Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, tham dự Phiên họp thường niên thứ 61 của Ủy ban Phát triển Xã hội (CSocD61) ngày 13/2/2023. (Ảnh: Trần Thanh Tuấn/TTXVN)
Từ ngày 6-15/2, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) diễn ra Phiên họp thường niên thứ 61 của Ủy ban Phát triển Xã hội (CSocD61) với chủ đề “Tạo việc làm đầy đủ, năng suất và bền vững cho mọi người nhằm khắc phục bất bình đẳng, đẩy nhanh phục hồi sau đại dịch COVID-19 và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững.”
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tham dự phiên họp có nhiều bộ trưởng, quan chức cao cấp phụ trách lao động và xã hội của nhiều quốc gia và đại diện nhiều tổ chức quốc tế liên quan.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến đánh giá kinh tế thế giới và thị trường lao động toàn cầu đang đứng trước những thách thức to lớn, trong đó có sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ công và thị trường lao động.
Trước tình hình đó, các nước cho rằng việc thúc đẩy việc làm bền vững là cần thiết để giảm thiểu bất bình đẳng, đói nghèo, góp phần thúc đẩy phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại phiên họp ngày 13/2, Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định Việt Nam ủng hộ chủ trương thúc đẩy việc làm bền vững cũng như phát triển nền kinh tế-xã hội và đoàn kết, coi đó là yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh việc hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Chia sẻ một số kinh nghiệm và kết quả phục hồi kinh tế-xã hội của Việt Nam, trong đó tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 đạt trên 8% và tỷ lệ thất nghiệp được hạn chế ở mức 2,3%, Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt người dân vào trung tâm của chính sách phát triển, chú trọng hỗ trợ các đối tượng yếm thế, đẩy mạnh đổi mới giáo dục đào tạo, tăng cường kỹ năng, khả năng tự học và thích ứng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.
Đại diện Việt Nam cũng nêu bật sự cần thiết điều chỉnh nội luật theo các tiêu chuẩn quốc tế về lao động để hội nhập nhanh hơn và đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để thúc đẩy quyền có việc làm bền vững của người lao động, coi đây là một trong những ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2023-2026.
Từ năm 1995, CSocD trở thành cơ quan then chốt của Liên hợp quốc phụ trách và theo dõi việc thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động của Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển xã hội Copenhagen 1995.
Từ năm 2006, CSocD bắt đầu chọn chủ đề cho các kỳ họp định kỳ vào tháng 2 hằng năm tại New York.
CSocD hiện có 46 thành viên, được bầu theo số lượng phân bổ cho từng khu vực với nhiệm kỳ 4 năm./.
Q.Hoa t.h / TTXVN