Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Vinh dự khi nhận được phần thưởng cao quý, bà Jeanne Mirer đã có bài phát biểu dành nhiều tình cảm cho Việt Nam. Vufo.org.vn xin đăng tải nguyên văn phát biểu của Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế.
“Tôi thật sự rất hân hạnh và biết ơn khi nhận được sự công nhận từ Chính phủ Việt Nam. Tôi cũng vô cùng hạnh phúc khi được trở lại Hà Nội và hội ngộ rất nhiều bạn bè đã cùng làm việc vì đề hoà bình và công lý trên thế giới. Tôi đặc biệt vinh dự khi có cơ hội cống hiến để cải thiện điều kiện sống của những nạn nhân chất độc da cam và thúc đẩy hoà bình ở khu vực Biển Đông.
Trong trái tim và tâm trí tôi luôn có người dân Việt Nam, những con người ấy thật sự tạo cảm hứng cho tôi. Lý do chính khiến tôi trở thành một luật sư trong điều kiện chiến tranh Việt Nam đang leo thang là để vận dụng kỹ năng pháp lý, thay mặt cho những người khao khát công lý và hoà bình.
Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Từ thời điểm chiến tranh leo thang của Mỹ tại Việt Nam cho đến khi giành được độc lập năm 1975, tôi đã hoạt động tích cực trong các phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ. Tôi đã thành lập một nhóm Sinh viên vì Hoà bình tại trường đại học. Chuyên ngành của tôi là lịch sử, và tôi đã nghiên cứu căn nguyên khơi mào chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, thông qua Khoá luận tốt nghiệp với chủ đề lịch sử chiến tranh ở Philippines - phát triển từ cuộc chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ. Khóa luận của tôi đã mô tả cách thức trực tiếp để biến cuộc chiến tranh ở Philipines thành chính sách đối ngoại quân sự hoá của Hoa Kỳ, cuối cùng dẫn đến nỗ lực quân sự của Mỹ đàn áp khát vọng hoà bình độc lập của dân tộc Việt Nam.
Tôi tiếp tục các hoạt động phản chiến khi ở trường luật tại Đại học Boston. Tôi bắt đầu học tại trường vào mùa thu năm 1968. Và tôi đã gặp người bạn đời của mình, Frank Mirer, ở cuộc phản chiến vào năm ấy. Chúng tôi cưới nhau mới kỷ niệm 48 năm vào hôm qua 12/9/2019.
Tại trường luật, tôi trở thành một thành viên của Hiệp hội Luật sư quốc gia tại Mỹ (NLG), thành viên của Hội Luật gia dân chủ thế giới (IADL). Thông qua NLG, tôi đã hoạt động tích cực cho IADL. Sau Hội nghị của IADL ở Capetown Nam Phi năm 1996, tôi được bầu vào cơ quan của IADL. Tháng 10 năm 2001, tôi tham gia một cuộc họp của Hội nghị Luật gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương (COLAP) ở Hà Nội, nơi rất nhiều người phát biểu thể hiện sự quan ngại về các vấn đề sức khoẻ của nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Giáo sư Lưu Văn Đạt, Hội Luật gia Việt Nam đã yêu cầu tôi xem xét khả năng gửi đơn kiện đến Hoa Kỳ để đòi bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.
Tôi rất vui khi được đảm nhận trọng trách này, và làm việc để hỗ trợ những người dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu cho tự do dân tộc, đồng thời đang phải chịu đựng hậu quả của một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Yêu cầu này là khởi đầu cho một thập kỷ làm việc của nhóm luật sư để cố gắng đòi bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam. Mặc dù chúng tôi đã không thành công ở Toà án Hoa Kỳ, vụ kiện vẫn đã hướng dư luận quốc tế nhìn nhận hậu quả của chất độc màu da cam tại Việt Nam và những hệ luỵ nó gây ra cho những nạn nhân Việt Nam.
Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Năm 2009, IDAL tổ chức một Toà án Lương tâm Nhân dân quốc tế vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam tại Paris. Tôi đã làm việc với tư cách bên nguyên cho Toà án và củng cố chứng cứ cũng như kết luận cho phán quyết cuối cùng, được công khai trên website của IADL. Sự chú ý từ vụ kiện và Toà án đã giúp mọi người thấy được sự cần thiết phải có một sự hoà giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam (VAVA) ở Việt Nam, và hỗ trợ Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAORRC) ở Mỹ. Tôi đã tiếp tục làm việc với VAORRC và VAVA để cho công chúng thấy hết được sự khó khăn mà những nạn nhân Việt Nam gặp phải, cũng như đã làm việc với Quốc hội Mỹ để có các quy định luật pháp nhằm hỗ trợ các nạn nhân. Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc và tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cho đến thời khắc chiến thắng.
Làm việc ở IADL đã đem đến cho tôi cơ hội được cộng tác gần gũi với nhiều người bạn ở Hội Luật gia Việt Nam trên các vấn đề quan trọng. Tôi rất vinh dự và may mắn được tiến cử trở thành chủ tịch của IADL tại Hội nghị của IADL ở Hà Nội năm 2009. Thông qua công tác tại IADL, tôi đã hiểu sâu sắc hơn về các vấn đề căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông và nghiên cứu nhiều khía cạnh của Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS). IADL đã hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hoà bình giải quyết các căng thẳng trên biển Đông. Trong 2 năm qua, IADL đã hỗ trợ tới 2 hội nghị quốc tế do nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề. Tôi biết rằng tôi và IADL sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề về hợp tác với những người bạn Việt Nam của tôi.
Kết thúc bài phát biểu, tôi cảm ơn vinh dự các bạn đã trao cho tôi hôm nay và khẳng định tôi sẽ tiếp tục kết nối mọi người trong cộng đồng quốc tế thông qua IADL để cống hiến cho sự nghiệp hoạt động vì hoà bình và công lý”.
Khánh Trinh