Phát biểu tại lễ kỷ niệm được tổ chức trang trọng ở Tòa thị chính thành phố, Thị trưởng Patrice Valton bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả của mối quan hệ Pháp-Việt bền chặt được xây dựng không chỉ trong 50 năm qua mà từ hàng trăm năm trước.
Bởi theo ông, từ thế kỷ 17, vùng Bretagne đã đóng góp vào mối quan hệ này thông qua các tàu buôn của Công ty Đông Ấn được đóng tại thành phố Lorient.
Ông cũng vui mừng khi nhận thấy hiệu quả của các dự án chung giữa Pháp và Việt Nam; nhận thấy mối quan hệ hợp tác không chỉ nằm trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao và thương mại mà cả trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học và hợp tác địa phương, trong đó điển hình là mô hình hợp tác giữa Lorient và tỉnh Khánh Hòa hay với Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như nỗ lực của cộng đồng người Việt tại địa phương trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam và tăng cường mối quan hệ hữu nghị Pháp-Việt.
Ngoài ra, Thị trưởng Patrice Valton nhấn mạnh: "Trong thế giới đang ngày càng phức tạp như hiện nay, sự hợp tác giữa Lorient và tỉnh Khánh Hòa cho chúng ta thấy con đường đúng đắn là con đường của hòa bình và sự hiểu biết thân ái giữa các dân tộc trên tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau."
Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng bày tỏ vinh dự được mời tham gia các hoạt động tại địa phương nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao và 10 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Pháp.
Điểm lại những dấu ấn trong quan hệ hai nước nửa thế kỷ qua, Đại sứ cho rằng những nét tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Pháp, bên cạnh mối quan hệ hàng thế kỷ, chính là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác ngày nay giữa hai nước.
Đại sứ vui mừng khi thấy tình cảm gắn bó với Việt Nam là nguồn cảm hứng trong công việc và cuộc sống của người dân địa phương.
Để có được tình cảm này, Đại sứ đánh giá cao đóng góp của cộng đồng người Việt tại đây trong việc nỗ lực để đạt được thành công và viên mãn trong cuộc sống, đồng thời đóng góp đáng kể vào việc quảng bá văn hóa Việt Nam.
Theo Đại sứ, chính nhờ những hoạt động của bà con kiều bào mà truyền thống và văn hóa Việt đã được duy trì, trở nên dễ tiếp cận và quen thuộc hơn với những người bạn Pháp.
Đại sứ nhấn mạnh rằng: "Sự gắn kết của bà con đối với văn hóa dân tộc là rất đáng ghi nhận và bà con đã rất thành công trong việc tập hợp các thế hệ Việt kiều để cùng tôn vinh di sản chung của chúng ta."
Lễ míttinh trọng thể tại Tòa Thị chính cũng là sự khởi đầu cho một loạt hoạt động lễ hội của Festival Việt Nam, do Tòa Thị chính thành phố Larmor-Plage,phối hợp tổ chức với 3 hiệp hội Art Space, Vietnam Bretagne Sud và APPEL Lorient.
Sự kiện văn hóa Việt lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn tại đây đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân và khách du lịch.
Festival không chỉ là cơ hội để giới thiệu về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam mà còn là sự kiện quan trọng kết nối cộng đồng người Việt khắp thế giới.
Bà Hoàng Thu Trang, Chủ tịch Hiệp hội Art Space, thành viên Ban Tổ chức, cho biết rằng sự kiện không chỉ nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè Pháp mà còn thể hiện tình đoàn kết quốc tế khi ban tổ chức huy động được 25 học sinh, sinh viên gốc Việt đến từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Australia, Pháp và Việt Nam.
Bên cạnh đó, ban tổ chức còn huy động được rất nhiều người Việt Nam từ gần 20 nước trên thế giới gửi những chiếc áo dài, trang phục dân tộc.
Món quà này được gửi đến Pháp cùng thông điệp từ người tặng và được đóng gói trân trọng để tặng lại tất cả bạn bè Pháp yêu mến văn hóa Việt Nam tới dự Festival Việt Nam.
Đây là kết quả của chiến dịch “2LIFE ÁO DÀI” (Second Life Áo Dài) với mong muốn hồi sinh những bộ áo dài đã qua sử dụng được cộng đồng người Việt ở Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Nhật Bản và Việt Nam quyên góp…
Đổi lại, khi nhận áo dài, khách tham quan sẽ quyên góp một khoản tùy tâm cho quỹ của dự án để giúp đỡ 4 trại trẻ mồ côi, tật nguyền tại Việt Nam.
Không chỉ có vậy, đến với Festival Việt Nam, khách tham quan còn được trải nghiệm nhiều hoạt động như tham gia trang trí mẹt tre, tìm hiểu về ngày Tết cổ truyền, làm tranh Đông Hồ trên giấy dó, vẽ thư pháp, hỏi đáp về kiến thức văn hóa Việt và nhận các phần quà thú vị như phong bao lì xì có tiền Việt Nam, chuồn chuồn tre, trống bỏi…
Một cuộc triển lãm cũng được tổ chức để trưng bày những bức tranh đẹp nhất được lựa chọn từ hơn 400 tranh của trẻ em gốc Việt và quốc tế gửi đến từ gần 20 nước, cùng bộ sưu tập ảnh “Mơ màng Hội An” của nghệ sỹ trẻ Thảo Nguyễn.
Đặc biệt, du khách còn bị hấp dẫn bởi các gian hàng giới thiệu nhiều món ăn đường phố Việt Nam như : Bánh mỳ, bún bò, nem, bánh giò…
Ngoài ra, hơn 100 sinh viên quốc tế cùng người Việt tại Pháp và các bạn Pháp trong trang phục dân tộc và áo dài đã cùng nhau diễu hành trên đường phố để giới thiệu về đám cưới truyền thống và ngày Tết cổ truyền của Việt Nam.
Người dân Pháp đã có cơ hội để hiểu thêm về tục lệ cưới hỏi, xin dâu, bê tráp, ra mắt quan viên hai họ.
Bà Hoàng Thu trang chia sẻ mong muốn chung của ban tổ chức đó là các trẻ em Việt kiều tại Pháp có không gian văn hóa để tìm về cội nguồn quê hương, cũng như không quên ngôn ngữ tiếng Việt.
Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng mong muốn mang đến một hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, thân thiện để kết nối với cả thế giới và với bạn bè Pháp.
Bày tỏ sự xúc động khi chứng kiến hình ảnh văn hóa Việt Nam được lan tỏa rộng rãi và được người dân Pháp đón nhận nồng nhiệt, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng các hiệp hội ART SPACE, Vietnam Bretagne Sud và APPEL Lorient, đã rất thành công trong việc thắt chặt sự kết nối, tăng cường sự hiểu biết và giao lưu văn hóa giữa hai nước, cũng như quảng bá hình ảnh đẹp của Việt Nam tới bạn bè Pháp.
Sự kiện này là một cột mốc đánh dấu hoàn hảo cho 50 năm quan hệ ngoại giao Việt-Pháp.
Về phần mình, Phó Thị trưởng Régine Le Normand bày tỏ suy nghĩ rằng sau khi hòa mình vào những điệu múa sôi động, ngắm những sắc màu rực rỡ của trang phục truyền thống, cũng như được thưởng thức ẩm thực hấp dẫn của Việt Nam, người dân Lorient sẽ mong muốn khám phá nhiều hơn đất nước Việt Nam và thậm chí sẽ sang tận Việt Nam để trực tiếp trải nghiệm các nét đặc sắc của "dải đất hình chữ S"./.
Q.Hoa t.h / TTXVN