Đặc biệt, ngay trong rạng sáng ngày 2/6, lúc 3h45, tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện 2 tàu chiến (không rõ số hiệu) của Trung Quốc đi tuần tiễu hướng từ Đông Nam giàn khoan với vận tốc 16 hải lý/giờ. Đến 04 giờ 5 phút, 2 tàu này chuyển hướng, đi về hướng Đông - Đông Nam giàn khoan với vận tốc 13 hải lý/giờ, cách giàn khoan khoảng 16,3 hải lý từ hướng Tây Nam đến Nam - Đông Nam giàn khoan thì đi chuyển chậm lại. Để quý vị bạn đọc dễ hình dung, thì đường đi của 2 tàu này chạy theo hình vòng cung phía ngoài cùng của giàn khoan Hải Dương 981.
Đến khoảng 9 giờ sáng ngày 2/6, các tàu Cảnh sát biển Việt Nam cũng phát hiện 2 tàu quét mìn của Trung Quốc (không rõ số hiệu) cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 18 – 20 hải lý về phía Nam. Những phát hiện này tiếp tục là bằng chứng rất rõ ràng cho thấy phía Trung Quốc đã cố tình có hành vi đe doạ sử dụng quân sự, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình.
Hình ảnh tại thực địa cho thấy, một cần cẩu của giàn khoan Hải Dương 981 đang hoạt động cẩu hàng lên giàn khoan. Vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 về cơ bản không thay đổi, dù có lúc màn hình radar và hải đồ điện tử trên các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam cho thấy giàn khoan này dịch chuyển với vận tốc rất chậm trong chưa đầy một phút.
Trong ngày 2/6, các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn kiên trì tiếp tục tiến gần vào khu vực giàn khoan để tuyên truyền, đấu tranh buộc phía Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu bảo vệ đang hoạt động trái phép trên vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc tiếp tục ngăn cản, ép đuổi các tàu của ta ra xa, mỗi khi tàu của chúng ta tiến vào cách khu vực giàn khoan Hải Dương 981 từ 7 – 8 hải lý.
Tàu Cảnh sát biển 2016 của Việt Nam bị tàu Hải cảnh 46105 của Trung Quốc ép đuổi, |
Tại thực địa, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục chứng kiến cảnh hai tàu Cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu 2015 và 2016 bị một nhóm 5 tàu Trung Quốc ngăn cản, ép đuổi trên suốt quãng đường gần 3 hải lý. Khoảng 20 phút sau, quan sát trên hải đồ điện tử, nhận thấy 2 tàu Cảnh sát biển của chúng ta đã bị tàu bảo vệ của Trung Quốc ép đuổi ra xa cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17,2 hải lý về phía Tây Nam. Trước đó một ngày (ngày 1/6), trong khoảng thời gian từ 16 giờ đến 16 giờ 30 phút, cũng chính tàu CSB 2016 đã bị 4 tàu Trung Quốc dùng thủ đoạn 1 tàu chặn mũi, 1 tàu chặn đuôi, 1 tàu phun xịt vòi rồng, trong đó tàu Hải cảnh 46105 của Trung Quốc đã đâm va nhiều lần rất thô bạo vào tàu CSB 2016 của Việt Nam. Hậu quả, tàu CSB 2016 đã bị gãy 7 cọc lan can, 1 ống thông gió, thủng 4 lỗ bên mạn phải cách phía trên vạch mớn nước 40 cm, nếu sóng ở cấp 3 có thể gây tràn nước vào tàu…
Cũng trong ngày 2/6, trên thực địa đã ghi nhận sự xuất hiện 3 lần chiếc máy bay trinh sát điện tử cánh quạt không rõ số hiệu của Trung Quốc bay ngay phía trên khu vực các tàu của Việt Nam với độ cao chỉ khoảng từ 300 - 500m, rồi bay về hướng đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Tàu kéo công xuất lớn (màu đỏ) của Trung Quốc mang số hiệu 263 đang ép đuổi, |
Đại tá Trần Văn Hậu, Chủ nhiệm Chính trị Cảnh sát biển Vùng I, thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết: "Những ngày qua, phía Trung Quốc vẫn sử dụng thủ đoạn một tàu đi thẳng hướng với vận tốc bằng tàu của Việt Nam để vây ép làm cho tàu của Việt Nam không tránh được, rồi cho một tàu khác lớn hơn tiến vào phun vòi rồng hoặc đâm va rất thô bạo. Các tàu của Trung Quốc to, vòng lượn lớn, trong khi các tàu của ta nhỏ hơn, có vòng lượn hẹp hơn, nên tàu ta dễ cơ động vòng tránh nhằm hạn chế thiệt hại. Ở vòng ngoài giàn khoan từ khoảng cách từ 10 – 13 hải lý, Trung Quốc vẫn bố trí tàu bảo vệ theo từng tốp, cách nhau từ 1 – 3 hải lý. Chỉ có các tàu bảo vệ ở vòng ngoài thường xuyên cơ động ngăn cản, ép đuổi, bao vây, đâm va, phun vòi rồng các tàu của Việt Nam. Còn ở vòng giữa cách giàn khoan khoảng 4 hải lý, các tàu của Trung Quốc xoay ngang tạo thành rào chắn. Vòng trong cùng, các tàu nằm yên để hỗ trợ kỹ thuật cho giàn khoan Hải Dương 981".
Đáng chú ý là trong những ngày qua, Trung Quốc liên tiếp dùng tàu kéo công suất lớn hoặc các tàu tốc độ cao để ép đuổi, đâm va các tàu của Việt Nam. Cùng với đó, phía Trung Quốc dường như chú ý hơn đến các tàu Cảnh sát biển của Việt Nam nhằm mục đích phủ đầu. Tuy nhiên, các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn khôn khéo cơ động, kiên trì sử dụng các biện pháp tuyên truyền, đấu tranh một cách hoà bình để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam./.