Mô hình Gia đình toàn mỹ được triển khai trên 36 chương trình Vùng của tổ chức World Vision Việt Nam từ năm 2015, với mục đích hàn gắn và phục hồi các mối quan hệ trong gia đình, góp phần xây dựng một môi trường an toàn, tràn đầy tình yêu thương nơi mọi trẻ em được lớn lên, phát huy hết các tiềm năng của mình.
Mô hình "Gia đình toàn mỹ" dựa trên các khái niệm chính như sau: Tạo môi trường để lan toả yêu thương; Tìm kiếm những hạt giống của sự tốt lành; Kiếm tìm cơ hội để tha thứ; và lý do để luôn biết ơn
Tập huấn Gia đình toàn mỹ tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. |
"Gia đình toàn mỹ" đồng hành cùng các gia đình trong hành trình kết nối và nuôi dưỡng tình yêu thương, hướng đến một cuộc sống trọn vẹn ý nghĩa, thông qua việc: Đối diện với quá khứ; Nhận biết hiện tại; Hình dung về tương lai; Theo đuổi mơ ước.
Sau lớp tập huấn này, World Vision Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các đối tác huyện Phước Sơn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề hàng tháng cho câu lạc bộ Gia đình Toàn mỹ tại các xã mục tiêu. Đây sẽ là nơi các gia đình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau để cùng hướng đến cuộc sống trọn lành.
Bên cạnh đó, World Vision Việt Nam đã phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân xã Đắk Ru (huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông) để tổ chức khoá tập huấn về Mô hình thoát nghèo cùng cực cho các cộng tác viên Chương trình Vùng và cán bộ phụ trách tại hai thôn mục tiêu là Thôn 8 và Thôn Bon Sê Rê 1.
Tại khoá tập huấn, World Vision Việt Nam đã trang bị cho người tham gia các kiến thức cơ bản về Mô hình thoát nghèo cùng cực, bao gồm mục tiêu, hợp phần, và tiêu chí đánh giá chọn lọc các hộ gia đình cũng như kế hoạch cụ thể cho từng hộ tham gia mô hình.
Tập huấn Mô hình thoát nghèo cùng cực. |
Mô hình thoát nghèo hướng đến những hộ gia đình nghèo nhất, có thu nhập thấp, thường xuyên không được đảm bảo về an ninh lương thực, thiếu thốn về sức khỏe, dinh dưỡng. Hưởng lợi từ mô hình cũng bao gồm những người bị phân biệt đối xử và thiếu sự đồng cảm của cộng đồng như các nạn nhân của mua bán người hay các tệ nạn xã hội.
Thông qua Mô hình thoát nghèo, người hưởng lợi sẽ được cung cấp những nguồn lực cơ bản, kiến thức về tài chính, đào tạo về kỹ thuật, kỹ năng sống và hỗ trợ về mặt xã hội để thoát nghèo bền vững.
Mô hình thoát nghèo cùng cực là phương án hiệu quả và đồng bộ, góp phần cải thiện sinh kế của người dân, đồng thời nâng cao vai trò của các đối tượng nghèo, chịu nhiều thiệt thòi trong cộng đồng.
N.Nghiêm/Thời đại