Phóng viên (PV): Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là một tổ chức chính trị – xã hội chuyên trách về công tác đối ngoại nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nghị viện và các tổ chức nhân dân, vậy ông có thể chia sẻ những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua?
|
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị |
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã vận động được số lượng lớn viện trợ phi chính phủ nước ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong các năm từ 2008 đến hết 2012, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai trên 15.000 chương trình, dự án và khoản viện trợ với tổng giá trị viện trợ đạt trên 1,4 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: Xóa đói, giảm nghèo và phát triển cộng đồng bền vững, y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ môi trường, viện trợ khẩn cấp... Liên hiệp thực hiện tốt chức năng là đầu mối quan hệ và vận động viện trợ, là cơ quan thường trực Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cùng các cơ quan liên quan đảm bảo yêu cầu hướng dẫn quản lý hoạt động phi chính phủ nước ngoài phù hợp pháp luật Việt Nam.
Các tổ chức thành viên Liên hiệp đã đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy hợp tác nhân dân trên các lĩnh vực: Kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ giữa Việt Nam và các nước; tích cực tham gia vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc; tăng cường xã hội hóa, nâng cao tính quần chúng nhân dân trong các hoạt động đối ngoại; xã hội hóa các nguồn lực cho các hoạt động, góp phần vào việc mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Liên hiệp đã phát huy vai trò nòng cốt để chủ động phối hợp với các tổ chức nhân dân, các bộ, ban, ngành liên quan trong các hoạt động đối ngoại lớn, quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động và duy trì sự thống nhất của các tổ chức nhân dân Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại nhân dân.
Công tác nghiên cứu, thông tin đối ngoại có nhiều khởi sắc, tận dụng lợi thế của đối ngoại nhân dân để tuyên truyền tới bạn bè. Các sản phẩm thông tin đối ngoại được đánh giá tốt.
Tổ chức, bộ máy hệ thống của Liên hiệp được củng cố, cán bộ được trưởng thành. Tổng số tổ chức thành viên của Liên hiệp hiện nay là 107 (tăng 20 tổ chức thành viên so với trước Đại hội IV), trong đó có 63 tổ chức thành viên ở Trung ương (tăng 9 tổ chức so với nhiệm kỳ trước) và 44 tổ chức thành viên ở địa phương (tăng 11 tổ chức so với nhiệm kỳ trước). Cán bộ cơ quan thường trực được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ. Liên hiệp đã tổ chức 22 cuộc tập huấn (cấp trung ương, khu vực và tỉnh, thành) về công tác đối ngoại nhân dân và 60 cuộc tập huấn về công tác phi chính phủ nước ngoài.
Những kết quả mà Liên hiệp đạt được trong nhiệm kỳ qua là do những thành tựu của sự nghiệp đổi mới và đường lối, chính sách đối ngoại do Đảng lãnh đạo; sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư, đặc biệt là thông qua những quan điểm chỉ đạo được thể hiện trong Chỉ thị 28 CT/TW; sự hướng dẫn, phối hợp, giúp đỡ của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành, của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp, sự phối hợp, giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, tính chủ động, sáng tạo của cơ quan thường trực và sự tham gia tình nguyện đóng góp nhiệt tình của quần chúng nhân dân mọi miền đất nước và nỗ lực khắc phục khó khăn, của tập thể lãnh đạo, Ban Thường vụ, Đoàn Chủ tịch và các tổ chức thành viên.
PV: Ông đánh giá thế nào về các hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 28 – CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân?
Chủ tịch Vũ Xuân Hồng: Trong 5 năm qua, Liên hiệp và các tổ chức thành viên trong toàn hệ thống đã quán triệt sâu sắc và đề ra chương trình hành động để thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 02/12/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Nhiều bộ, ban, ngành ở trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện Chỉ thị.
Về cơ bản, các bộ, ban, ngành Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã nhận thức đầy đủ hơn về vai trò và vị trí của Liên hiệp trong công tác đối ngoại nhân dân; đã có sự chỉ đạo, thể chế hóa chủ trương của Đảng về Liên hiệp thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, củng cố bộ máy, nhân sự chuyên trách và tạo điều kiện thuận lợi hơn về cơ sở vật chất cho công tác đối ngoại nhân dân.
Việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 41/2013/QĐ -TTg ngày 15/7/2013 về một số chế độ, chính sách đối với Liên hiệp trung ương và địa phương là cơ sở pháp lý quan trọng để thể chế hóa về mặt Nhà nước Chỉ thị 28-CT/TW, tháo gỡ căn bản được các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách, điều kiện làm việc của cán bộ chuyên trách trong toàn bộ hệ thống của Liên hiệp.
