Danh mục
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Văn bản
  • Lịch sử truyền thống
  • Hòa bình - hữu nghị
  • Công tác PCPNN
  • Cơ quan Thường trực
  • Tổ chức thành viên ở Trung ương
  • Liên hiệp CTCHN tỉnh, thành phố
  • Biên giới - Biển đảo
  • Bạn bè năm châu
  • Đối ngoại và hội nhập
  • Tri thức chuyên sâu
  • Video
  • Hình ảnh
  • Liên hệ
Vufo.org.vn

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Hòa bình - hữu nghị
  • Công tác PCPNN
  • Tư liệu
    • Văn bản
    • Lịch sử truyền thống
  • Liên hệ
  • Copy link
  • Trang chủ
  • Đối ngoại và hội nhập
22/07/2025, 4:39 PM

Việt Nam - Đối tác phát triển năng động của châu Phi trong kỷ nguyên mới

Với nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp, Việt Nam và các nước châu Phi sẽ không chỉ tiếp tục phát huy tình hữu nghị lâu bền mà còn mở rộng hợp tác thực chất và hiệu quả trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Senegal, Maroc và tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới tại Thụy Sĩ từ ngày 22/7, nhật báo Cresus của Algeria đã đăng tải bài viết đánh giá cao những thành tựu phát triển nổi bật của Việt Nam, đồng thời bày tỏ kỳ vọng chuyến công tác sẽ mở ra những cơ hội mới để nâng tầm hợp tác song phương với các nước châu Phi trong thời gian tới.

Bài viết khẳng định Việt Nam đang nổi lên như một “điểm đến tri thức” trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn, với mô hình dựa trên giá trị bản địa, chuỗi giá trị cộng đồng và hội nhập thương mại quốc tế.

Là một quốc gia nông nghiệp với hơn 60% dân số sống ở khu vực nông thôn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 62,5 tỷ USD; riêng 6 tháng đầu năm 2025 đã đạt 33,84 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam hiện đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ cao. Mục tiêu được đặt ra là duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp hằng năm trên 4%.

Bài viết dành nhiều dung lượng đánh giá Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) không chỉ như một thương hiệu quốc gia mà còn là mô hình phát triển tích hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng. OCOP góp phần xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở nông thôn, gắn với nâng cao năng lực sản xuất, kiểm soát chất lượng, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tờ Cresus đánh giá cao những sáng kiến và đề xuất của Việt Nam đối với hợp tác Nam-Nam, đặc biệt dựa trên 4 trụ cột do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đề ra: cải thiện sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và đời sống - không để ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò chủ động trong việc xây dựng mạng lưới chia sẻ chính sách, công nghệ, thị trường, đồng thời hỗ trợ các nhóm yếu thế và nâng cao năng lực của hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ ở khu vực nông thôn.

Bài báo cũng trích dẫn lời kêu gọi của Việt Nam gửi tới các tổ chức quốc tế, các thể chế tài chính và các đối tác song phương, đa phương cùng tăng cường hỗ trợ hợp tác Nam-Nam, đặc biệt trong triển khai OCOP, để hướng tới một nền nông nghiệp năng động, bao trùm, giàu bản sắc văn hóa và bền vững.

Tác giả bày tỏ kỳ vọng Việt Nam - với tư cách là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển và nhiều kinh nghiệm trong giảm phát thải nông nghiệp - sẽ hợp tác hiệu quả với các quốc gia châu Phi anh em nhằm vượt qua các thách thức về an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững và thân thiện môi trường.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Phi có đông người theo đạo Hồi, bài viết đặc biệt quan tâm đến tiềm năng phát triển sản phẩm Halal của Việt Nam - nhất là những thương hiệu đã chinh phục được các thị trường có tiêu chuẩn Halal khắt khe như Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Malaysia và Indonesia. Tác giả tin tưởng rằng các sản phẩm Halal mang hương vị đặc trưng của miền nhiệt đới sẽ sớm mở rộng thị phần tại châu Phi, khi các rào cản hiện tại dần được tháo gỡ.

