Bài phát biểu của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành TW Đảng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam lần thứ V
Ảnh: TV
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; - Thưa các vị đại sứ, các vị khách quốc tế; - Thưa đồng chí Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; - Thưa các đại biểu dự đại hội và các vị khách quý.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trước hết tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý, các đại biểu tham dự Đại hội lần thứ V của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và xin gửi tới các đồng chí, các bạn lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp Năm mới 2014. Thưa các đồng chí và các đại biểu,
Báo cáo tổng kết của Đoàn Chủ tịch đã đánh giá toàn diện các mặt công tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong nhiệm kỳ IV (2008-2013), là giai đoạn triển khai thực hiện Chỉ thị 28 ngày 2/12/2008 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Chỉ thị 04 ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Có thể khẳng định rằng, với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” việc triển khai các Chỉ thị quan trọng của Đảng gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IV của Liên hiệp đã đem lại nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác của Liên hiệp trong 5 năm vừa qua. Quan hệ đối ngoại được mở rộng, đa dạng hóa; mạng lưới bạn bè, đối tác quốc tế được củng cố và tăng cường; quan hệ với nhân dân các nước láng giềng và các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của ta được tích cực thúc đẩy; quan hệ với bạn bè truyền thống, với các lực lượng cánh tả tiến bộ được củng cố; mở rộng được quan hệ với các tổ chức, cá nhân có thiện cảm, thiện chí với Việt Nam.
Năm năm qua, có 455 đoàn ra - đoàn vào; bình quân mỗi tuần có gần 2 lần đoàn ra - đoàn vào do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chịu trách nhiệm. Sự tham gia của Liên hiệp tại các diễn đàn, các cơ chế đa phương, khu vực và quốc tế được đẩy mạnh, góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Việt Nam trong phong trào nhân dân thế giới và khu vực.
Cùng với các hoạt động chính trị, đấu tranh dư luận, giới thiệu quảng bá về Việt Nam, chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa với bạn bè quốc tế, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tăng cường hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực, phát triển kinh tế xã hội, nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam điôxin, khắc phục hậu quả chiến tranh, thúc đẩy hợp tác kinh tế và đóng góp vào công cuộc vận động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp cho các phong trào nhân dân khu vực và quốc tế.
Liên hiệp và một số tổ chức thành viên đã phát huy được vai trò nòng cốt cho các tổ chức nhân dân Việt Nam trong nhiều hoạt động đối ngoại đa phương, đã nỗ lực xã hội hóa để chủ động triển khai được nhiều hoạt động có hiệu quả thiết thực. Công tác vận động viện trợ PCPNN được tiếp tục đẩy mạnh và đạt kết quả tốt. Có 192 tổ chức phi chính phủ mới đến Việt Nam, đã triển khai 1,4 tỷ đô la được giải ngân, đóng góp thiết thực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế xã hội ở đất nước chúng ta.
Hệ thống tổ chức ở Liên hiệp có bước phát triển nhanh về số lượng các tổ chức thành viên ở Trung ương và các tỉnh trong cả nước. Liên hiệp đã có thêm 20 tổ chức thành viên mới. Việc thể chế hóa về mặt Nhà nước Chỉ thị 28 của Ban Bí thư bước đầu có kết quả tích cực. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương tập thể lãnh đạo, cán bộ, hội viên của Liên hiệp và các tổ chức thành viên của Liên hiệp ở Trung ương và tất cả các địa phương về những thành tích xuất sắc đã đạt được trong 5 năm qua.
Chúng ta cũng xin đặc biệt cảm ơn các đồng chí cán bộ lão thành, các đồng chí đã nghỉ hưu, các nhân sỹ, trí thức và đông đảo cán bộ, quần chúng đã tích cực tham gia đóng góp cho công tác ĐNND, cám ơn các tổ chức và bạn bè quốc tế đã hợp tác, giúp đỡ hiệu quả đối với Liên hiệp trong thời gian vừa qua.
Thưa các đồng chí, các bạn và các đại biểu,
Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chủ trương đưa đất nước chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, các thời cơ và thách thức đan xen. Nhiệm vụ đó đang đặt ra những yêu cầu mới đối với tất cả các lĩnh vực công tác của chúng ta, trong đó có công tác đối ngoại nhân dân và đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Vì vậy, ngày 06/7/2011, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới.
Tại Đại hội này, đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận, đề ra các phương hướng, giải pháp hữu hiệu, nhằm tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém đóng góp hiệu quả hơn nữa cho công tác ĐNND góp phần thắng lợi vào việc thực hiện Nghị quyết của Đảng và Chỉ thị của Ban Bí thư.
