Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Chính phủ Trần Duy Hải tại cuộc họp báo chiều qua (Ảnh: dangcongsan.vn) |
Theo ông Trần Duy Hải, “hơn 1 tháng qua, Việt Nam đã tiến hành rất nhiều nỗ lực ngoại giao để giải quyết tình hình căng thẳng ở Biển Đông nhưng Trung Quốc đến nay vẫn bất chấp mọi nỗ lực ngoại giao, kêu gọi của cộng đồng quốc tế và tiếp tục leo thang. Việt Nam tiếp tục kiên trì đấu tranh thông qua biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, tiếp tục duy trì các nỗ lực ngoại giao với Trung Quốc để cố gắng giải quyết vấn đề. Đồng thời, chúng ta cũng cân nhắc biện pháp tiếp theo để giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.
Ở bên ngoài, “cộng đồng quốc tế đã có tiếng nói mạnh mẽ phản đối việc làm của Trung Quốc. Có lẽ, đây là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế có phản ứng mạnh mẽ như vậy về tình hình ở Biển Đông. Tiếng nói này có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, sự ổn định đồng thời ngăn chặn hành động leo thang mới của Trung Quốc. Việt Nam mong cộng đồng quốc tế tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các hành động leo thang”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Chính phủ cho biết.
Thực tế là, trong suốt thời gian vừa qua, người ta đã chứng kiến Trung Quốc trở thành mục tiêu chỉ trích, lên án dồn dập của một loạt nước vì những hành động hung hăng, vi phạm luật pháp quốc tế tại Biển Đông.
Mới đây nhất, hôm 4/6, 7 cường quốc hàng đầu thế giới trong nhóm nước G7 đã ra một tuyên bố chung bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước các hành động của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Các nước này tuyên bố, việc tìm cách thay đổi thế nguyên trạng trong khu vực là điều "không thể chấp nhận". Đây rõ ràng là lời cảnh báo mạnh mẽ của các cường quốc nhằm vào Trung Quốc.
Trước đó, trong ba ngày 30/5, 31/5 và 1/6, tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng đến từ nhiều quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình và thất vọng trước những hành động ngày một hung hăng, quyết liệt của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Người ta có cảm giác như đang có một khối liên minh, liên kết lại trong khu vực nhằm chống lại những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc.
Hôm 31/5, Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston cho biết, chính phủ nước ông “cực kỳ quan ngại” về hành động “gây bất ổn” của Trung Quốc ở trong khu vực. “Việc sử dụng vũ lực hay sự dọa dẫm, ép buộc để đơn phương thay đổi sự nguyên trạng ở Biển Đông hay biển Hoa Đông là điều không thể chấp nhận”. Đây là một vài trong số những phát biểu chỉ trích mạnh mẽ nhất, trực diện nhất của giới chức Australia nhằm vào Trung Quốc từ trước đến nay liên quan đến tình hình tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trước đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã lên án cái mà ông này gọi là những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi thế nguyên trạng chiến lược ở Châu Á đồng thời thể hiện sự thách thức đối với Trung Quốc bằng tuyên bố chắc nịch rằng Tokyo sẽ “giúp đỡ, hậu thuẫn ở mức cao nhất” cho các nước Đông Nam Á, nhiều trong số này đang có tranh chấp hàng hải quyết liệt với Trung Quốc.
Về phía Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel hôm 31/5 đã có những phát biểu mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, khiến người ta liên tưởng đến việc Mỹ đã sẵn sàng “tuyên chiến” với Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bộ trưởng Hagel công khai cảnh báo, Mỹ “sẽ không nhìn đi nơi khác” khi các nước như Trung Quốc cố tìm cách giới hạn sự tự do hàng hải hay phớt lờ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế.
"Những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây bất ổn trong khu vực, và việc nước này không thể giải quyết được các cuộc tranh chấp với những nước láng giềng khác đang đe dọa sự tiến bộ lâu dài của khu vực Đông Á", ông Hagel phát biểu.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Ngoại giao có ủng hộ ý tưởng của Hội Nghề cá Đà Nẵng về việc kiện Trung Quốc ra tòa vì vụ đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam hay không, ông Trần Duy Hải cho biết: “Về vấn đề vụ kiện, chúng tôi cho rằng các vụ kiện quốc tế đều phức tạp, nếu tàu Việt Nam kiện tàu Trung Quốc chỉ là vụ án dân sự thôi. Nhưng hành động của Trung Quốc ở đây liên quan đến chủ quyền, quyền tài phán, nên không chỉ là hành động dân sự thông thường. Vì thế, vụ kiện không giải quyết hết vấn đề. Mọi biện pháp đều đang được chúng tôi nghiên cứu nhưng phải chọn biện pháp tối ưu”.
Đề cập đến việc nếu Trung Quốc rút giàn khoan thì Việt Nam có tiếp tục kiện Trung Quốc không và cuộc chiến pháp lý có tiếp tục không, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Chính phủ Trần Duy Hải khẳng định: “Việt Nam vẫn đang kiên trì yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan để hai bên có thể ngồi lại đàm phán về tính chất pháp lý của việc hạ đặt giàn khoan trong vùng biểncủa Việt Nam. Nếu Trung Quốc rút giàn khoan, ngồi vào bàn đàm phán thì Việt Nam hoan nghênh”.
Theo ông Trần Duy Hải, “việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua, nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc. Phản ứng của cộng đồng quốc tế đã phản ánh rõ bất bình của cộng đồng quốc tế đối với việc làm của Trung Quốc. Chính sách ngoại giao hòa bình của Trung Quốc không phải là trên thực tế mà chỉ là ở lời nói. Hành động của TQ trên Biển Đông đe dọa hòa bình, sự ổn định của khu vực, đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng hải của khu vực, không phải nỗ lực hòa bình, đó là hành động bạo lực.
Cả cộng đồng quốc tế không thể tin được lời nói suông, cần có hành động thực tế”, ông Trần Duy Hải nhấn mạnh.