|
* Tại sao Trung Quốc (TQ) lại đem giàn khoan đặt trong vùng chủ quyền của VN, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa VN vào thời điểm này?
|
Tại sao TQ lại cần biển Đông? Nhiều ý kiến nói đến tài nguyên dầu khí. Nhưng có bao nhiêu tấn dầu nằm ở đây? Từ 2 tỉ tới 200 tỉ là các con số “đoán mò” từ đông sang tây, một trời một vực! Mà đưa ra dự báo 200 tỉ chính là từ phía TQ. Con số “trên trời” như vậy có lẽ là để cho những ai ham hố “cùng khai thác” mà thôi.
Có một lý do khác là, TQ đã trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, chủ yếu qua đường biển, từ eo Malacca vào biển Đông. Họ cần phải bảo vệ con đường huyết mạch này, không có gì lý tưởng hơn nếu chiếm được quyền kiểm soát biển Đông. Luận điểm này đúng, nhưng cũng chỉ một phần.
Trong lịch sử, TQ chưa bao giờ là một cường quốc biển, cả về mặt kinh tế, quân sự và hàng hải nói chung. Sau những chuyến “thám thính” đến tận Sừng châu Phi của Hạm đội Trịnh Hòa đầu thế kỷ 15, TQ mất hơn 300 năm tiếp theo bế quan tỏa cảng dưới triều Mãn Thanh. Nước TQ nửa sau thế kỷ 20 tỉnh ra trước sự khiếm khuyết này, đặc biệt khi bước vào thế kỷ 21, thế kỷ của biển và đại dương. Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) vốn được thừa nhận của TQ theo Công ước về luật Biển năm 1982 chỉ có 880.000 km2. Con số này, đem so với các cường quốc, chỉ bằng khoảng 20% của Nhật, 13% của Nga và thậm chí chỉ 7% của Mỹ. So với Anh, Úc, Ấn cũng thua kém xa. Trong thế kỷ 21 người ta nhận ra giá trị của biển thậm chí còn hơn cả lục địa. Trong khi lục địa (đất liền) chỉ có 3 tầng sinh thái (khoảng không trên mặt đất - mặt đất - dưới mặt đất) thì biển và đại dương có đến năm tầng sinh thái (khoảng không trên mặt biển - mặt biển - tầng nước trong lòng biển - mặt đất dưới lòng biển (đáy biển) - tầng đất dưới đáy biển). Với năm tầng sinh thái như vậy, biển và đại dương đem đến rất nhiều hy vọng cho nhân loại. Không kể của cải và những vấn đề khác, có một thứ tài nguyên biển vô cùng to lớn chưa được nói đến nhiều: không gian sinh tồn. Nhiều nhà khoa học đã chú ý vấn đề này khi không gian sinh tồn của con người trên đất liền ngày càng ô nhiễm, ngày càng thu hẹp trong khi biển và đại dương vừa bao la vừa trong lành. Tôi vừa trở về từ Trường Sa những ngày này và cảm nhận thực tế ấy rất rõ. Thế giới, nhất là các quốc gia biển, đã ngày càng quan tâm đến những dự án đô thị biển hiện thực dành cho hàng vạn cư dân mà các nhà khoa học đề xuất.
Từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, Đảng Cộng sản TQ đã có nghị quyết về vấn đề biển Đông (Nam Hải) mà nội dung của nó cho đến nay chưa được giải mật. Người TQ cũng ngày càng nói nhiều đến sự bức bối của một quốc gia đông dân nhưng yếu kém về biển. Trong thế kỷ trước, các nhà lãnh đạo TQ đã không chỉ một lần trao đổi với phía VN: “TQ không có đường ra biển, đề nghị phía VN giúp đỡ”. Phải nói rằng những bức xúc của người TQ không phải là không giành được sự thông cảm. Nhưng cũng phải nói rằng lúc đó nội lực và tâm trí VN đang dành hết cho cuộc kháng chiến thống nhất Tổ quốc, thì xảy ra sự việc TQ đánh chiếm Hoàng Sa của VN. Sau năm 1975, quan hệ hai nước thăng trầm như chúng ta đã biết.
