Củng cố, xây dựng hệ thống vững mạnh, tạo nền tảng cho thành công
Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với quan điểm chỉ đạo quan trọng là “Bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông” và “Mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương”. Đối với công tác đối ngoại nhân dân, ngày 05/01/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng là “Quan tâm đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế làm công tác đối ngoại nhân dân từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả”.
Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng và nhận thức được tầm quan trọng của sức mạnh toàn bộ hệ thống, trong những năm vừa qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức bộ máy của cả Cơ quan Thường trực, các tổ chức thành viên ở Trung ương và ở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, năm 2024, Nghị quyết Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 9, khóa VI đã đề ra một trong những trọng tâm quan trọng là "Củng cố hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Cơ quan Thường trực".
Ngày 30/6/2024, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với đối tác, bạn bè Hàn Quốc tổ chức cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Phạm Minh Chính với những người bạn Hàn Quốc có nhiều đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc. |
Để thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tập trung triển khai nhiều hướng đi mới. Một trong những định hướng lớn, dài hạn là việc thống nhất nhiệm kỳ, tên gọi, bộ nhận diện, mẫu văn bản trong toàn hệ thống. Theo đó, Đảng đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã chủ động kiến nghị thay đổi thời gian tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sang năm 2025, phù hợp với nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp, tiến tới thống nhất thời gian đại hội của toàn bộ các Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, thành phố trên toàn quốc, tạo điều kiện cho việc xây dựng định hướng, mục tiêu cho cả nhiệm kỳ bám sát các chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Đảng. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng đã triển khai xây dựng bộ nhận diện và bộ văn bản mẫu để sử dụng chung trong toàn hệ thống.
Đối với các tổ chức thành viên ở Trung ương, lần đầu tiên Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ động rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của tất cả tổ chức thành viên. Kết quả rà soát cho thấy đa số tổ chức thành viên hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào những thành công chung của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Bên cạnh đó, một số tổ chức giàu truyền thống nhưng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, hiện nay không còn hoạt động, không còn đóng góp trong thời gian dài. Trên cơ sở đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã chủ động trao đổi với các ban, bộ, ngành liên quan (Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ) và kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép kết thúc hoạt động của 07 tổ chức thành viên ở Trung ương.
Đối với Cơ quan Thường trực, ngay từ đầu năm, đặc biệt sau khi có những chỉ đạo của Trung ương về Tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã chủ động rà soát, đánh giá tổ chức, bộ máy, từ đó quyết định sáp nhập, kết thúc hoạt động một số ban, đơn vị nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động.
Đổi mới tư duy, cách tiếp cận, nội dung và phương thức hoạt động
"Đổi mới" có lẽ là từ khóa xuất hiện nhiều nhất trong các chỉ đạo của Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam năm 2024. Tinh thần của đổi mới được đưa vào từng hoạt động, từng lĩnh vực công tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Đổi mới tư duy, đổi mới trong định hướng hoạt động của toàn hệ thống, đổi mới trong xây dựng mạng lưới đối tác và đổi mới trong cách tiếp cận với các vấn đề mới.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp, làm việc với các tổ chức tôn giáo quốc tế. |
Trong công tác định hướng, năm 2024 là năm đầu tiên mà Đảng đoàn, Lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức làm việc với toàn bộ hệ thống bao gồm các cuộc họp với tập thể lãnh đạo các tổ chức thành viên ở Trung ương thuộc 04 khu vực; họp trực tuyến với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc 52 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các tỉnh, thành phố và làm việc với tất cả các ban, đơn vị thuộc Cơ quan Thường trực để thông tin, định hướng về trọng tâm công tác năm 2024, lắng nghe, trao đổi và giải quyết các khó khăn. Cách làm này không chỉ giúp những định hướng, những trọng tâm lớn của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đến được với toàn thể các tổ chức thành viên, tới từng cá nhân công chức, người lao động trong hệ thống mà còn là kênh thông tin hai chiều hiệu quả, trực tiếp, cũng như củng cố niềm tin của các tổ chức thành viên vào sứ mệnh, vai trò của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Trong củng cố, mở rộng mạng lưới đối tác, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức rà soát, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống đối tác, đẩy mạnh kết nối, thiết lập quan hệ với các đối tác mới trong nhiều lĩnh vực (nghiên cứu, giáo dục, văn hóa, công nghệ, đầu tư, kinh doanh…) để chia sẻ thông tin, giới thiệu về tình hình, các chủ trương, chính sách của Việt Nam và đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp hiệu quả.
