Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, từ ngày 26-30/5, đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài do ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, dẫn đầu đã thăm Hong Kong và Macau (Trung Quốc).
Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đã có các cuộc tọa đàm, gặp gỡ với Ban liên lạc Hội người Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam tại Hong Kong và Đại diện Ban chấp hành Hiệp hội người Việt Nam tại Macau.
Phát biểu khai mạc cuộc gặp, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong Phạm Bình Đàm cho biết cộng đồng người Việt Nam tại Hong Kong hiện có khoảng 7.000 người và rất đa dạng, mặc dù mỗi người một công việc khác nhau, nhưng đều chung một tâm huyết là tạo nên một cộng đồng vững mạnh, giúp đỡ lẫn nhau, cùng gìn giữ bản sắc dân tộc, hướng về quê hương đất nước.
Tại buổi làm việc với Ban liên lạc Hội người Việt Nam tại Hong Kong, ông Mai Phan Dũng cho biết cuộc gặp lần này rất có ý nghĩa vì đây là thời điểm quan trọng trong quá trình cộng đồng người Việt Nam tại Hong Kong có những bước tiến tới hoàn thiện các khâu về tổ chức, thủ tục cho việc thành lập Hiệp hội người Việt Nam tại Hong Kong.
Bà Doãn Quỳnh Linh, Luật sư-Chủ tịch lâm thời Hiệp hội người Việt Nam tại Hong Kong, cho biết dưới sự lãnh đạo của Tổng lãnh sự quán, Ban liên lạc Hiệp hội đã có cuộc họp đầu tiên ngày 13/5, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên và định hướng các bước làm việc tiếp theo.
Việc thành lập Hiệp hội sẽ đặt cơ sở pháp lý vững chắc cho cộng đồng người Việt, từ đó nâng cao hình ảnh, vị thế của người Việt Nam tại đặc khu này.
Chia sẻ về sự tăng cường kết nối giữa Việt Nam và Hong Kong thời gian gần đây, nghệ sỹ Nguyễn Bảo Anh, Phó Chủ tịch lâm thời của Hiệp hội, cho rằng trao đổi văn hóa là một trong những cách nhanh nhất để tăng cường sự kết nối giữa Việt Nam và Hong Kong.
Sau thời gian gián đoạn do dịch COVID-19, giữa tháng Năm vừa qua, nghệ sỹ Bảo Anh đã tham gia Đoàn của Học viện Biểu diễn nghệ thuật Hong Kong sang làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác đào tạo tài năng nghệ thuật.
Các học viên Việt Nam được cử sang Hong Kong học tập hiện đang là cầu nối giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và Hong Kong. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, có rất ít nghệ sỹ của Việt Nam sang được Hong Kong do vấn đề thị thực (visa) và thủ tục đi lại, ông hy vọng vấn đề này sẽ được dần tháo gỡ trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Đông, Phó Chủ tịch lâm thời của Hiệp hội, phụ trách công tác xã hội, đã sinh sống tại Hong Kong hơn 40 năm cho biết trong nhiều năm qua, cộng đồng người Việt Nam tại Hong Kong luôn một lòng hướng về quê hương đất nước, tích cực đóng góp cho quê hương, như chung tay cùng đất nước phòng chống dịch bệnh và thiên tai...
Đoàn công tác khẳng định Ban liên lạc lâm thời đại diện cho đầy đủ các thành phần người Việt, từ luật sư, giảng viên đại học, nghệ sỹ, có cả các bà nội trợ, công nhân… Ban liên lạc mang tính đại diện cao, có thể đại diện cho các tầng lớp kiều bào ở Hong Kong, qua cuộc gặp cũng đã hiểu hơn về các vấn đề của cộng đồng.
Tại các cuộc gặp, đoàn công tác đã chia sẻ với bà con hoạt động của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các hoạt động nhằm tăng cường đoàn kết, bảo tồn văn hóa, tiếng Việt cho kiều bào, kết nối và phát huy nguồn lực của trí thức, kiều bào.
Đoàn công tác cũng sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét mở rộng quyền của kiều bào đối với đất đai và nhà ở.
Đối với vấn đề quốc tịch, ủy ban cũng đang kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn quy định về nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài; đề xuất đẩy nhanh quá trình xác minh nhân thân trong nước cho nhiều bà con sang Hong Kong trước năm 1975 nên đã mất giấy tờ, để có thể có đủ điều kiện làm miễn thị thực 5 năm.