|
Mai phục và thực hiện chiến thuật lấn dần từng bước khôn ngoan, cuộc ồn ào tiến ra biển Đông của TQ chỉ thực sự diễn ra từ đầu thế kỷ 21. Năm 1999, TQ ra tuyên bố về việc cấm đánh cá ở biển Đông, vẻ như là chỉ với mục đích nhân đạo bảo vệ mùa cá sinh sản. Họ “cấm” và liên tục nhắc lại “lệnh cấm” này hằng năm trong suốt mười năm sau đó nhưng không hành động gì trên thực tế. Thấy thế giới đã “quen” với “lệnh cấm”, năm 2009 TQ bắt đầu bắt bớ tàu thuyền đánh cá VN và trình bản đồ “đường lưỡi bò” lên Liên Hiệp Quốc, một cách chính thức hóa cái đường vô lý này. Một ví dụ nữa, TQ hay đưa ra khái niệm “lợi ích cốt lõi” khi đề cập đến Tây Tạng, Tân Cương… Cách đây vài năm, một số phương tiện truyền thông TQ và thậm chí một quan chức ngoại giao cao cấp TQ tuyên bố biển Đông cũng là “lợi ích cốt lõi” (nhưng rồi sau đó lại phủ nhận). Cách ấy giống như một sự thăm dò phản ứng của dư luận. Người lãnh đạo TQ đi Mỹ năm ngoái có nói đến việc xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới trên cơ sở “tôn trọng lợi ích cốt lõi” của nhau, không hiểu cái “lợi ích cốt lõi” này có ám chỉ biển Đông? Và các nước lớn tôn trọng “lợi ích cốt lõi” của nhau có nghĩa là mỗi nước có một vùng lợi ích riêng, “mi không động đến ta, ta không động đến mi”? Nếu đạt được thỏa thuận này (thực tế là chưa, căn cứ vào những tuyên bố của Mỹ) có lẽ TQ còn quyết đoán hơn nữa.
TQ đang ráo riết củng cố cơ sở pháp lý cho đường lưỡi bò, cho việc đưa diện tích EEZ của mình lên hơn 3 triệu km2. Các phương tiện truyền thông TQ đã làm quen với số liệu này rồi chứ đâu còn nói đến 880.000 km2 nữa. Việc có những hành động liên tiếp như đưa quân đội đến tập trận trên bãi cạn James (Malaysia), công bố con đường đứt khúc 9 đoạn (TQ không thích gọi là đường lưỡi bò) đi qua vùng EEZ của quần đảo Natuna giàu khí đốt của Indonesia, dùng chiến thuật bắp cải nuốt dần các bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham), Second Thomas Shoal (Cỏ Mây)... và đặt giàn khoan Hải Dương-981 phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, TQ đã rảo bước trên con đường đứt khúc ấy để có thể tiến tới hiện thực hóa và xác định tọa độ của nó tại thực địa chăng?
* Ông đánh giá thế nào về triển vọng giải quyết vấn đề?
- TQ đã tuyên bố sẽ hoàn thành công việc của giàn khoan Hải Dương-981 vào ngày 15.8, nghĩa là sau thời gian này không còn tồn tại giàn khoan ở khu vực mà nó đang tác nghiệp. Nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, câu chuyện chưa phải đã kết thúc mà mới chỉ bắt đầu một giai đoạn đấu tranh mới.
