Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch Hạ viện Maroc Nadia Touhami. (Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)
Nhân dịp Năm mới 2025, Đại sứ Maroc tại Việt Nam Jamale Chouaibi đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về quan hệ giữa hai nước trong năm 2024 và đề xuất các sáng kiến nhằm đa dạng hóa các lĩnh vực hợp tác và củng cố mối quan hệ đối tác lâu dài, bền vững và đôi bên cùng có lợi.
- Đại sứ đánh giá thế nào về sự phát triển của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Maroc trong năm 2024?
Đại sứ Jamale Chouaibi: Năm 2024, quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Maroc ghi nhận nhiều tiến triển đáng kể, được đánh dấu bởi hàng loạt chuyến thăm chính thức nhằm tăng cường tình hữu nghị và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác nghị viện, kinh tế, bảo tồn di sản lịch sử chung và giao lưu nhân dân.
Về chính trị, nhiều chuyến thăm cấp cao đã được thực hiện, trong đó đáng chú ý là chuyến thăm Maroc của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, từ ngày 29/5 đến ngày 3/6/2024 và chuyến thăm của ông Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, vào tháng 10/2024 vừa qua. Các chuyến thăm này không chỉ thắt chặt quan hệ song phương mà còn làm nổi bật những lợi ích chung giữa hai nước.
Về hợp tác nghị viện, năm 2024 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ giữa Quốc hội hai nước. Điển hình là chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thư ký Hạ viện Maroc và chuyến thăm Maroc của Đoàn Ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), do Phó Trưởng ban Thường trực Nguyễn Tuấn Anh dẫn đầu.
Trong lĩnh vực kinh tế, kỳ họp lần thứ hai của Tiểu ban Hợp tác Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Maroc, diễn ra vào tháng 11/2024 tại Rabat, đã nêu bật nhiều lĩnh vực tiềm năng hợp tác như công nghiệp Halal, luyện kim, phân bón, hàng không, dệt may và giày dép.
Maroc bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trở thành nhân tố quan trọng trong ngành công nghiệp Halal tại khu vực Đông Nam Á, được minh chứng qua sự tham gia của Viện Tiêu chuẩn Maroc (IMANOR) tại Hội nghị Quốc tế về Công nghiệp Halal lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2024.
Ngoài ra, chuyến thăm Hà Nội của đoàn đại biểu Cao ủy Những người kháng chiến và Cựu thành viên Quân giải phóng Vương quốc Maroc, cùng sự tham gia tích cực của Đại sứ quán Maroc tại các sự kiện văn hóa như Liên hoan Ẩm thực Quốc tế Hà Nội và cuộc thi "Phóng viên trẻ Pháp ngữ," đã góp phần củng cố quan hệ văn hóa, lịch sử và bảo tồn ký ức chung giữa hai quốc gia.
Những hoạt động trao đổi này thể hiện tham vọng và quyết tâm chung của cả hai nước trong việc tăng cường quan hệ song phương, hướng tới xây dựng một mối quan hệ đối tác vững chắc và bền chặt.
- Maroc là quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi xanh, trong khi Việt Nam cũng đang nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đại sứ nghĩ hai nước có thể hợp tác như thế nào để giải quyết những thách thức chung xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng?
Đại sứ Jamale Chouaibi: Maroc và Việt Nam, hai quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức tương đồng liên quan đến phát triển bền vững và ứng phó với tác động của Biến đổi Khí hậu, đã đặt ra các mục tiêu tham vọng về phát triển bền vững cũng như đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực thông qua việc triển khai các dự án chuyển đổi năng lượng quy mô lớn.
Quá trình chuyển đổi này mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực đổi mới như hydro xanh, điện gió ngoài khơi và xử lý carbon. Với chuyên môn sâu rộng trong sản xuất điện và hoạt động cảng biển, hai nước sở hữu nền tảng vững chắc để tạo ra những mối liên kết hợp tác đầy triển vọng.
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch Hạ viện Maroc Nadia Touhami. (Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)
Biên bản ghi nhớ (MOU) được ký vào ngày 28/3/2019 giữa Maroc và Việt Nam, nhằm tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững là một trong những công cụ hợp tác quan trọng hiện có giữa hai nước. Thách thức lớn nhất đối với cả Maroc và Việt Nam là tìm kiếm sự cân bằng tối ưu giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Nỗ lực chung hướng tới tăng trưởng bền vững này không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại của người dân mà còn bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai. Thông qua hợp tác, Maroc và Việt Nam có thể kết hợp nỗ lực để phát triển các giải pháp đổi mới nhằm đối mặt với những vấn đề khí hậu và năng lượng trong thế kỷ 21.
- Ngoài các lĩnh vực truyền thống, Đại sứ còn kỳ vọng gì về việc thúc đẩy hợp tác giữa Maroc và Việt Nam trong các lĩnh vực mới nổi như ngành công nghiệp Halal và du lịch?
Đại sứ Jamale Chouaibi: Ngoài các lĩnh vực hợp tác truyền thống, ngành công nghiệp Halal và du lịch được xem là những lĩnh vực đầy triển vọng, có thể đóng góp quan trọng vào việc củng cố mối quan hệ hợp tác song phương giữa Maroc và Việt Nam trong những năm tới.