Chúng ta cần xuất phát từ nhận thức rằng, trong thời kỳ mới sự hiểu biết nhau ngày càng sâu sắc hơn, sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác của bạn bè quốc tế, của nhân dân các nước trên thế giới tiếp tục là điều kiện không thể thiếu có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta. Bên cạnh đó, mối quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược và toàn diện mà ta đã thiết lập với các nước là tiền đề rất quan trọng để đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Nhân dịp này, tôi xin đề nghị các đồng chí đại biểu dự Hội nghị dành thời gian, trí tuệ trao đổi sâu về một số nội dung công tác của Liên hiệp trong nhiệm kỳ tới như sau:
Một là, cần tập trung đổi mới nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Liên hiệp và các tổ chức thành viên. Trong đó đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả chính trị nhằm góp phần giúp nhân dân các nước hiểu ngày càng sâu hơn và đầy đủ hơn về Việt Nam, đồng tình, đoàn kết và ủng hộ chúng ta, kịp thời đấu tranh có hiệu quả chống lại các luận điệu sai trái, thù địch; tích cực vận động, bảo vệ hình ảnh lợi ích quốc tế, lợi ích quốc gia. Với quy mô gần 500 đoàn ra đoàn vào trong 5 năm, bình quân mỗi tuần có gần 02 đoàn ra do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện thì việc tăng thêm các đoàn ra, đoàn vào khi cần thiết là điều cần thực hiện song quan trọng hơn là chất lượng hiệu quả của các đoàn ra, đoàn vào. Kết quả của các đoàn ra đoàn vào được đánh giá chủ yếu ở việc các thành viên của các đoàn này triển khai các công việc có mục tiêu hệ thống sau mỗi chuyến đi đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và quan hệ hợp tác song phương và đa phương. Liên hiệp cần chủ động phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động ĐNND chung của các tổ chức nhân dân Việt Nam, chú ý tăng cường tính thiết thực đẩy mạnh xã hội hóa thực hành triệt để tiết kiệm trong quá trình triển khai các hoạt động đối ngoại.
Thứ hai, cần chú trọng tăng cường chiều sâu trong quá trình phát triển quan hệ đối tác, trong đó chú ý phát triển quan hệ chặt chẽ, ổn định với nhân dân các nước láng giềng; chủ động phát triển các quan hệ liên kết với nhân dân các nước trong cộng đồng ASEAN; củng cố quan hệ với bạn bè truyền thống các tổ chức cánh tả tiến bộ; mở rông quan hệ hữu nghị hợp tác với các tổ chức nhân dân của các nước đối tác quan trọng; chủ động tích cực tham gia đóng góp có hiệu quả cho các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quan trọng; góp phần vào cuộc đấu tranh chung, vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì phát triển công bằng, bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Thứ ba, làm tốt công tác vận động, viện trợ PCPNN và nhiệm vụ thường trực cho Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN theo hướng tăng cường tính chủ động, thiết thực trong công tác vận động, nâng cao hiệu quả sử dụng viện trợ phù hợp với lợi ích quốc gia, hợp tác và quản lý tốt hoạt động các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài phù hợp với quy định của luật pháp Việt Nam.
Thứ tư, tiếp tục củng cố, xây dựng các tổ chức Liên hiệp hữu nghị ngày càng mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ tới. Yêu cầu đặt ra là: vừa đảm bảo tính chặt chẽ bên trong đáp ứng tinh thần Chỉ thị 28 của Ban Bí thư, vừa đẩy mạnh việc xã hội hóa huy động sự tham gia tích cực đông đảo của các lực lượng nhân dân. Nhân dịp này, tôi đề nghị các cơ quan chức năng tập trung thể chế hóa Chỉ thị 28 của Ban Bí thư, khẩn trương triển khai Quyết định 41 của Thủ tướng Chính phủ đối với Liên hiệp nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Thứ năm, tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa ĐNND với đối ngoại của Đảng và ngoại giao Nhà nước, giữa các tổ chức nhân dân Việt Nam nhằm phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp, đảm bảo sự thống nhất của các tổ chức nhân dân Việt Nam trên mặt trận ĐNND. Trong các hoạt động đối ngoại, Liên hiệp và các tổ chức thành viên, mỗi cán bộ, hội viên cần luôn xác định đặt lợi ích quốc gia và nhân dân lên trên hết, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, thực hiện phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” nhằm phát huy tốt nhất lợi thế của ngoại giao nhân dân.
Thưa các đồng chí, các bạn và quý vị đại biểu, nhân dịp Đại hội đại biểu Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam lần thứ V và một mùa Xuân mới sắp đến gần tôi xin chúc toàn thể các quý vị đại biểu, các vị khách quý dồi dào sức khỏe, chúc các thành viên trong ngôi nhà Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam luôn tràn đầy nhiệt huyết để tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với vai trò nòng cốt và chuyên trách của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong công tác ĐNND.
Xin chúc Đại hội thành công tốt đẹp, trân trọng cảm ơn các đồng chí và đại biểu./.