Kết quả hoạt động của Liên hiệp trên các mặt công tác theo những nhiệm vụ mà Chỉ thị 28 -CT/TW đề ra đều có những bước phát triển đáng kể và vững chắc. Liên hiệp đã chú trọng mở rộng quan hệ và hoạt động đối ngoại nhân dân không chỉ tập trung hoặc thông qua các tổ chức, cơ quan Trung ương mà còn trực tiếp đến các địa phương và cơ sở; hỗ trợ hiệu quả cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước; góp phần tranh thủ được sự ủng hộ về tinh thần, vật chất của bạn bè quốc tế và nhiều nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong 5 năm qua, trên cơ sở đảm bảo thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên đã được triển khai hiệu quả và đổi mới đạt nhiều thành quả quan trọng theo các hướng chính sau đây: Toàn bộ hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đi đúng đường lối, chủ trương của Đảng; Chú trọng nội dung chính trị và hiệu quả thiết thực, đa dạng hoá hình thức hoạt động, góp phần làm cho bạn bè và các đối tác hiểu đúng về tình hình Việt Nam, về mục tiêu và bản chất của chế độ, về chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước ta và về nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, thông qua đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức và cá nhân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam; Đẩy mạnh đối thoại, chủ động vận động, đấu tranh dư luận trên các vấn đề nhạy cảm nhằm bảo vệ hình ảnh và lợi ích của Việt Nam trên trường quốc tế; Vận động được một số lượng lớn viện trợ phi chính phủ nước ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần tích cực vào giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững ở Việt Nam; Tham gia quản lý hiệu quả hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam và đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài; Đẩy mạnh các hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực: Kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ giữa Việt Nam và các nước; Tích cực tham gia vận động người Việt Nam ở nước ngoài, vận động nhân dân thế giới hỗ trợ ta khắc phục hậu quả chiến tranh, xoá đói giảm nghèo, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam; Tăng cường xã hội hóa, nâng cao tính quần chúng nhân dân trong các hoạt động đối ngoại, thu hút được sự tham gia, đóng góp tình nguyện của nhiều tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, góp phần vào việc mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước; Phát huy vai trò nòng cốt và chủ động phối hợp với các tổ chức nhân dân, các bộ, ban, ngành liên quan trong các hoạt động đối ngoại lớn, quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động và duy trì sự thống nhất của các tổ chức nhân dân Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại nhân dân; Tổ chức, bộ máy trong hệ thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam được củng cố; lực lượng được tăng cường và trưởng thành; cán bộ từng bước được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn.
PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt được sau 5 năm triển khai Chỉ thị 28 – CT/TW, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam còn gặp phải những khó khăn, hạn chế gì, thưa ông?
Chủ tịch Vũ Xuân Hồng: Trong nhiệm kỳ vừa qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được như đã trình bày ở trên, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế như:
Việc thực hiện Kết luận của Ban Bí thư tại Thông báo số 203/TB-TW “giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về một số văn bản liên quan đến cơ chế và chính sách đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và một số tổ chức khác...” chưa đạt được kết quả rõ rệt.
Việc thể thế hóa Chỉ thị 28/CT-TW về mặt Nhà nước còn chậm và nhiều bất cập. Đến nay, những chế độ, chính sách đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và đội ngũ cán bộ chuyên trách vẫn chưa được cải thiện.
Về kinh phí, mặc dù được sự quan tâm tạo điều kiện hơn của Bộ Tài chính và Văn phòng Trung ương nhưng tổng số kinh phí được cấp hàng năm vẫn còn hạn chế.
Việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị ở cấp tỉnh, thành còn chậm. Ở nhiều nơi, biện pháp triển khai còn mang tính hình thức.
Mặc dù đã từng bước được nâng cao về chất lượng, song đội ngũ cán bộ chuyên trách của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam còn thiếu và không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
|
Hội nghị Quốc tế lần thứ 3 về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức |
Một số tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam khi triển khai Chỉ thị số 28-CT/TW còn thụ động; hình thức và nội dung hoạt động còn cứng nhắc, phương thức thực hiện chậm đổi mới, chưa đột phá. Một số hội hữu nghị ở trung ương do điều kiện khách quan không hoạt động trong thời gian dài nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Khả năng triển khai công tác đối ngoại của một số tổ chức thành viên ở trung ương và địa phương không đồng đều.
Một số mảng công tác của Liên hiệp như: Công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược về các vấn đề đối ngoại nhân dân; công tác hướng dẫn, kiểm tra của Liên hiệp đối với các tổ chức thành viên còn hạn chế.