Về ngành công nghiệp Halal, với giá trị ước tính lên đến hàng nghìn tỷ USD, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nhân tố quan trọng trên thị trường quốc tế. Maroc, nhờ kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực chứng nhận Halal, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam bằng cách hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có chứng nhận Halal, đặc biệt hướng tới các quốc gia Hồi giáo ở châu Phi và Trung Đông cũng như các quốc gia châu Âu có cộng đồng Hồi giáo lớn.
Về du lịch, Maroc và Việt Nam, hai điểm đến hấp dẫn với di sản lịch sử, sự đa dạng văn hóa và cảnh quan thiên nhiên độc đáo, có tiềm năng hợp tác trong việc quảng bá các hành trình du lịch kết nối giữa hai nước.
Để đặt nền tảng cho hợp tác trong các lĩnh vực đầy triển vọng này, hai quốc gia sẽ tập trung trước tiên vào việc trao đổi kinh nghiệm trong phát triển bền vững, đào tạo nhân lực trong ngành khách sạn và du lịch, cũng như bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử. Đồng thời, hai nước có thể hợp tác xây dựng các dự án chung trong những lĩnh vực mà cả hai có thế mạnh, chẳng hạn như du lịch biển, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái.
Bước tiếp theo, Maroc và Việt Nam có thể tổ chức các chuyến thăm thăm dò để xác định cơ hội hợp tác hiện có và lên kế hoạch các tour du lịch bao gồm cả điểm đến Maroc và Việt Nam thông qua sự phối hợp của các công ty lữ hành.
Cổng Maroc tại huyện Ba Vì, Hà Nội, Việt Nam, và Cổng Việt Nam tại vùng Kénitra, Maroc, hai công trình mang tính biểu tượng ghi dấu lịch sử chung giữa hai dân tộc, có thể được đưa vào các chương trình du lịch của các công ty lữ hành Việt Nam-Maroc.
Những lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ này, cùng với cam kết chung trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế, không chỉ củng cố quan hệ song phương mà còn định vị hai quốc gia như những nhân tố chủ chốt trên các thị trường tiềm năng có tốc độ tăng trưởng nhanh.
- Đại sứ có thể chia sẻ những kế hoạch, sáng kiến cụ thể mà Đại sứ quán Maroc tại Việt Nam dự kiến triển khai sớm nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ song phương?
Đại sứ Jamale Chouaibi: Trong vai trò tăng cường quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa Việt Nam và Maroc, Đại sứ quán Vương quốc Maroc tại Hà Nội cam kết nỗ lực không ngừng để góp phần phát triển và củng cố quan hệ song phương giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà gặp gỡ và làm việc với bà Salma Benaziz, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng, Hồi giáo, Di cư và người Maroc ở nước ngoài của Hạ viện Maroc. (Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN)
Giống như những năm trước, mỗi dịp Năm mới, Đại sứ quán đều xây dựng một chương trình hành động nhằm xác định các ưu tiên hoạt động trong suốt năm. Chương trình này bao gồm việc giám sát và triển khai các hoạt động đã được xác định trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa, chẳng hạn như tăng cường khuôn khổ pháp lý thông qua các thỏa thuận hợp tác tư pháp; tổ chức các sự kiện (dưới hình thức hội thảo, tọa đàm và các chuyến thăm thực tế) để xác định các lĩnh vực hợp tác tiềm năng và thúc đẩy quan hệ giữa các nhà điều hành kinh tế của hai nước; sản xuất một bộ phim tài liệu hoặc phim truyện tôn vinh cuộc đấu tranh chung vì độc lập và thiết lập một bảo tàng nhằm bảo tồn di sản chung và lịch sử gắn kết giữa hai nước.
Về lĩnh vực văn hóa, Đại sứ quán đặc biệt chú trọng tổ chức các sự kiện tôn vinh sự giàu có và đa dạng văn hóa của Maroc, đồng thời khắc họa tình hữu nghị lịch sử giữa hai nước Maroc và Việt Nam. Những hoạt động này có thể bao gồm các lễ hội, chiếu phim và tổ chức ngày văn hóa, như Liên hoan ẩm thực quốc tế Hà Nội hoặc Liên hoan Phim FESPACO.
Trong lĩnh vực du lịch, nhiều sáng kiến sẽ được triển khai nhằm thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty lữ hành và nhà tổ chức tour của hai nước.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng khuyến khích các chương trình trao đổi học thuật và thiết lập học bổng dành cho sinh viên Việt Nam có mong muốn du học tại Maroc. Việc tổ chức các hội thảo và tọa đàm tập trung vào những chủ đề cụ thể sẽ góp phần thúc đẩy sự giao lưu và hợp tác giữa hai quốc gia.
Những sáng kiến này kết hợp với các hoạt động đã thực hiện trước đó, sẽ góp phần nâng tầm quan hệ Maroc-Việt Nam, đa dạng hóa các lĩnh vực hợp tác và củng cố mối quan hệ đối tác lâu dài, bền vững và đôi bên cùng có lợi.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ Jamale Chouaibi!./.
Theo TTXVN