Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023).
Chương trình giao lưu văn hóa thơ Haiku và sáo Shakuhachi Nhật Bản là dịp để khán giả thưởng thức các loại hình văn học - nghệ thuật Nhật Bản đến từ các nghệ sĩ gạo cội. Ở phần giao lưu thơ haiku Nhật - Việt, nổi bật nhất là tập thơ haiku Fukko no kizuna viết về những chứng kiến và cảm nhận sau trận thiên tai lịch sử tại Nhật Bản vào năm 2011 của nhà thơ haiku Goto Shoson.
Các bài thơ Haiku, qua giọng đọc của ông Chinao Teramoto – chuyên gia nghiên cứu giáo dục, thành viên của Hội Hữu nghị Fukushima – Việt Nam, như tái hiện lại bối cảnh thảm họa và tinh thần phục hưng đáng nể với sự kết nối từ cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Ban tổ chức cũng đã chiếu phim tư liệu ghi lại thảm họa động đất và sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản cách đây đúng 12 năm (ngày 11/3/2011), qua đó để cho người dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ cảm nhận sự tàn phá dữ dội bởi thiên tai, để càng trân trọng hơn những ngày tháng yên bình, có thêm động lực học tập và xây dựng đất nước…
Trình diễn sáo Shakuhachi Nhật Bản. |
Trong chương trình, người xem không chỉ được giới thiệu thêm về một loại nhạc cụ dân tộc của Nhật Bản là sáo Shakuhachi (sáo trúc, sáo tiêu) thông qua những ca khúc quen thuộc của hai quốc gia như Nada Soso (nhạc Okinawa), Diễm xưa (Trịnh Công Sơn), Trống cơm (nhạc Việt Nam)… mà còn được trải nghiệm cảm giác mặc trang phục truyền thống mùa hè yukata của Nhật Bản và thổi sáo cùng nghệ sĩ.
Đêm giao lưu văn hóa thu hút đông đảo sinh viên và khán giả yêu thích văn hóa Nhật Bản |
Cũng tại đêm giao lưu, bà Nguyễn Thiên Kim – Phó Chủ tịch Hội Kịch giấy Việt – Nhật đã trình diễn các câu chuyện dân gian Việt Nam - Nhật Bản quen thuộc theo phong cách Kamishibai như: Đám cưới chuột, Thằng Bờm, Con Rồng cháu Tiên, Ninja Manmaru,… Theo đó, Kamishibai (hay còn được biết đến với tên gọi là kịch giấy) là một loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian nổi tiếng của Nhật Bản. Ở loại hình nghệ thuật Kamishibai này, người nghệ sĩ kể chuyện thông qua các tranh vẽ trên giấy để khán giả có thể dễ dàng cảm thụ niềm vui và sự thú vị từ câu chuyện.
Để người xem đến gần hơn với các loại hình văn hóa - nghệ thuật Nhật Bản, chương trình còn triển lãm các tác phẩm truyện tranh và phim hoạt hình (anime) nổi tiếng của Nhật Bản dưới hình thức tượng, mô hình để fan hâm mộ có thể trực tiếp tham quan và chụp ảnh.
Q.Hoa t.h / Thời Đại