Một sự đổi mới quan trọng nữa là trong cách tiếp cận các vấn đề mới. Bám sát chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã chủ động đa dạng hóa, mở rộng các lĩnh vực hoạt động. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tăng cường thu hút sự tham gia của các tầng lớp xã hội vào công tác đối ngoại nhân dân, thúc đẩy kết nối đối tác trong và ngoài nước, trong đó có các cơ quan chính phủ và quốc hội các nước, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó có những đóng góp thiết thực hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một trong những ví dụ điển hình về đổi mới trong cách tiếp cận là việc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam lần đầu tiên chủ động tham mưu đề xuất cử đoàn do Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam dẫn đầu thăm làm việc tại Hoa Kỳ để tham dự Hội thảo quốc tế về tôn giáo pháp quyền cũng như làm việc với các cơ quan phụ trách soạn thảo các báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ; chủ trì, phối hợp đón đoàn các mục sư Tin Lành quốc tế và đoàn các tình nguyện viên quốc tế của giáo phái Các thánh hữu ngày sau thăm làm việc tại Việt Nam nhằm cung cấp thông tin xác thực về tình hình thực hiện việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, cũng như “ươm những hạt giống hữu nghị, hợp tác” mới trong quan hệ Việt - Mỹ.
Định hướng mới để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tình hình thế giới và khu vực đang chứng kiến những biến chuyển mau lẹ, phức tạp, khó đoán định nhưng vô cùng quan trọng với cạnh tranh nước lớn ngày càng căng thẳng, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nổi bật là dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn. Cùng với đó là các vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, đặt ra không chỉ thách thức mà cả cơ hội cho Việt Nam tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề toàn cầu. Để đáp ứng được yêu cầu của tình hình thế giới và khu vực, kỳ vọng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhu cầu đổi mới, phát triển tự thân, trong năm 2025, ngoài định hướng và những trọng tâm quan trọng, hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tập trung vào một số nội dung sau đây:
Lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với 52 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các địa phương, tháng 4/2024. |
Một là, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII; phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, đóng góp thiết thực và hiệu quả trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước, đặc biệt là hai mục tiêu 100 năm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Mục tiêu trước mắt năm 2030 là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và trở thành một nước phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao”.
Hai là, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác theo dõi tình hình, nghiên cứu, tham mưu, trong đó đặc biệt quan tâm đến tham mưu về địa bàn, đối tác và các vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong công tác đối ngoại nhân dân. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, phức tạp, khó lường, đội ngũ làm đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần bám sát tình hình thế giới và khu vực, cần xác định được những xu hướng, trào lưu lớn của thế giới nói chung, của nhân dân thế giới nói riêng để có kiến nghị chính sách, đối sách phù hợp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và các mục tiêu của Việt Nam.
Ba là, tăng cường hơn nữa công tác xây dựng lực lượng, củng cố tổ chức bộ máy, chuẩn hóa các quy chế, quy trình, tăng cường công tác phối hợp trong và ngoài hệ thống và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân. Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại cả về trình độ, năng lực lẫn bản lĩnh chính trị, đặc biệt là bản lĩnh chính trị”, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần xây dựng đội ngũ chuyên trách đối ngoại nhân dân có bản lĩnh chính trị, có chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng đối ngoại thành thạo, để ngày càng có đóng góp nhiều hơn cho đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng.
Bốn là, toàn bộ hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới về tư duy, cách tiếp cận, nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động đối ngoại và đặc biệt quan tâm đến tính hiệu quả trong các hoạt động đối ngoại nhân dân.
Trong bối cảnh “thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” như đánh giá của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực để đạt được những kết quả quan trọng hơn, đóng góp tích cực hơn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đồng Huy Cương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Theo Thời Đại)