Năm ngoái, người đứng đầu Cục Nghiên cứu Nam Hải (biển Đông) của TQ tuyên bố trong vòng một năm sẽ hoàn tất việc đưa ra các cơ sở pháp lý cho đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò). Thời hạn ấy đã tới, dẫu thế nào, dư luận quốc tế cho đến nay đã không thể tìm được bất cứ một cơ sở nào, một bằng chứng nào ủng hộ quan điểm của TQ, trước hết ở ngay tên gọi: đây là đường gì? Mỹ cũng đã nhiều lần yêu cầu Đài Loan (chính quyền kế thừa Trung Hoa Quốc Dân đảng, “tác giả” của đường đứt khúc 9 đoạn) giải thích ý nghĩa của đường này nhưng câu trả lời là im lặng.
Dù sao, VN không thể để bị động trước những bước đi mới của TQ, dù bước đi ấy là gì. Thậm chí chúng ta sẽ phải khuyến cáo, báo động về những toan tính không phù hợp của họ. Và trước mắt trong lúc này vẫn là kiên quyết yêu cầu TQ rút hết các lực lượng của họ khỏi vùng biển, vùng trời VN.
Vấn đề Hoàng Sa, VN đã thành lập đơn vị hành chính ở đây, đặt tên phố tên làng theo địa danh Hoàng Sa, nhưng chỉ nội bộ VN biết thôi, như thế là chưa đủ. TQ nói không có tranh chấp ở khu vực này. Xin kiến nghị hằng năm, thậm chí một năm hai lần, ta gửi công hàm cho họ, yêu cầu đàm phán về Hoàng Sa. Công hàm này được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, để thế giới cùng biết.
Xét trên bình diện quốc tế, việc TQ ra sức một mình “cáng đáng” biển Đông là gánh nặng quá sức họ, một việc chưa có tiền lệ. Quá sức vì họ phải đối mặt với thế giới, chưa có tiền lệ vì thậm chí nó là việc không tiền khoáng hậu! Sẽ quá nhiều mất mát trên tư cách một nước lớn yêu chuộng hòa bình, như TQ luôn mong muốn chứng tỏ. Vụ việc Hải Dương-981 có thể là một phép thử và dù TQ có nói như thế nào thì đã không có một quốc gia nào đứng về phía họ.
Có thể chính quyền TQ nay muốn thực hiện “di nguyện” của lãnh đạo lớp trước. Họ nên cân nhắc thận trọng vì chính những người đưa ra quyết định phải chịu sự phán xét của lịch sử chứ không phải những người đã rời vị trí.
* Là người nhiều năm giữ cương vị Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt - Trung, ông đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước?
- Tôi thấy mừng là qua hàng ngàn năm, giữa hai dân tộc VN và TQ - về phương diện con người - không có mâu thuẫn dân tộc, không có mâu thuẫn văn hóa, cũng không có mâu thuẫn tôn giáo. Điều này nếu có - như ta đã thấy ở nhiều quan hệ dân tộc, quốc gia trên thế giới - sẽ rất nguy hiểm, khó điều hòa chứ chưa nói đến để xây dựng quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau. Điều cần thiết còn lại là gì? Thiện chí, và không thể chỉ với một bên. Cho phép tôi được nói thật: Chúng ta có các “chữ”, các “tốt” quá nhiều, nhưng nó chưa giúp được hai bên xây dựng lòng tin thật sự với nhau. Và một điều là nền tảng xây dựng quan hệ hữu nghị là nhân dân, nhưng phải có sự định hướng từ nhà nước và các phương tiện truyền thông. TQ có quyền tuyên truyền nhưng không thể đổi trắng thành đen, bịa đặt VN đem tàu quân sự, chủ động phun nước, đâm va mấy trăm lần vào tàu TQ, trong khi sự thật hoàn toàn ngược lại, thậm chí tàu TQ còn dã man đâm nhiều lần cho chìm tàu cá VN. Nếu tuyên truyền như vậy thì nhân dân TQ làm sao có thể xây dựng tình hữu nghị với VN được?
Chúng ta giữ tình hữu nghị với nhân dân TQ, không chấp nhận chủ nghĩa dân tộc cực đoan, quá khích, nhưng cũng không thể để ai tùy tiện coi thường bắt nạt.