nước. Hội hữu nghị hai nước đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ hữu nghị và giao lưu nhân dân, các hoạt động kỷ niệm, chào mừng các ngày lễ lớn của hai dân tộc. Phong trào kết nghĩa, giao lưu giữa các địa phương của hai nước cũng được đẩy mạnh, không chỉ giới hạn ở các tỉnh có chung đường biên giới mà còn ở các tỉnh cách xa nhau về mặt địa lý. Các cơ chế hợp tác, như Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, Hội nghị Hợp tác phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia, Hội nghị Xúc tiến đầu tư,... được hai nước thực hiện hiệu quả. Hiện hai bên đang tích cực chuẩn bị cho việc phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1967 - 2022), góp phần tăng cường tuyên truyền tới nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước cùng trân trọng và giữ gìn quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc.
Không chỉ hợp tác trong khuôn khổ song phương, hai nước cũng thường xuyên thực hiện tham vấn chính trị, chia sẻ thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong các khuôn khổ hợp tác của ASEAN, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Liên hợp quốc và các cơ chế hợp tác ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công (ACMECs), Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS),... góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển ở khu vực và toàn cầu.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Samdech Pichey Sena Tea Banh dự Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia. (Ảnh: TTXVN)
Hợp tác quốc phòng - an ninh ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, trở thành trụ cột quan trọng để củng cố và phát triển quan hệ giữa hai nước. Nếu như trước năm 1992, quan hệ hợp tác quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam và Campuchia chủ yếu phát triển theo hướng Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ Campuchia, thì đến nay, đã mang tính hai chiều, thể hiện đúng tính chất của mối quan hệ hợp tác song phương cùng có lợi. Bên cạnh việc tổ chức thực hiện tốt Nghị định thư hợp tác năm năm, cũng như kế hoạch hợp tác hằng năm giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an Việt Nam với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Campuchia, hai bên cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống và công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, nhất là các hoạt động xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, biên giới, lãnh thổ để chia rẽ, phá hoại quan hệ hai nước; chủ động mở rộng thế trận an ninh “từ xa”, tạo dựng, củng cố phòng tuyến “an ninh biên giới” vững chắc, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm về ma túy, buôn bán trẻ em...
Cơ sở pháp lý liên quan đến hợp tác bảo vệ an ninh, trật tự giữa hai nước ngày càng được hoàn thiện. Hai bên đã ký kết nhiều điều ước quốc tế đa phương, song phương, các văn bản hợp tác trên lĩnh vực này và chủ động triển khai có hiệu quả. Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Campuchia vào cuối năm 2021 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã ra tuyên bố chung tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh trên nguyên tắc không cho phép bất cứ thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước này làm phương hại đến an ninh của nước kia. Ngoài ra, theo đề nghị của Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia, từ năm 1998 đến nay, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục nhận đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, học viên công an, quân đội Campuchia với số lượng lớn, nhiều nội dung, nhiều trình độ khác nhau.
Đáng chú ý, với sự quyết tâm và nỗ lực từ cả hai phía, Việt Nam và Campuchia đã hoàn thành phân giới, cắm mốc 84% biên giới trên đất liền. Tháng 10/2019, hai nước đã ký kết Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia. Đến nay, Việt Nam và Campuchia đã xây dựng 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu, phân giới 1.044km trên tổng số 1.258km. Hai bên đang tích cực phối hợp chặt chẽ để hoàn thành công việc phân giới, cắm mốc 16% đường biên giới đất liền còn lại. Hai bên cũng tích cực triển khai Thỏa thuận về tìm kiếm quy tập và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia và thực hiện công tác tôn tạo, tu bổ các Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại các tỉnh, thành phố ở Campuchia.
Về phương diện kinh tế, hai bên đã ký kết Hiệp định kinh tế - thương mại từ năm 1998. Kể từ đó đến nay, quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia phát triển mạnh, đóng vai trò hết sức quan trọng, một mặt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước; mặt khác, tạo điều kiện củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên. Nếu như vào thời điểm Hiệp định thương mại Việt Nam - Campuchia được ký kết (năm 1998), kim ngạch xuất - nhập khẩu hai nước chỉ đạt 117 triệu USD, thì đến năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, song kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 10 tỷ USD. Hai bên cũng dành những ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu cho các loại hàng hóa của doanh nghiệp hai bên. Cụ thể, phía Việt Nam hưởng thuế xuất - nhập khẩu 0% áp dụng đối với 26 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia. Đây là những ưu đãi đặc biệt mà Campuchia chỉ dành cho Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng dành ưu đãi đặc biệt thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho 32 mặt hàng của Campuchia, phần lớn là nông sản. Điều này giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nguồn nguyên liệu để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang các nước khác.
Đóng gói sản phẩm nông sản sấy khô của Công ty TNHH trái cây Mê Kông tại khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Canada, Đức, Campuchia. (Ảnh: TTXVN)
Trong năm 2021, Việt Nam cũng đầu tư thêm 4 dự án mới sang Campuchia, với tổng số vốn đăng ký đạt 88,936 triệu USD, nâng tổng số dự án đầu tư của Việt Nam còn hiệu lực tại Campuchia lên 188 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 2,846 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia, chủ yếu là các lĩnh vực nông nghiệp (chiếm gần 70% tổng số vốn đăng ký); tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông; những dự án còn lại nằm trong các lĩnh vực hàng không, khoáng sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi, y tế, xây dựng, du lịch - khách sạn, bất động sản và các dịch vụ khác. Hai bên cũng thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện quan trọng để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư song phương, như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia, Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia, Hội chợ du lịch, mở khu kinh tế cửa khẩu,... nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Có thể thấy, hợp tác kinh tế Việt Nam - Campuchia đã có sự phát triển không ngừng và thực sự đem lại lợi ích thiết thực đối với cả hai bên. Theo thống kê của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đã giúp Campuchia giảm tỷ lệ đói nghèo từ 53,5% (năm 2004) xuống 17,8% (năm 2021)(5). Diện mạo các tỉnh biên giới giáp ranh giữa hai nước có những thay đổi quan trọng nhờ vào hoạt động thông quan, trao đổi hàng hóa cửa khẩu. Đối với Việt Nam, hợp tác kinh tế với Campuchia cũng mang lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực, mở rộng thị phần xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thế mạnh, có lợi thế so sánh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ở thị trường nước ngoài.
