Bài phát biểu của ông Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam lần thứ V
Ảnh: TV
Thưa đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên BCT, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Thưa đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên BCT, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thưa đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thưa đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Thưa đồng chí Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Thưa các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban ngành, Thưa các Quý vị đại biểu,
Hôm nay, tôi rất vinh dự được tham dự Đại hội lần thứ V của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Trước hết, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng Liên hiệp đã đạt được những kết quả quan trọng như Báo cáo của Đoàn Chủ tịch nhiệm kỳ 2008-2013 đã nêu. Từ góc độ của Bộ Ngoại giao, tôi xin trao đổi hai nội dung chính:
Một là, những kết quả nổi bật trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI thời gian qua;
Hai là, một số suy nghĩ về phương hướng phối hợp công tác giữa Bộ Ngoại giao với Liên hiệp trong tình hình mới.
Thưa các đồng chí,
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Liên hiệp diễn ra vào thời điểm vừa tròn 5 năm sau khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu; tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến sâu sắc. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ và biển đảo, các hoạt động lật đổ, can thiệp, ly khai, khủng bố… đang gây bất ổn ở nhiều khu vực trên thế giới. Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất, có xu hướng trở thành trung tâm quyền lực mới của thế giới trong thế kỷ XXI, nhưng cũng đã trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa các nước lớn. Bên cạnh đó, các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh hàng hải, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng… đang nổi lên ngày càng gay gắt.
Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Phát biểu chỉ đạotại HNNG 28 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu bật 5 thành tích lớn của đối ngoại trong hơn 2 năm qua: Một là, giữ vững môi trường hòa bình ổn định tạo điều kiện cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Hai là, tiếp tục giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, xử lý được những vấn đề phức tạp liên quan Biển Đông; Ba là, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ rộng rãi của bạn bề quốc tế cả trong quan hệ song phương và đa phương; Bốn là, thực sự phát huy vai trò thành viên tích cực của các thể chế khu vực và toàn cầu; Năm là, đã có chuyển biến rõ trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong các thành tựu đó, hai kết quả nổi bật của công tác đối ngoại là đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; và đẩy mạnh việc triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Từ sau Đại hội Đảng XI đến nay, chúng ta thiết lập thêm quan hệ Đối tác chiến lược với 6 nước là Đức, Italia, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Pháp, nâng tổng số Đối tác chiến lược của Việt Nam lên 13 nước; lập thêm quan hệ Đối tác toàn diện với 2 nước là Hoa Kỳ và Đan Mạch, nâng tổng số Đối tác toàn diện lên 11 nước. Về cơ bản, chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng khuôn khổ quan hệ với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Đặc biệt, việc Bộ Chính trị ra Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế đã khẳng định bản lĩnh, quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Hội nhập quốc tế là một trong những con đường nhanh nhất để mỗi quốc gia xác lập vị thế mới cho mình trên bản đồ kinh tế và chính trị thế giới. Tiếp tục coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta đàm phán đồng thời 6 Hiệp định thương mại tự do lớn, trong đó có tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… Đồng thời, hội nhập quốc tế đã thực sự được mở rộng sang lĩnh vực chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh và các lĩnh vực khác. Việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, vừa trúng cử với số phiếu cao nhất vào Hội dồng Nhân quyền, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế, và lần đầu tiên được bầu vào Ủy ban Di sản thế giới của UNESSCO… thể hiện vị thế mới của đất nước. Có thể nói trong lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, chưa bao giờ chúng ta có điều kiện tốt như hiện nay để định vị Việt Nam vững chắc hơn trong bàn cờ chiến lược ở khu vực, và xa hơn là trên thế giới.
Có được những thành công đó, trước hết là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Nhà nước và Chính phủ. Đồng thời, đó cũng là kết quả những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, nhất là các lực lượng làm công tác đối ngoại. Trong đó, có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Ngoại giao Nhà nước với đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân.
Nhân dịp này, chúng tôi xin đánh giá cao và chân thành cám ơn sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả của Liên hiệp trong việc triển khai các nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong thời gian qua, Liên hiệp đã sát cánh cùng Bộ Ngoại giao trong việc thúc đẩy quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện với nhân dân các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng, khu vực và các nước lớn. Thành tích đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước có sự đóng góp thầm lặng nhưng rất quan trọng của các đồng chí.
Thưa các đồng chí,
Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đã đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vinh quang cho ngành đối ngoại. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, chúng ta đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại trong tình hình mới.