Một tín hiệu tích cực được bài viết nhấn mạnh là việc chính thức khai trương đường bay thẳng giữa Việt Nam và châu Phi. Chuyến bay ET0678 của Ethiopian Airlines, khởi hành từ Addis Ababa, đã hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Nội Bài lúc 13h15 ngày 11/7, đánh dấu việc kết nối trực tiếp đầu tiên giữa hai thủ đô. Đường bay mới được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho thương mại, du lịch và giao lưu văn hóa giữa hai khu vực.

Tờ Cresus bày tỏ tin tưởng rằng, với nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp, Việt Nam và các nước châu Phi sẽ không chỉ tiếp tục phát huy tình hữu nghị lâu bền mà còn mở rộng hợp tác thực chất và hiệu quả trong giai đoạn mới.

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn tới Senegal và Maroc được kỳ vọng sẽ khởi động lại những kết nối lịch sử, làm sâu sắc thêm quan hệ nghị viện, đồng thời góp phần tăng cường giao lưu nhân dân - biểu hiện sinh động cho tấm chân tình và cam kết của Việt Nam đối với bạn bè châu Phi.

Chuyến công tác diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng. Cùng với việc cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính nhà nước và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Việt Nam đang đẩy mạnh 4 trụ cột chiến lược gồm: phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; thúc đẩy hội nhập quốc tế; phát triển kinh tế tư nhân; và cải cách thể chế, lập pháp, thực thi pháp luật – tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững và hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế.

Theo tác giả, là một dân tộc từng tiên phong trong cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, Việt Nam một lần nữa đi đầu trong công cuộc đổi mới, cải cách thể chế, kiên quyết xóa bỏ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí - những rào cản lớn đối với sự phát triển của mọi quốc gia. Tác giả tin tưởng rằng, với tấm lòng rộng mở, tinh thần đoàn kết quốc tế và sẵn sàng sẻ chia, Việt Nam sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong xóa đói giảm nghèo, thu hút đầu tư và phát triển đất nước.

Trong bối cảnh đó, bài viết nhấn mạnh sự cần thiết hai bên - Việt Nam và châu Phi - tiếp tục củng cố lòng tin chính trị, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, đẩy mạnh đàm phán và ký kết các hiệp định nền tảng như Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, đồng thời xây dựng khung pháp lý vững chắc cho hợp tác thương mại, tài chính và ngân hàng.

Tác giả kết luận: không có lý do gì để những dân tộc từng cùng nhau lật đổ ách thống trị của thực dân, đế quốc lại không thể sát cánh bên nhau trong hành trình phát triển kinh tế, hướng tới thịnh vượng và tương lai bền vững./.

Theo TTXVN

Tiêu điểm
Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni

Tin đọc nhiều
1

ASEAN là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam

2

Hội thảo khoa học "Tôn giáo qua các nền văn hoá": tôn trọng sự khác biệt, thúc đẩy hòa hợp

3

Việt Nam và Kyrgyzstan hướng tới nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện

4

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Singapore

5

Việt Nam được đề cử làm Chủ tịch Hội nghị các quốc gia thành viên UNCLOS lần 35

Tin liên quan

30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Hành trình từ tham gia đến kiến tạo

Việt Nam bày tỏ lo ngại về diễn biến căng thẳng tại biên giới Thái Lan - Campuchia

Chuyên gia Australia: Việt Nam sẽ tiếp tục là động lực phát triển của khu vực

Chủ tịch Quốc hội: Đẩy nhanh đàm phán các hiệp định nền tảng Việt Nam-Senegal

Kết nối nghị viện, mở rộng hợp tác Việt Nam-Maroc

Việt Nam chia sẻ thành tựu trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền dân sự và chính trị tới quốc tế

Chuyên gia Argentina đánh giá cao việc Việt Nam trở thành đối tác của BRICS

Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch Hội nghị các thành viên UNCLOS

Việt Nam quan ngại sâu sắc về tình hình xung đột đang leo thang tại Trung Đông

Việt Nam sẵn sàng cùng BRICS và cộng đồng quốc tế ứng phó thách thức

LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ VIỆT NAM

Trụ sở: 105A, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: +84.24. 3845 6303; Email: vufo.vufo@gmail.com
Bản quyền thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Top