Các thành viên dự họp cũng đã thảo luận các thông tin liên quan đến tình hình Biển Đông được công bố trên các hãng thông tấn, báo chí ở nước Nga và quốc tế trong những ngày gần đây.
Bên cạnh bày tỏ sự buồn phiền khi phải đón nhận những thông tin không hay về sự việc đang xảy ra, thông báo viết rằng điều đáng ghi nhận là ngày nay lập trường của cộng đồng quốc tế về giải quyết các tranh chấp biên giới, đặc biệt là tranh chấp lãnh hải, đều nhất loạt tán thành cách giải quyết bằng đàm phán hòa bình.
Thông báo cho biết: “Chúng tôi được biết là nước Nga cũng có lập trường như vậy. Về sự việc này phiên họp một lần nữa nhấn mạnh, Tổng thống Nga đã nhiều lần lưu ý trong các tuyên bố công khai rằng, mối quan hệ của chúng ta với Việt Nam đã, đang và sẽ là đối tác chiến lược... Do vậy, các thành viên dự họp đều nhất trí nhấn mạnh rằng bài báo của nhà quan sát chính trị của hãng thông tấn MIA “Nước Nga ngày nay” về việc ký kết các thỏa thuận Nga-Trung ở Bắc Kinh không thể được xem là tư liệu thực tế cho việc phân tích chỉ trích, bài viết đó chỉ có thể xem là ý kiến cá nhân của nhà báo ít hiểu biết về vấn đề này.”
Các thành viên dự họp đã quyết định gửi bức thư ngỏ tới đích danh Tổng Giám đốc hãng thông tấn quốc tế “Nước Nga ngày nay.”
Bức thư đề ngày gửi 29/5, có chữ ký của Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt Buyanov, Chủ tịch danh dự của Hội hữu nghị Nga-Việt, nhà Việt Nam học Glazunov, Phó Chủ tịch hội, cựu phóng viên TASS và Báo Sự Thật tại các nước Đông Dương Kobelev, Phi công vũ trụ, hai lần anh hùng Liên Xô, anh hùng lao động Việt Nam Gorbatko, Chủ tịch hội cựu chiến binh Nga từng chiến đấu ở Việt Nam Kolesnik, ông Bolotin (15 năm làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác kinh tế-thương mại), Thiếu tướng Pozdeev (từng chiến đấu ở Việt Nam), Thượng tướng Khiupenen - Chủ tịch hội cựu chiến binh phòng không Nga, cựu chuyên gia Liên Xô tại Việt Nam.../.