
Ngày 10 tháng 8 năm 1961, lần đầu tiên, không lực Hoa Kỳ bắt đầu rải chất độc hóa học xuống lãnh thổ Việt Nam trong đó có chất độc da cam chứa chất dioxine. Năm nay, nước Việt Nam tiến hành nhiều hoạt động nhân 50 năm sự kiện này.
Chiến tranh Việt Nam (1961-1975) được biết đến với các chiến dịch ném bom ồ ạt của Hoa Kỳ xuống miền Bắc Việt Nam. Nhưng điều ít được biết đến hơn, thậm chí lúc đầu dư luận thế giới còn hoàn toàn không hay biết, đó là cuộc chiến tranh hóa học mà Hoa Kỳ đã tiến hành ở miền Nam Việt Nam từ 1961 đến 1971 với những hậu quả thảm khốc còn tiếp tục đến ngày nay. Hậu quả đó là sự hủy diệt khủng khiếp về môi trường và thảm họa nhiều mặt về nhân đạo xét từ góc độ kinh tế, văn hóa-xã hội và y tế, đã liên tục giáng xuống các thế hệ người Việt Nam mà lúc này đã là thế hệ thứ ba.
Chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất các sản phẩm hóa học có liên quan lẩn tránh trách nhiệm của họ, nhưng sự việc không phải vì thế mà bị lãng quên.
Ngày 16 tháng 6 năm 2010 tại Hà Nội, Nhóm Đối thoại Mỹ-Việt Nam (thành lập năm 2007 theo sáng kiến của Viện Aspen và do Quỹ Ford tài trợ, tập hợp những công dân, chính khách, nhà khoa học của 2 nước, nhằm tìm cách khắc phục hậu quả của việc rải chất làm rụng lá xuống Việt Nam, vì mục đích nhân đạo) đã cho công bố bản báo cáo thứ tư của Nhóm, gồm 2 phần là một Tuyên bố và Kế hoạch hành động.
Tuyên bố của Nhóm đã đoạn tuyệt với cách diễn đạt quen thuộc chung chung, đi thẳng vào vấn đề: nêu bật những nỗ lực mà Việt Nam đơn phương tiến hành từ năm 1980 nhằm khắc phục hậu quả của việc rải chất độc hóa học; đồng thời công bố những hỗ trợ nhân đạo khiêm tốn của các tổ chức phi chính phủ quốc tế trong đó có Quỹ Ford giúp Việt Nam trong nhiệm vụ này.
Đi kèm với Tuyên bố là bản Kế hoạch hành động nhằm vận động được 300 triệu đô la vì chi phí cần chi là 30 triệu đô la/năm. Chỉ liệt kê những nhiệm vụ cần hoàn thành trong khoảng thời gian khá eo hẹp này đã chiếm trọn 4 trang. Chương trình đề ra khá đồ sộ và người ta còn e rằng 300 triệu đô la vận động được sẽ vẫn không đủ để thực hiện được trọn vẹn nội dung trên.
Nhưng Nhóm Đối thoại lại không có thẩm quyền quyết định và cũng không có nguồn thu nào. Bởi vậy, việc giải quyết trong thực tế hậu quả của việc rải chất độc là xa vời.
Mặc dù vậy, Nhóm cũng đã làm được một việc cần được ghi nhận là đã trực tiếp đề nghị Chính phủ Mỹ đứng ra tài trợ chủ yếu số tiền trên.
Viện trợ nhân đạo của các tổ chức phi chính phủ chỉ có thể đáp ứng được một phần nhỏ so với yêu cầu thực tế. Bởi vậy, cần có sự hỗ trợ ở cấp các quốc gia thì mới giúp đỡ được Việt Nam và bồi hoàn được những thiệt hại do việc rải chất làm rụng lá gây ra.
Các công ty sản xuất các chất làm rụng lá, đặc biệt là Monsanto và Dow Chemical, cần đóng góp vào khoản hỗ trợ tài chính của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam, và cần thực hiện trách nhiệm của công ty mình trên vấn đề này.
Nhân họp mặt tại Ivry (Pháp) ngày 21 tháng 5 2011 vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội hữu nghị Pháp-Việt, các đại diện của 4 hội hữu nghị với Việt Nam đã cam kết sẽ thông tin cho dư luận công chúng biết về thảm kịch mà nước Việt Nam trải qua đã 35 năm nay kể từ khi kết thúc chiến tranh. Bốn tổ chức nguyện sẽ triển khai mọi cố gắng có thể để thuyết phục các nghị sỹ châu Âu của nước mình về sự cần thiết phải có sự hỗ trợ nhanh chóng và to lớn dành cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam cũng như cho việc tẩy độc môi trường ở nước này bị tàn phá bởi chất làm rụng lá.
Ký tên:
- Hội hữu nghị Đức-Việt Nam
- Hội hữu nghị Pháp-Việt
- Hội Bỉ-Việt
- Hội Thụy Sỹ-Việt Nam
Tham gia ký tên còn có 2 tổ chức không có mặt ở Ivry ngày 21 tháng 6/2011 là:
- Hội Anh Quốc-Việt Nam
- Hội Italia-Việt Nam