Trang tin sbr.com.sg của Singapore vừa đăng tải bài viết nhận định việc tăng cường mối quan hệ với Singapore sẽ có tác động tích cực đến môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam.
Theo bài viết, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn với các công ty nước ngoài. Việt Nam cũng trở thành trung tâm của các dự án sản xuất điện tử nước ngoài.
Các công ty muốn chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam để được hưởng lợi trong xuất khẩu hàng hóa từ nhiều thị trường khác nhau, nhất là khi Việt Nam là đối tác quan trọng trong nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
Trong bối cảnh các nước như Singapore dịch chuyển sản xuất, giới phân tích nhận định điều này sẽ có nhiều lợi ích đối với Việt Nam.
Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên mở ra các cơ hội mới trong nền kinh tế xanh và kỹ thuật số.
Bài viết cũng nhấn mạnh Việt Nam là thị trường năng động với nhiều tiềm năng khi mức chi tiêu tại Việt Nam tăng đều đặn nhờ thu nhập được nâng lên.
Việt Nam có các điều kiện và chính sách thân thiện với doanh nghiệp, theo đó trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty nước ngoài, như quá trình tăng trưởng kinh tế và thị trường ổn định, lực lượng lao động trẻ và lành nghề, vị trí gần các nền kinh tế mới nổi khác ở Đông Á.
Tất cả những yếu tố này thu hút một lượng lớn vốn nước ngoài và đưa Việt Nam trở thành điểm đến nổi bật giữa các nước Đông Nam Á.
Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) của Tập đoàn Sembcorp là một trong những dự án đầu tiên và thành công nhất của Singapore tại Việt Nam và trở thành biểu tượng của quan hệ Việt Nam-Singapore.
Theo bài viết, thông qua chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Singapore.
Chuyến thăm này cũng có thể mở ra cơ hội tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như nền kinh tế kỹ thuật số, kết nối chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, năng lượng và tín chỉ carbon.
Đến nay, các biên bản ghi nhớ (MoU) cấp chính phủ được ký kết giữa hai nước đã giúp Singapore và Việt Nam nắm bắt các cơ hội mới trong nền kinh tế xanh và kỹ thuật số trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và cả hai nước có thể được hưởng lợi từ sự hợp tác song phương.
Hai nước đều có mục tiêu chung là đạt mức phát thải ròng bằng 0. Singapore cam kết góp phần thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, phù hợp với mục tiêu thúc đẩy hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam có tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng nhanh, tăng cường đầu tư cũng giúp thúc đẩy phát triển các khu đô thị, cảng, đường cao tốc và năng lượng xanh.
Các lĩnh vực này có thể phục vụ mục đích chung là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua công nghệ và đổi mới, đặc biệt khi cả hai nước đang phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tuy nhiên, trong khi hai nước theo đuổi các cơ hội mới trong các lĩnh vực như đổi mới, năng lượng và tính bền vững, cũng cần tăng cường giao lưu giữa nhân dân hai nước và kết nối nhiều mặt trong thương mại và đầu tư, tài chính, vận tải và du lịch vì các lĩnh vực này giúp củng cố các bước tiến tích cực đã đạt được trong các lĩnh vực hiện nay./.
Q.Hoa t.h / TTXVN