Sáng 9/4, tại Thái Nguyên, Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Lào phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Lào và Giao ban công tác Hội hữu nghị Việt Nam – Lào năm 2019.
Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết công tác năm 2018, trao đổi kế hoạch công tác của các cấp Hội hữu nghị Việt Nam – Lào trong thời gian tới, thảo luận đề xuất các biện pháp nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam – Lào.
Tham dự Hội nghị có, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Lào Trần Văn Tuý; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane và đại diện Hội Hữu nghị Việt - Lào của các tổ chức, tỉnh, thành phố trên toàn quốc...
Về phía tỉnh Thái Nguyên có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc.
Ông Trần Văn Tuý, Chủ Hội hữu nghị Việt – Lào phát biểu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Văn Tuý cho biết trong năm 2018, các cấp Hội hữu nghị Việt Nam – Lào đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân dưới những hình thức, nội dung phong phú. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Lào cho rằng những kết quả đó chưa tương xứng với mong muốn và mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào.
Nhân dịp này, ông Trần Văn Tuý hy vọng các đại biểu tham dự Hội nghị quan tâm, thảo luận, đề xuất những sáng kiến để tạo điều kiện Hội hoạt động có hiệu quả.
6 hoạt động trọng tâm năm 2019
Theo báo cáo tại Hội nghị, Trung ương Hội hữu nghị Việt – Lào xác định 6 hoạt động trọng tâm trong năm 2019: Tổ chức các hoạt động có tính chất thường niên nhân dịp Tết Bunpimay và Quốc khánh Lào; tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào (30/10/1949); Tổ chức đoàn những người từng gắn bó, trực tiếp phục vụ Chủ tịch Xuphanuvông sang Lào tham dự hoạt động “Gặp gỡ trên quê hương Chủ tịch Xuphanuvông” do Hội Hữu nghị Lào – Việt Nam tổ chức tháng 7/2019; Đẩy mạnh và nhân rộng chương trình đưa sinh viên Lào về ở nhà dân (homestay), các hoạt động đỡ đầu, giao lưu cho sinh viên Lào đang học tập tại các địa phương; Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi sinh viên Lào hùng biện tiếng Việt toàn quốc tại tỉnh Thái Nguyên; Thực hiện trao đổi đoàn giữa Hội hữu nghị hai nước.
Quan tâm giáo dục về truyền thống tình hữu nghị hai nước
Chia sẻ tại Hội nghị, Chủ tịch hội hữu nghị Việt – Lào tỉnh Đăk-Lăk Hoàng Chuyên nhất trí với những định hướng hoạt động của Hội hữu nghị Việt – Lào trung ương trong thời gian tới. Đặc biệt, ông Hoàng Chuyên cho rằng, giáo dục thế hệ trẻ về tình hữu nghị Việt – Lào là nhiệm vụ rất quan trọng.
Về phía Hội hữu nghị Việt - Lào tỉnh Đăk Lăk, trong năm 2018, Hội đã tổ chức lễ kết nghĩa mối quan hệ ngoại giao với tỉnh Sekong (Lào) nhằm trao đổi thông tin, công tác hội hữu nghị và giao lưu văn hóa giữa 2 tỉnh; Thu hút học sinh sinh viên Lào tại tỉnh Đăk Lăk tham gia các hoạt động giao lưu giữa hai bên.
Ngoài ra, Hội hữu nghị Việt – Lào tỉnh Đăk Lăk cũng cam kết trong năm học 2019-2020 sẽ bắt đầu đào tạo giáo dục cho học sinh sinh viên của tỉnh Xekong, đặc biệt là con em gia đình chính sách và các hộ nghèo sẽ được sang học tại trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Tây Nguyên, góp phần ươm mầm hữu nghị tình kết nghĩa dân tộc của 2 tỉnh nói riêng và của Việt Nam – Lào nói chung.
Đồng quan điểm với ông Hoàng Chuyên, Phó Hiệu trưởng Trường Hữu nghị T78 Lê Phú Thắng cho rằng Hội hữu nghị Việt – Lào cần chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống về ý nghĩa quan hệ hữu nghị đặc biệt toàn diện Việt Nam – Lào.
