Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam trong 5 năm qua?
Ông Vũ Xuân Hồng: Đại hội lần thứ IV của Liên hiệp đã quyết định đổi mới hoạt động của Liên hiệp theo phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”. Năm năm qua, Liên hiệp quán triệt sâu sắc phương châm này trong việc mở rộng, đa dạng hóa quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước.
Trong nhiệm kỳ qua, Liên hiệp đã cử 214 đoàn với 1.173 lượt người đi công tác tại các quốc gia và vùng lãnh thổ; đã đón 241 đoàn với 2.753 lượt người đến từ nhiều nước trên thế giới. Tổ chức khoảng 3.000 hoạt động đối ngoại tại chỗ và các cuộc tiếp xúc, làm việc với các đối tác quốc tế. Hiện nay, Liên hiệp đã thiết lập quan hệ đối tác với hơn 1.000 tổ chức quốc gia, khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, quan hệ hữu nghị, hợp tác nhân dân với các nước láng giềng tiếp tục được củng cố và phát triển có chiều sâu, đặc biệt giữa nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Với Trung Quốc, Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã chủ động triển khai hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân với sự tham gia của đông đảo nhân dân 2 nước. Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2013-2017 giữa Liên hiệp và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc đã được kí kết chính thức.
Quan hệ nhân dân với các nước trong khu vực ASEAN được tiếp tục thúc đẩy, góp phần thực hiện vai trò chủ thể tích cực của các tổ chức nhân dân trong việc tham gia xây dựng cộng đồng ASEAN hướng về nhân dân.
Không những thế, Liên hiệp và các tổ chức thành viên cũng đã thiết lập được quan hệ đa dạng và triển khai nhiều hoạt động hữu nghị và hợp tác với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước khác trong khu vực Á-Phi.
Với khu vực châu Âu, Liên hiệp triển khai các hình thức hoạt động đa dạng như: Đón tiếp, tổ chức giao lưu với nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao của Nga và một số nước thuộc khu vực Đông Âu, Tây Âu nhân các chuyến thăm chính thức Việt Nam, tổ chức các hoạt động nhân năm hữu nghị, các hoạt động trao đổi đoàn, hội thảo, tọa đàm, vận động viện trợ… Các hoạt động này đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong việc trao đổi thông tin hai chiều, phát huy vai trò cầu nối của Liên hiệp trong thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục…
Với khu vực châu Mỹ, Liên hiệp duy trì và mở rộng quan hệ với chính khách trong Quốc hội, chính quyền Mỹ và Canada, các tổ chức cánh tả, tiến bộ, các tổ chức cựu chiến binh, các tổ chức phi chính phủ; vận động các đối tác thúc đẩy hợp tác để giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam cũng như tăng cường hiểu biết, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhân dân giữa Việt Nam với các nước.
Trong công tác đa phương, Liên hiệp đã triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả cao, mở rộng hợp tác với các tổ chức cánh tả, tiến bộ, các mạng lưới và phong trào nhân dân, khôi phục và duy trì quan hệ với các tổ chức bạn bè truyền thống, phối hợp và hỗ trợ kênh ngoại giao Nhà nước trong một số thiết chế hợp tác đa phương quan trọng.
Đặc biệt, thông qua các cuộc tiếp xúc, hội thảo, Liên hiệp tích cực, chủ động tham gia vận động, đấu tranh dư luận có hiệu quả trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, vấn đề chất độc da cam, chủ quyền biển đảo, quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Việc đón tiếp các đối tác đến từ nhiều nước trên thế giới đã góp phần tăng cường sự hiểu biết và thiện cảm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.
Việc kêu gọi các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) hợp tác, giúp đỡ Việt Nam cải thiện cuộc sống người dân đã được Liên hiệp thực hiện như thế nào?
Ông Vũ Xuân Hồng: Công tác vận động viện trợ PCPNN được tích cực triển khai toàn diện ở Trung ương và các địa phương trên cơ sở thực hiện chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ PCPNN, chương trình vận động của các địa phương và bộ, ngành.
Trong bối cảnh nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN bị tác động không nhỏ bởi khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu nhưng số tổ chức mới vào Việt Nam và giá trị viện trợ PCPNN không ngừng tăng.
Trong giai đoạn 2008-2012, có 192 tổ chức mới đã vào Việt Nam, tổng giá trị viện trợ PCPNN giải ngân đạt 1 tỷ 403 triệu USD thông qua 14.208 chương trình, dự án ở tất cả 63 tỉnh/thành phố.
Viện trợ PCPNN tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: Phát triển kinh tế và giảm nghèo, y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Để thúc đẩy hoạt động ngoại giao nhân dân ngày càng đa dạng, hiệu quả trong nhiệm kỳ tới, Liên hiệp sẽ tập trung vào những giải pháp gì?
Ông Vũ Xuân Hồng: Để tiếp tục cụ thể hóa đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong nhiệm kỳ tới, Liên hiệp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động theo phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, nhằm huy động tinh thần đoàn kết quốc tế phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác ủng hộ Việt Nam.
Đồng thời đấu tranh hiệu quả trên các lĩnh vực nhạy cảm như dân chủ, tôn giáo, nhân quyền, chủ quyền biển đảo… Tiếp tục củng cố, mở rộng, phát triển theo chiều sâu mạng lưới bạn bè và đối tác quốc tế, tích cực tham gia các thiết chế đa phương quan trọng.
Liên hiệp sẽ chú trọng cải tiến phương thức tổ chức và nội dung nhằm nâng cao hiệu quả thiết thực của các hoạt động đối ngoại; chú trọng nâng cao hiệu quả chính trị và đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục…
Tăng cường kết hợp hoạt động hữu nghị với vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài và vận động tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức thành viên và lợi thế linh hoạt của đối ngoại nhân dân trong quan hệ và hoạt động đối ngoại; củng cố và phát triển tổ chức Liên hiệp vững mạnh; tăng cường huy động các nguồn lực trong xã hội để đẩy mạnh các hoạt động của Liên hiệp.
Xin cảm ơn ông!