PHÁT HUY HƠN NỮA MỐI QUAN HỆ TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP
Cùng với những thành tựu đạt được trong chặng đường 55 năm qua, trong thời gian tới, trước những biến động phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và nhu cầu phát triển của mỗi nước, hai nước tiếp tục khẳng định quyết tâm phấn đấu duy trì và nâng mối tình đoàn kết hữu nghị bền chặt, sắt son giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả thực sự, góp phần giữ vững ổn định chính trị - quốc phòng - an ninh, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương hai nước, các cơ quan đại diện của hai nước tại Việt Nam và Campuchia, phấn đấu phối hợp làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm được giao.
Theo đó, hai bên tiếp tục duy trì và phát huy quan hệ tốt đẹp về chính trị để định hướng tổng thể quan hệ giữa hai nước; quan tâm gìn giữ và không ngừng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng chiến lược, ý nghĩa sống còn của quan hệ Việt Nam - Campuchia đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước trong tình hình mới; củng cố, tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng nền tảng xã hội vững chắc, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Tích cực trao đổi đoàn cấp cao và các cấp nhằm tăng cường sự gắn bó và tin cậy lẫn nhau; triển khai tốt công tác phổ biến, tuyên truyền về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam; hợp tác chặt chẽ, chú trọng xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia ổn định và phát triển toàn diện; nhân rộng trên toàn tuyến một số mô hình hợp tác tốt và hiệu quả như hợp tác tuần tra chung của lực lượng biên phòng; phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú tại khu vực biên giới hai nước; phát triển và nâng cao đời sống nhân dân vùng biên giới thông qua phát triển các cụm kinh tế dọc biên, như khai khoáng, nông trường... và các dự án, chương trình hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo; nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Campuchia; phối hợp triển khai thực hiện có kết quả các thỏa thuận hợp tác của lãnh đạo cấp cao hai nước và các thỏa thuận khác của các ngành và địa phương; tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại - một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước, bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình ổn định cho sự phát triển của mỗi nước; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần tạo thuận lợi để Campuchia hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2022.
Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia. (Ảnh: TTXVN)
Khuyến khích quan hệ hợp tác trực tiếp, toàn diện và hiệu quả giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung đường biên giới, các địa phương có điều kiện của Việt Nam với các tỉnh, thành phố của Campuchia, nhất là hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển của các địa phương và khai thác được tiềm năng, thế mạnh về đất đai và nguồn tài nguyên, nhân lực của mỗi bên.
Chủ động thúc đẩy các hoạt động đầu tư, thương mại song phương gắn với chiến lược phát triển kinh tế của mỗi nước để tạo lợi ích đan xen; xác định quan hệ hợp tác kinh tế - xã hội giữa hai nước là nhiệm vụ chính trị lâu dài, mang tính chiến lược và vì lợi ích của mỗi nước. Đặc biệt, tích cực triển khai Thỏa thuận về tìm kiếm quy tập và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia và thực hiện công tác tôn tạo, tu bổ các Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại các tỉnh, thành phố ở Campuchia.
Năm 2022, kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia, hai nước tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi trên khắp mọi miền đất nước. Nhân dịp này, hai bên cùng nhau tiếp tục khẳng định quyết tâm phấn đấu, kế thừa và vun đắp tình đoàn kết, mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, gắn bó và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển lên tầm cao mới, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.8, tr.26.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.12, tr.676.
(3) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Mối quan hệ Việt Nam - Campuchia đang phát triển ngày càng sâu rộng, trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc và là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 6/12/2011, https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/.
(4) Bảy văn kiện, bao gồm: 1) Chương trình hợp tác năm 2022 giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Campuchia; 2) Kế hoạch hợp tác quốc phòng năm 2022 giữa hai Bộ Quốc phòng; 3) Biên bản Thỏa thuận kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật; 4) Biên bản cuộc họp hai Chủ tịch Ủy ban Liên hợp về biên giới Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam; 5) Bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục giai đoạn 2021 - 2025; 6) Bản ghi nhớ về việc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia; 7) Chương trình công tác năm 2022 - 2023 giữa hai Bộ Tư pháp.
(5) Xem: Cambodia’s poverty line updated: 17.8 percent Cambodians under the poverty line (Tạm dịch: “Chuẩn nghèo của Campuchia được cập nhật: 17,8% người Campuchia dưới chuẩn nghèo”), Khmer Times, ngày 19/11/2021, https://www.khmertimeskh.com/50973518/cambodias-poverty-line-updated-178-percent-cambodians-under-the-poverty-line/.
(Nguồn: TC Tuyên Giáo / TC Cộng sản)
https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/quan-he-viet-nam-campuchia-nam-muoi-lam-nam-cung-chung-tay-vun-dap-va-phat-trien-139672