Trường Hữu nghị T78 đã có sáng kiến "Đưa Lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân" (homestay). Trường đã triển khai chương trình trong 5 năm liền với khoảng gần 400 lượt lưu học sinh tham gia chương trình.
Nhà trường nhận thấy, chương trình có ý nghĩa lớn trong việc vun đắp và gìn giữ tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào. Sự “hòa nhập có tính chất toàn diện” của lưu học sinh Lào vào cuộc sống, lao động, sản xuất của người dân; sự tương tác, hiểu biết về văn hóa lẫn nhau đã góp phần củng cố và vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào ngày càng bền chặt. Lưu học sinh Lào cũng như nhân dân địa phương ngày càng trân trọng và mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn nữa giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Lào. Tình hữu nghị Việt Nam Lào gắn bó sâu sắc, bền chặt từ những tình cảm thân thương mà giản dị đó.
Trẻ hoá đội ngũ Ban Chấp hành Hội
Thay mặt Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà các cấp Hội hữu nghị Việt Nam – Lào đã giành được trong năm qua.
Nhất trí với các định hướng đã được nêu trong báo cáo và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị về định hướng hoạt động của các cấp Hội hữu nghị Việt Nam – Lào trong thời gian tới, bà Nga cho rằng có hai nhiệm vụ mà Hội cần chú trọng. Trong đó, hội cần tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa giáo dục truyền thống quan hệ Việt Nam – Lào kết hợp với các sự kiện kỷ niệm trọng đại giữa hai nước. Đặc biệt trong năm nay có sự kiện kỷ niệm 70 năm quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào.
“Việc giáo dục truyền thống là hết sức cần thiết. Hiện nay chúng ta có rất nhiều hình thức để giáo dục truyền thống nhưng để thế hệ trẻ thấm sâu, để toàn bộ các đối tượng, cơ quan trong hệ thống chính trị tham gia tích cực thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm”, bà Nga nói.
Thứ hai, để chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ tới, Hội cần củng cố, mở rộng các tổ chức Hội; Phát huy tổ chức bộ máy trong thời gian tới để vừa mạnh, vừa có tính phát triển về lâu dài. Bà Nga nhấn mạnh, thế mạnh của Hội hữu nghị Việt – Lào là có đội ngũ cán bộ nhiệt tình, tâm huyết. Tuy nhiên, Hội cần tiếp tục mạnh dạn đổi mới, sáng tạo trên cơ sở thu hút thêm nhiều nhân lực trẻ để trẻ hoá Ban Chấp hành Hội.
Bà Nga cho rằng, với sự tâm huyết và kiến thức uyên bác của thế hệ đi trước cùng sức trẻ, sức sáng tạo của những thế hệ kế cận sẽ tạo nên động lực mới để các hoạt động của Hội hữu nghị Việt – Lào ngày càng hấp dẫn, góp phần xây dựng tình hữu nghị Việt – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Về phía Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, bà Nga nhấn mạnh, Liên hiệp luôn coi Hội hữu nghị Việt – Lào là lực lượng chủ chốt, nòng cốt của hệ thống Liên hiệp. Vì vậy, Liên hiệp sẽ dành những ưu tiên cao nhất cho việc triển khai hoạt động của Trung ương Hội và các tỉnh/thành Hội.
Tổng kết Hội nghị, ông Trần Văn Tuý bày tỏ cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu và sự chỉ đạo sát sao, tận tình của lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Ông cho biết sẽ tổng hợp những ý kiến tại hội nghị để làm báo cáo kết luận và gửi đến các Hội thành viên cùng thảo luận, đóng góp bổ sung ý kiến. Từ đó, sẽ lựa chọn những hình thức hoạt động phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác Hội.
Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Nhân dịp này, Trung ương Hội hữu nghị Việt – Lào đã nhất trí bầu bổ sung 2 Phó Chủ tịch Hội, 6 uỷ viên Ban thường vụ, 7 uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội nhằm đáp ứng yêu cầu công tác Hội.
Thuỳ Linh – Minh Anh