Chủ tịch Nguyễn Phương Nga phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Ảnh: TGVN)
Bài tham luận cho biết: Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên nêu rõ chủ trương “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”.
Đây là những nội dung vừa mang tính kế thừa, vừa là phát triển mới hết sức quan trọng, khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí, nhiệm vụ của đối ngoại, sự gắn kết chặt chẽ giữa các trụ cột của đối ngoại, cũng như yêu cầu phát huy vai trò của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của đối ngoại nhân dân. Bác Hồ từng nói: “...Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” và chính Người đã đặt nền móng, lãnh đạo và trực tiếp triển khai đối ngoại nhân dân, chỉ đạo thành lập các tổ chức đối ngoại nhân dân đầu tiên của Việt Nam ngay sau khi nước ta giành được độc lập, chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với các nước. Đại hội Đảng lần thứ II (tháng 2/1951) đã nêu rõ nhiệm vụ “Mở rộng ngoại giao nhân dân”. Quan điểm của Đảng ta về đối ngoại nhân dân đã tiếp tục được phát triển và hoàn thiện, theo đó đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành của công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân mà nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”, “tấn công vào lòng người, chinh phục bằng đạo lý, chuyển hoá bằng nhân tình, thuyết phục lòng người để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa”, đối ngoại nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có đóng góp quan trọng trong mọi giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Đối ngoại nhân dân giúp nhân dân thế giới hiểu rõ về một Việt Nam yêu chuộng hoà bình, kiên cường, bất khuất, nhân nghĩa, thuỷ chung, tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn và mạnh mẽ chưa từng có đoàn kết, ủng hộ Việt Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta vì độc lập, tự do, hoà bình, thống nhất đất nước; ĐNND đã cùng đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước tích cực “đi trước mở đường”, phá bao vây, cấm vận, thúc đẩy bình thường hoá quan hệ với các đối tác quan trọng, huy động sự ủng hộ của nhân dân thế giới giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết đất nước.
Trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế, đối ngoại nhân dân đã phát triển lớn mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhân dân, công tác phi chính phủ nước ngoài, tham gia các diễn đàn nhân dân đa phương, thông tin đối ngoại, nghiên cứu, tham mưu, vận động người Việt Nam ở nước ngoài, đấu tranh với những quan điểm sai trái về Việt Nam, nhất là trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, chủ quyền biển đảo, góp phần tăng cường tình hữu nghị với nhân dân các nước, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển đất nước, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, đối ngoại nhân dân còn một số hạn chế, khó khăn như: nhận thức về đối ngoại nhân dân chưa đầy đủ, thống nhất; nhiều tổ chức nhân dân còn thiếu chủ động, chậm đổi mới, hoạt động đối ngoại hiệu quả chưa cao; một số văn bản chỉ đạo của Đảng về đối ngoại nhân dân chậm được thể chế hóa, chưa được thực hiện nhất quán; một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, hạn chế tính linh hoạt, năng động của đối ngoại nhân dân; phối hợp liên ngành chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của đối ngoại; đầu tư nguồn lực cho đối ngoại nhân dân chưa tương xứng, đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân... Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”.
Đối ngoại nhân dân vừa là nét đặc sắc, sáng tạo vừa là tài sản, vốn quý, kinh nghiệm quý giá của đối ngoại Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, thách thức và cơ hội, đối tượng và đối tác đan xen, vừa đấu tranh vừa hợp tác, hơn lúc nào hết, đối ngoại nhân dân phải phát huy tiềm lực, vị thế của đất nước, ưu thế của đối ngoại nhân dân, đi đầu xây dựng, củng cố lòng tin, nền tảng xã hội hữu nghị với các nước, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế, tạo lập môi trường hoà bình, thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ giữa các quốc gia, hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước.
Để nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của “trụ cột đối ngoại nhân dân”, Liên hiệp Hữu nghị đưa ra các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất: Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII, nâng cao nhận thức thống nhất trong toàn hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phân vai, hỗ trợ giữa các trụ cột của đối ngoại, giữa các tổ chức nhân dân ở trung ương và địa phương, để phát huy được thế mạnh đặc thù của mỗi tổ chức, mỗi trụ cột, và sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Việt Nam.
Nhóm thứ hai: Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, thích ứng với tình hình và nhiệm vụ mới. Bám sát phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, ứng dụng công nghệ thông tin, củng cố, mở rộng, đa dạng hoá mạng lưới đối tác, lực lượng, phạm vi hoạt động, tạo đan xen lợi ích và độ tin cậy, làm tốt vai trò “cầu nối”, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước, nhất là nhân dân các nước láng giềng, ASEAN, đối tác chiến lược, toàn diện, bạn bè truyền thống, đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững và huy động nguồn lực quốc tế thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước. Chủ động thúc đẩy, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài, đồng thời tích cực đóng góp vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế thúc đẩy đối thoại, tuân thủ luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững
Nhóm thứ ba: Xây dựng lực lượng đối ngoại nhân dân “vững mạnh”. Kiện toàn tổ chức, hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo đảm nguồn lực tài chính và con người cho đối ngoại nhân dân, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại nhân dân chuyên trách ổn định, có phẩm chất và đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị, tâm huyết, có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cuối bài tham luận, Chủ tịch Liên hiệp Nguyễn Phương Nga chia sẻ những người làm công tác đối ngoại nhân dân sẽ nỗ lực hết sức mình để đối ngoại nhân dân thực sự là một trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc và tăng cường hoà bình và tình hữu nghị giữa nhân dân toàn thế giới./.
Q.Hoa t.h