Thế giới trong thế kỷ XXI rất khác so với thế kỷ XX. Toàn cầu hóa và xu thế dân chủ hóa quan hệ quốc tế khiến các chủ thể phi Nhà nước có vai trò ngày càng lớn trong sinh hoạt chính trị quốc tế. Thời đại xã hội thông tin và sức mạnh ngày càng gia tăng của truyền thông và mạng xã hội cũng khiến Ngoại giao Nhà nước không còn giữ thế “độc quyền” về mức độ ảnh hưởng đối với các hoạt động đối ngoại. Quan hệ giữa các nước có xu hướng ngày càng “phi chính thức hóa” theo hướng giảm hình thức, coi trọng thực chất, hiệu quả. Hơn bao giờ hết, đối ngoại nhân dân và các hoạt động đối ngoại “phi Nhà nước” có điều kiện phát huy sức mạnh và ảnh hưởng mạnh mẽ của mình.
Trong tình hình mới, để phát huy sức mạnh của nền ngoại giao toàn diện, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa ba trụ cột Ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân, chúng tôi mong rằng trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao và Liên hiệp cùng nhau làm tốt một số việc sau:
Thứ nhất, cần gắn chặt hơn nữa công tác hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của Liên hiệp với các hoạt động đối ngoại lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là trong quan hệ với nhân dân các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc và các nước ASEAN. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với mục tiêu Liên hiệp đề ra trong Báo cáo là thiết lập và mở rộng quan hệ đối tác với các tổ chức nhân dân tương ứng ở tất cả các nước Đông Nam Á. Về phần mình, trong bối cảnh chỉ còn 2 năm nữa là đến lúc hình thành Cộng đồng ASEAN, chúng ta cần đẩy mạnh nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của Cộng đồng, ý thức được rằng cái được, cái mất của ASEAN cũng là cái được, cái mất của Việt Nam chúng ta. Với tư cách là tổ chức chính trị- xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân, Liên hiệp có lợi thế rất lớn mà chúng ta có thể cùng tranh thủ khai thác.
Thứ hai, chúng tôi mong rằng Liên hiệp sẽ phối hợp, hỗ trợ Bộ Ngoại giao tích cực hơn nữa trong công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, đặc biệt là trong đấu tranh dư luận về các vấn đề nhạy cảm như vấn đề Biển Đông. Nếu có sự phân vai, phân công phù hợp, chúng ta sẽ vừa khẳng định được quan điểm, lập trường nguyên tắc của ta, đồng thời giảm thiểu những cấn cá có thể phát sinh trong quan hệ với các đối tác quan trọng, nhất là Trung Quốc. Trong lĩnh vực này, mong các đồng chí bên Liên hiệp nghiên cứu tận dụng tốt hơn nữa vai trò của các đồng chí cựu Đại sứ, các nhà ngoại giao lão thành có uy tín đã nghỉ hưu. Với mạng lưới quan hệ với trên 1.000 tổ chức như Báo cáo dẫn đề đã nêu, Liên hiệp có thể trở thành “cánh tay nối dài” trong thông tin, tuyên truyền đối ngoại.
Thứ ba, chúng tôi mong Liên hiệp sát cánh cùng Bộ Ngoại giao và các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh việc quán triệt và triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, đưa chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện thực sự đi vào cuộc sống. Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Chúng ta chỉ có thể hội nhập thành công khi nhận thức và tư duy về hội nhập quốc tế thẩm thấu tới từng người dân, từng doanh nghiệp. Liên hiệp và các tổ chức thành viên có thể hỗ trợ đắc lực cho Bộ Ngoại giao triển khai các đợt quán triệt sâu rộng Nghị quyết 22 và thực hiện Chương trình hành động để triển khai Nghị quyết.
Thứ tư, công tác người Việt Nam ở nước ngoài là lĩnh vực mà Liên hiệp có lợi thế so sánh không nhỏ so với Bộ Ngoại giao. Chúng tôi mong rằng trong dịp kiểm điểm 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị năm 2014, Liên hiệp hỗ trợ Bộ Ngoại giao đẩy mạnh việc đổi mới, cải tiến hơn nữa hình thức, nội dung công tác vận động đồng bào, kiều bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương đất nước, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ năm, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu luôn là điều kiện tiên quyết để triển khai thắng lợi công tác đối ngoại. Tại Hội nghị Ngoại giao 28 vừa qua, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu và dự báo chiến lược. Bộ Ngoại giao sẽ cùng Liên hiệp tăng cường trao đổi, tham vấn, chia sẻ thông tin để làm tốt hơn công tác tham mưu, kiến nghị chính sách lên Lãnh đạo cấp cao.
Cuối cùng, như Bác Hồ đã nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với phương hướng các đồng chí đã nêu trong Báo cáo về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân. Trên cơ sở đề nghị của các đồng chí, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao sẽ chỉ đạo Học viện Ngoại giao và các đơn vị liên quan trong Bộ cùng Liên hiệp nghiên cứu xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo về công tác đối ngoại nhân dân.
Thưa các đồng chí,
Nhân dịp năm mới 2014, thay mặt Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, tôi xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội dồi dào sức khỏe. Chúc Quý vị Đại biểu sức khoẻ và thành công. Chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp.