Trong quá khứ, mẹ cháu đã từng sống ở những vùng bị nhiễm chất dioxin ở Đức Phổ, Quảng Ngãi - một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến Việt Nam, nơi sư đoàn Americal liên tục tung ra những trận càn quét để kiểm soát đường nối từ Trường Sơn thông ra biển. Từ đó có thể suy đoán cháu là nạn nhân chất dioxin. Và dù là nạn nhân của chất gì đi chăng nữa thì cuộc sống của Tiến và gia đình trở nên rất khó khăn. Tiến không thể tự làm những công việc cho bản thân còn mẹ cháu cũng không thể chăm sóc cháu vì chị còn phải bươn chải kiếm sống từng bữa để nuôi hai chị em Tiến.
Sau khi Chương trình Mạng lưới hỗ trợ người khuyết tật (SN-PWD) do Quỹ Ford tài trợ được tổ chức Đông Tây hội ngộ (EMW) thực hiện ở huyện Đức Phổ từ năm 2007, Tiến và 149 người khuyết tật có cùng cảnh ngộ khác đã được đưa vào dự án phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Chương trình đã hỗ trợ cho người khuyết tật với những bài tập hàng ngày có hiệu quả dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên phục hồi chức năng huyện (chị Thy) và cán bộ y tế thôn là chị Nguyệt. Chị Nguyệt cùng các cán bộ y tế khác được tham gia khóa huấn luyện về vật lý trị liệu của dự án và sau đó cứ hai tháng một lần được giám sát và nhận sự hỗ trợ về chuyên môn của kỹ thuật viên vật lý trị liệu tại khoa Phục hồi chức năng của bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm. Qua quá trình luyện tập, cháu Tiến đã có những tiến bộ đáng khích lệ trong vận động cơ thể. Đến nay, Tiến đã có những tiến bộ rõ rệt. Nếu như trước kia Tiến chỉ di chuyển được một quãng ngắn và không thể tự làm gì thì nay cháu đã đi lại được và tự làm những việc phục vụ cá nhân mà không cần đến sự giúp đỡ của mẹ.
Đến nay khi đã 12 tuổi, sự thay đổi đáng ngạc nhiên do dự án đem lại đã cho phép Tiến có thể đi học và chơi đùa cùng các bạn đồng lứa. Mẹ của Tiến rất hạnh phúc và mong cháu luôn có sức khỏe tốt để có thể gia nhập đời sống cộng đồng cùng gia đình và bè bạn.
Cũng tại huyện Đức Phổ, chị Đông là một người con trong gia đình có 8 nhân khẩu đã được hỗ trợ tiến hành phẫu thuật chỉnh hình giúp chị từ chỗ đi lại rất khó khăn nay đã có thể tự đi lại dễ dàng. Sau đó, Chương trình SN-PWD lại tiếp tục hỗ trợ chị học nghề uốn tóc để có thể tự nuôi mình và đỡ đần cho gia đình. Xa hơn nữa, chị Đông còn nghĩ đến việc lập gia đình. Và đó thực sự là một sự thay đổi.
Chúng tôi có sứ mạng Thay đổi cuộc sống mà cụ thể hơn là cải thiện tình hình y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác cho những người có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam bằng cách xây dựng quan hệ đối tác, phát triển các cơ hội và đưa ra các giải pháp bền vững, Giám đốc quốc gia của EMW, chị Nguyễn Minh Châu nói. Trường hợp của cháu Tiến là một ví dụ cho việc thực hiện sứ mạng này. Với thành công ở Quảng Ngãi và Thái Bình, Đông Tây Hội Ngộ đã được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cơ quan Hỗ trợ Ai-len (IA) tài trợ mở rộng thực hiện Chương trình SN-PWD tại Đà Nẵng, trong đó có một phần tài trợ từ ngân sách do Quốc hội Mỹ phê duyệt dành cho khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin tại Việt Nam.
Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ (EMW) được thành lập bởi Lệ Lý Hayslip, người mà cuộc đời đã được miêu tả trong hai cuốn sách bà viết và bộ phim Trời và Đất (Heaven and Earth) của đạo diễn Oliver Stone. Năm 1988, Lệ Lý trở về quê tại làng Kỳ La ở Quảng Nam và bắt tay vào thực hiện ý tưởng xây dựng EMW như một ước mơ về quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam mà bà khao khát bấy lâu. Năm 2008, Đông Tây Hội Ngộ (EMW) đã kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của mình với kinh nghiệm và chuyên môn sâu về các chương trình phát triển cộng đồng và các dự án xây dựng cơ sở vật chất y tế và giáo dục cho Việt Nam. Hơn 300 trường học đã được xây dựng, trên 60.000 trẻ em được cấp dịch vụ nha khoa miễn phí, nước sạch đã đến trên 100 làng xã cùng nhiều cơ sở y tế hiện đại và quan trọng trên toàn quốc. Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị... những mảnh đất ở miền Trung Việt Nam đều mang dấu ấn EMW với những bệnh viện hiện đại, nhà tình thương, làng Hy vọng, hệ thống cấp nước nông thôn… Với cách tiếp cận từ dưới đi lên, các tổ chức phi chính phủ như EMW đang tạo ra những thay đổi không chỉ trong đời sống mà còn cả trong nhận thức của những người dân, những người đang đóng góp cho cả một xã hội đang đổi mới.
Nhật Đình