Tóm lại, đối với những hạn chế, nguyên nhân chủ quan là do Liên hiệp chưa tận dụng được hết cơ hội để phát huy được tối đa thế mạnh của đối ngoại nhân dân. Nguyên nhân khách quan là do lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thiếu sự phối hợp thống nhất. Một số bất cập về chế độ, chính sách và sự tác động của nền kinh tế thị trường tạo nên những thách thức lớn trong việc thu hút những cán bộ có năng lực, tâm huyết cống hiến và gắn bó với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
PV: Trong bối cảnh thế giới và khu vực có những diễn biến mới, vai trò đối ngoại nhân dân trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Chủ tịch Vũ Xuân Hồng: Trong thời gian tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng sẽ có nhiều diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp tài nguyên, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố dưới nhiều hình thức vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn, xu thế dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển nhưng các nước lớn vẫn sẽ chi phối các quan hệ quốc tế. Khủng hoảng kinh tế thế giới mặc dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, bất ổn. Những vấn đề toàn cầu như: An ninh tài chính, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Các vấn đề về an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết và quan trọng, buộc các nước tăng cường đầu tư cho an ninh nội địa và đẩy mạnh hợp tác giải quyết. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trên thế giới về chính trị, tư tưởng, vì dân sinh, dân chủ tiến bộ xã hội ngày càng quyết liệt hơn. Tình hình khu vực đặt ra những thách thức mới về an ninh, chủ quyền đất nước.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu lại nền kinh tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại. Về đối ngoại, ta tiếp tục chú trọng thúc đẩy quan hệ có chiều sâu với các nước láng giềng và trong khu vực, củng cố quan hệ với bạn bè truyền thống, duy trì đà quan hệ tích cực với các nước đối tác chiến lược, đối tác hợp tác toàn diện, tạo bước phát triển mới trong quan hệ với các đối tác lớn.
Trong thời kỳ đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới, hoạt động và quan hệ đối ngoại nhân dân ngày càng mở rộng ở tất cả các cấp, các lĩnh vực với các hình thức đa dạng, kết nối ngày càng trực tiếp với quốc tế. Công tác đối ngoại nhân dân càng có vị trí, vai trò quan trọng trong việc tham gia thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại chung, góp phần vào việc tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố hình ảnh, vị thế quốc tế của Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh đó, nhiệm kỳ 2013 – 2018 sắp tới, Liên hiệp và các tổ chức thành viên tiếp tục quán triệt toàn diện, sâu sắc nội dung Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội nhập quốc tế, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 28-CT/TW. Với khẩu hiệu “Hòa bình, hữu nghị, hợp tác và hội nhập”, Liên hiệp và các tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân trong thời gian tới.
PV: Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài do Ủy ban Công tác về tổ chức phi chính phủ nước ngoài tổ chức diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua đã điểm lại những thành quả hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ trong giai đoạn 2003 – 2013. Vậy ông đánh giá thế nào về vai trò của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đối với phát triển kinh tế cũng như xã hội ở Việt Nam thời gian qua?
Chủ tịch Vũ Xuân Hồng: Trong những năm qua, cùng với chính sách đổi mới của nước ta, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã vào Việt Nam với số lượng và giá trị viện trợ ngày càng tăng và đã có đóng góp có ý nghĩa cho xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối trong vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã có nhiều đóng góp tích cực quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức, địa phương của Việt Nam với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.
Vì thế, trong hơn 10 năm qua, số lượng các tổ chức có quan hệ với Việt Nam đã tăng gần gấp đôi, từ 540 tổ chức vào năm 2003 lên trên 900 tổ chức vào năm 2013. Trong đó, 40% là các tổ chức Bắc Mỹ, khoảng 42% là các tổ chức châu Âu (chủ yếu là Tây Âu) và khoảng 18% là các tổ chức châu Á – Thái Bình Dương và quốc tế. Trong tổng số 900 tổ chức nói trên, gần 700 tổ chức có hoạt động thường xuyên, có dự án và có đối tác cụ thể, có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.
Quan hệ đối tác giữa phía Việt Nam với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được triển khai và mở rộng, từ cấp cơ sở và mang tính vi mô (các dự án được triển khai ở cấp địa phương, cộng đồng, giải quyết các vấn đề cụ thể và trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu và cứu trợ khẩn cấp), đến cấp trung ương và mang tính chính sách vĩ mô (như :các dự án hỗ trợ xây dựng chính sách, xây dựng luật, nghiên cứu chính sách...).
Viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong 10 năm qua được đánh giá là đã góp phần thiết thực cho công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển bền vững, phù hợp với các ưu tiên, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Theo thống kê của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam từ năm 2003 đến năm 2013, mỗi năm, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã tài trợ cho trên 2.000 dự án và khoản viện trợ lớn nhỏ với tổng giá trị giải ngân đạt mức trên 2,4 tỷ USD.
Hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ở hầu hết các bộ, ban ngành, tổ chức nhân dân. Tuy còn ở mức độ khác nhau, nhưng tất cả các tỉnh, thành phố và các bộ, ban ngành, tổ chức nhân dân, các tổ chức hội Trung ương đều đã có quan hệ viện trợ với các tổ chức phi chính phủ. Những năm gần đây, một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Khánh Hòa, Thái Nguyên… tiếp nhận được từ 10 đến trên 35 triệu USD/năm từ nguồn viện trợ phi chính phủ. Viện trợ phi chính phủ thông qua một số Bộ, ngành tổ chức nhân dân như: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ… cũng khá cao, từ 5 triệu đến trên 20 triệu USD/năm.
Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ cũng chú trọng nhiều tới công tác đào tạo nâng cao năng lực và phát triển tổ chức. Thông qua hợp tác trong việc triển khai các chương trình dự án, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã góp phần tăng cường năng lực các cơ quan đối tác và người dân vùng dự án. Bên cạnh các dự án trực tiếp trong lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, xây dựng năng lực..., các hoạt động đào tạo, tập huấn được lồng ghép vào các dự án do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng giới thiệu và ứng dụng các phương pháp tiếp cận có hiệu quả trong phát triển bền vững và xoá đói giảm nghèo, bằng những dự án thiết thực và mô hình phù hợp với các lĩnh vực và cộng đồng dân cư ở các vùng khác nhau, lồng ghép với các chương trình về xây dựng năng lực (như: tín dụng, phát triển nông thôn và cộng đồng, khuyến nông, khuyến lâm...). Đặc biệt, với nội dung và phương pháp hướng vào cộng đồng, các dự án này đã trực tiếp giúp đỡ người dân, nhất là những người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa tăng cường kiến thức, khả năng tự quản lý, biết cách làm ăn trong nền kinh tế thị trường, nâng cao mức thu nhập của bản thân và cải thiện điều kiện sống của gia đình.
Bệnh viện bay ORBIS phẫu thuật mắt miễn phí cho các bệnh nhân nghèo Việt Nam (Ảnh: ORBIS cung cấp) |
Trong giai đoạn 10 năm vừa qua, nhiều phương pháp, mô hình tốt cũng đã được các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đưa vào Việt Nam và được các ngành, địa phương và tổ chức quốc tế, phi chính phủ nước ngoài nghiên cứu và nhân rộng (mô hình tín dụng nhỏ, tự quản, quản lý y tế cộng đồng...). Phương pháp đánh giá nhu cầu, đánh giá dự án và những tác động với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng và người dân đã có những tác động tích cực, đặc biệt là nâng cao nhận thức và năng lực của địa phương và người dân trong việc lập kế hoạch và thực hiện một số chương trình, dự án phát triển tại nông thôn. Mô hình phòng chống suy dinh dưỡng của một số đã tổ chức phi chính phủ nước ngoài được các tổ chức quốc tế nghiên cứu và sử dụng tại nhiều tỉnh của Việt Nam; mô hình phòng chống sốt xuất huyết tại Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới nhân rộng tại một số nước châu Á; mô hình truyền thông và giáo dục đồng đẳng về phòng chống HIV/AIDS được đánh giá là khá hiệu quả ...
Về mặt chính trị đối ngoại, thông qua hoạt động, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài góp phần tăng cường hiểu biết và mở rộng quan hệ hữu nghị của nhân dân và đối tác các nước với Việt Nam. Bằng cách thông tin cho công chúng và các nhà tài trợ về tình hình vùng dự án và những kết quả của dự án, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã vừa tăng cường tranh thủ nguồn viện trợ, vừa góp phần nâng cao sự hiểu biết của chính giới, công chúng và đối tác các nước về Việt Nam, củng cố tình hữu nghị giữa Việt Nam với nhân dân các nước đó và với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng tích cực đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, không đúng sự thật, áp đặt chống Việt Nam về các vấn đề như: Dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy thương mại công bằng cho Việt Nam như: Phản đối các chính sách của Mỹ và Châu Âu, chống bán phá giá áp vào hàng hóa, nông sản của Việt Nam…
Tóm lại, hoạt động viện trợ và hợp tác của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong mười năm qua, tuy còn có một số vấn đề cần quan tâm, song về cơ bản đã góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là chương trình xoá đói, giảm nghèo.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Khánh Lan