Đây là một hoạt động của Dự án Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số (L4A) do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát sử dụng đất và tài nguyên rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Hoà giải ở cơ sở là cơ chế giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp đầu tiên ở cơ sở. Tổ hòa giải ở cơ sở với thành phần nòng cốt là MTTQ và các tổ chức thành viên đã góp phần rất lớn vào giải quyết các vướng mắc xảy ra ở cộng đồng, được chính quyền và người dân đánh giá rất cao.
Mỗi năm các tổ hòa giải trên cả nước thực hiện hàng trăm ngàn vụ hòa giải ở cơ sở, trong đó phần lớn là các tranh chấp đất đai và liên quan tới đất đai. Với tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 82,7% (theo Bộ Tư pháp, 2021), hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giúp giảm thiểu số vụ, việc tranh chấp phải đưa lên cơ quan có thẩm quyền và Tòa án giải quyết, góp phần ổn định trật tự xã hội giảm áp lực công việc cho chính quyền cơ sở và tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước cũng như cho người dân.
Quang cảnh buổi tập huấn khoá 1. |
Tuy nhiên, công tác trang bị kiến thức và kỹ năng cho các thành viên tổ hòa giải còn thiếu và chưa đồng bộ nên công tác hòa giải ở cơ sở còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào DTTS. Các thành viên tổ hòa giải thường thiếu kiến thức pháp luật, phương pháp và kỹ năng hoà giải trong hoà giải, giải quyết các mâu thuẫn nói chung và mâu thuẫn/tranh chấp đất đai nói riêng.
Nhằm cải thiện hiệu quả quản lý, giám sát sử dụng đất và tài nguyên rừng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào nâng cao năng lực hòa giải và kỹ năng đóng góp xây dựng chính sách đất đai, Dự án đã thiết kế và triển khai thực hiện một chương trình tập huấn trong vòng hơn 3 tháng (từ giữa tháng 2 đến hết tháng 5/2021) cho thành viên các tổ chức đoàn thể và tổ hòa giải ở cơ sở tại Hòa Bình và Cao Bằng.
Giảng viên của chương trình là các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ Liên minh Đất đai LANDA và các tổ chức đối tác của Dự án tại Hòa Bình và Cao Bằng đã được đào tạo bài bản thông qua chương trình Tập huấn đào tạo giảng viên nguồn (ToT) của Dự án.
Quang cảnh buổi tập huấn khoá 2 |
Chương trình cũng có sự tham gia của nhiều khách mời là cán bộ chuyên trách tại địa phương, các hòa giải viên giàu kinh nghiệm tới chia sẻ các thông tin, kiến thức và kinh nghiệm thực tế về hoà giải tranh chấp đất đai. 150 học viên là những người trực tiếp tham gia hòa giải cấp cơ sở tại các địa phương thuộc vùng dự án sẽ tham gia 4 khóa tập huấn. Ngoài ra, Dự án cũng tổ chức 16 buổi tư vấn mở tại các xã để tạo cơ hội cho đông đảo người dân được trao đổi trực tiếp với các chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm về pháp luật đất đai và hoà giải.
Thông qua khóa học, các học viên sẽ nắm được các quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở, quy trình, phương pháp và kỹ năng hòa giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai, các chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng như kỹ năng đóng góp xây dựng chính sách đất đai. Đồng thời, các học viên cũng sẽ được đào tạo các kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai để tăng cường nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ của nhà nước và người dân trong quản lý, sử dụng đất.
Ngoài ra, Dự án cũng hướng dẫn các học viên lập kế hoạch để triển khai thực hiện các sáng kiến cộng đồng nhằm cải thiện hiệu quả quản lý đất đai và công tác hòa giải ở cơ sở. Các sáng kiến này sẽ nhận được tài trợ kinh phí trực tiếp từ Dự án.
Chương trình tập huấn đang được triển khai rất thuận lợi và nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của các địa phương thuộc địa bàn dự án. Đây cũng là cơ hội để Dự án nắm bắt được khó khăn, tồn tại của địa phương trong quản lý, giám sát sử dụng đất và tài nguyên rừng, trên cơ sở đó thiết kế các hoạt động tiếp theo của Dự án cho phù hợp với nhu cầu của từng địa phương.
N.Nghiêm/Thời đại