Đoàn công tác đã dành phần lớn thời gian để trao đổi và ghi nhận nhiều ý kiến, đóng góp thiết thực của các trí thức về đề xuất Chính phủ Việt Nam nên có chính sách thu hút, đón được trào lưu sinh viên tốt nghiệp hoặc người làm việc nước ngoài trong lĩnh vực khoa học công nghệ về nước, từ đó sẽ hỗ trợ cho nền khoa học Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng cũng cam kết với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, ủy ban sẽ nỗ lực hết sức mình để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vấn đề còn tồn tại, hỗ trợ thiết thực để kiều bào ở Hong Kong có thể thuận lợi hơn trong quá trình hội nhập, phát triển ở sở tại và hướng về quê hương.
Tổng lãnh sự Phạm Bình Đàm cho biết số lượng sinh viên Việt Nam tại Hong Kong mặc dù ít nhưng chất lượng cao, 100% nhận được học bổng của Hong Kong. Số lượng sinh viên gia tăng nhanh trong những năm gần đây và là một cộng đồng mới của người Việt Nam ở Hong Kong.
Chẳng hạn như trong 2 năm qua, Đại học Trung Văn (CUHK) dành 30 suất học bổng cho học sinh của 9 trường chuyên Việt Nam.
Đại diện Hội sinh viên Việt Nam tại Hong Kong thông tin tới đoàn công tác về tình hình và một số định hướng hoạt động của hội trong thời gian qua cũng như thời gian tới.
Hội đã có các hoạt động để gắn kết sinh viên Việt Nam tại Hong Kong, tích cực quảng bá môi trường học tập tại Hong Kong, để nhiều bạn trẻ Việt Nam hiểu hơn về môi trường học tập tại đặc khu này, làm website cập nhật thông tin cho sinh viên.
Tháng Chín tới, Hội sẽ tổ chức ngày hội sinh viên, chào đón tân sinh viên, mời các diễn giả có tầm ảnh hưởng đến giao lưu chia sẻ, thành lập trao giải thưởng cho sinh viên nổi bật nhất ở Hong Kong, tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè Hong Kong, hy vọng số lượng sinh viên Việt Nam tại Hong Kong sẽ tiếp tục tăng lên.
Hội sinh viên đề xuất tổ chức tuần lễ giáo dục Hong Kong tại Việt Nam, nơi các trường đại học ở Hong Kong cùng tổ chức giới thiệu tại Việt Nam và Tuần lễ Việt Nam tại Hong Kong để quảng bá văn hoá, ngôn ngữ, ẩm thực của Việt Nam tại đặc khu này.
Ông Dương Trung Đức, Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Macau cho biết trước khi dịch bệnh bùng phát có khoảng 22.000 người Việt Nam và gốc Việt làm ăn, sinh sống tại Macau, hiện nay giảm còn 7.000 người, trong đó phần lớn là người lao động làm giúp việc gia đình và phục vụ tại các sòng bài.
Hiệp hội luôn là cầu nối tin cậy cho bà con nhằm tăng cường sức mạnh đoàn kết, lan tỏa năng lượng tích cực trong cộng đồng. Ông cũng hy vọng sau khi chính quyền Macau khôi phục hoàn toàn các hoạt động, số người Việt Nam sang làm việc tại đặc khu này sẽ tiếp tục tăng trở lại.
Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng đánh giá cao việc hợp nhất các hội, nhóm tập hợp thành một hiệp hội, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong, để cùng nhau đoàn kết, có tiếng nói chung đối với công việc của cộng đồng, hy vọng bà con sẽ tích cực tham gia các hoạt động trong nước như Xuân quê hương, Ngày giỗ tổ Hùng Vương…
Ủy ban sẽ sớm phê chuẩn Ban chấp hành Hiệp hội và Hiệp hội người Việt Nam tại Macau.
Đoàn công tác cũng đánh giá cao những hoạt động có ý nghĩa của Hiệp hội trong thời gian qua như chung tay cùng đất nước phòng chống dịch bệnh và thiên tai; tổ chức trang trọng các ngày lễ lớn của đất nước nhằm giúp bà con nhớ về cội nguồn dân tộc, hướng về quê hương đất nước; tổ chức các hoạt động xã hội như thể dục thể thao, văn hóa để rèn luyện sức khỏe, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, cũng như giữ gìn và quảng bá những nét độc đáo của văn hóa truyền thống Việt Nam đến sở tại và bạn bè quốc tế...
Hiệp hội người Việt Nam tại Macau đã từng bước khẳng định được vị thế đối với chính quyền sở tại, đồng thời trở thành hình mẫu tham khảo cho một số nước có số lượng lao động đông đảo ở Macau.
Cũng trong dịp này, đoàn công tác đã tới thăm khu người Việt và một số cơ sở kinh doanh của bà con người Việt ở Hong Kong./.
Q.Hoa t.h / TTX