Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Bùi Thành Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường cho biết, nhà trường là cơ sở đào tạo Hàn Quốc học đầu tiên ở Việt Nam được thành lập từ năm 1993, chỉ một năm sau khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, ngành Hàn Quốc học đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu về Hàn Quốc học trong đó có văn học. Các công trình nghiên cứu về văn học Hàn Quốc, dịch thuật tác phẩm văn học, tổ chức hội thảo văn học Hàn Quốc cũng như Hội thảo biên phiên dịch Hàn-Việt đã được nhà trường thực hiện trong nhiều năm qua.
Thông qua văn học và điện ảnh việc tìm hiểu về văn hoá, ngôn ngữ của một quốc gia sẽ trở nên sinh động và dễ dàng hơn rất nhiều. Sự quan tâm đến văn học Hàn Quốc ngày càng tăng sau khi Han Kang, một nữ tác giả Hàn Quốc, được trao giải Nobel Văn học 2024.
Buổi giao lưu giữa Đoàn nhà văn Hàn Quốc và sinh viên ngành Hàn Quốc học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: ussh.vnu.edu.vn) |
Giáo sư Bang Hyun-suk chia sẻ, Việt Nam từ lâu đã là người bạn thân thiết của Hàn Quốc. Ông nhắc lại sự kiện cách đây gần 120 năm, khi cuốn sách “Việt Nam vong quốc sử” của nhà yêu nước Phan Bội Châu được phổ biến rộng rãi và trở thành tư liệu quý “gối đầu giường” của tầng lớp trí thức yêu nước Hàn Quốc, tư liệu tham khảo quan trọng về đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc.
Từ sau khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1992), giao lưu giữa hai quốc gia rộng mở trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong giao lưu văn học.
Cách đây 30 năm, Hội các tác giả trẻ muốn tìm hiểu Việt Nam của Hàn Quốc là những người mở đường cho giao lưu văn học giữa hai nước. Ngày nay, Câu lạc bộ văn học Hoà bình Việt- Hàn, do Hội nhà văn Việt Nam và Mạng lưới văn học châu Á sáng lập, đã tổ chức nhiều hoạt động biên dịch, xuất bản, hội thảo, qua đó giới thiệu văn học hai nước đến đông đảo độc giả.
Đến nay, tại Việt Nam, hơn 100 tác phẩm văn học Hàn Quốc đã được dịch và xuất bản, trong khi nhiều tác phẩm văn học Việt Nam cũng đã có mặt trên thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, giao lưu văn học không chỉ dừng lại ở việc xuất bản mà còn mở rộng thông qua các dự án nghiên cứu, hội thảo, và chia sẻ nguồn tài liệu liên quan đến văn học.
Giáo sư Bang Hyun-suk bày tỏ kỳ vọng các thế hệ sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ trở thành cầu nối vững chắc, thúc đẩy hợp tác văn hóa và văn học giữa hai quốc gia.
Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã có những trải nghiệm văn hóa độc đáo. Tiết mục song ngữ "Diễm xưa" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được trình bày bởi sinh viên Bộ môn Hàn Quốc học, đã để lại ấn tượng sâu sắc. Đồng thời, các sinh viên và giảng viên cũng có cơ hội giao lưu, trao đổi với các nhà văn, dịch giả Hàn Quốc về xu hướng sáng tác, thị hiếu đọc sách và các cơ hội hợp tác trong tương lai.
Theo Thời Đại