Bia đá cao 2,7m, ngang 0,87m, đặt trên bục đá cao hơn 1m, có tổng cộng 111 chữ khắc. Nội dung trên bia có đoạn: "Chúng tôi vì nạn nước, chạy sang Nhật Bản, tiên sinh thương đến khổ tâm, giúp đỡ trong lúc cùng khốn không cầu báo đáp, rõ là người kỳ hiệp. Hỡi ôi! Nay chúng tôi sang, ông không còn nữa, bốn bề hiu quạnh, không trông thấy ai, trời biển mênh mông, nỗi lòng ai tỏ! Bèn ghi mối cảm hoài vào viên đá. Ghi rằng: Không ai hào kiệt bằng ông, nghĩa ông bao trùm trong ngoài. Ông giúp như trời, tôi chịu như biển. Chí tôi chưa thành, ông không chờ đợi. Lòng đau vời vợi, đến ức vạn năm".
Bia báo ân bác sỹ Asaba do Cụ Phan Bội Châu dựng năm 1918. |
Bia đá được nhà yêu nước Phan Bội Châu cùng người dân địa phương lập năm 1918 để tri ân công ơn bác sĩ Asaba Sakitaro, người đã giúp đỡ rất nhiều cho phong trào Đông Du vào đầu thế kỷ 20.
Bác sĩ Asaba Sakitaro (1867-1910) sinh ra trong một gia đình giàu có tại tỉnh Shizuoka miền trung nước Nhật. Năm 1894, ông tốt nghiệp y khoa Trường Đại học Tokyo và về mở bệnh viện từ thiện ở Kotutsu, một làng đánh cá nghèo. Ông từng hết lòng giúp đỡ các du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản nên được ca tụng là một người hảo tâm, nghĩa hiệp.
Năm 1908, phong trào Đông du lâm vào cảnh khó khăn do Hiệp ước Pháp - Nhật yêu cầu trục xuất lưu học sinh Việt Nam, cụ Phan viết một bức thư xin giúp đỡ gửi đến bác sĩ Asaba Sakitaro theo gợi ý của một lưu học sinh Việt Nam là Nguyễn Thái Bạt.
Không ngờ thư gửi đi buổi sáng, buổi chiều đã có hồi âm tốt lành. Bác sỹ Asaba gửi cho Phan Bội Châu khoản tiền 1.700 yên (tương đương gần 10 năm tiền lương của hiệu trưởng một trường tiểu học ở Nhật Bản bấy giờ) kèm bức thư chân thành: “Nhặt nhạnh trong nhà chỉ còn có thế, tạm thời gửi trước. Lần sau nếu cần, đừng ngại, cứ lên tiếng. Tôi sẽ làm những gì có thể làm được”.
Nhờ số tiền này mà Phan Bội Châu và đoàn du học sinh vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục hoạt động kháng Pháp bằng nhiều cách khác nhau.
Trước khi rời Nhật Bản, ngày 8/3/1909, Phan Bội Châu đến chào Asaba và cảm ơn tấm lòng hào hiệp của bác sỹ. Khi gặp Phan Bội Châu, bác sĩ Asaba liền cầm tay kéo vào nhà cùng uống rượu, trao đổi, sẻ chia tư tưởng, tình cảm của những trí thức vì đại nghĩa của dân tộc.
Cụ Phan Bội Châu và Bác sỹ Asaba. |
Năm 1918, khi Phan Bội Châu quay trở lại Nhật Bản thì bác sỹ Asaba Sakitaro đã qua đời. Thương tiếc cố nhân, Phan Bội Châu đã ngỏ lời cùng người nhà bác sĩ Asaba xin được lập bia tạ ơn trước mộ bác sĩ Asaba.
Nhưng lúc ấy, trong túi cụ Phan chỉ có 120 yen nhưng tiền vật liệu đá và công khắc đã tốn 100 yen, tiền chuyên chở hơn 100 yen. Cụ Phan đã nhờ một nhân sĩ gốc Việt là Lý Trọng Bá cùng đến gặp trưởng thôn là Okamoto kể về nghĩa cử năm xưa của bác sĩ Sakitaro và bày tỏ sự tình là không đủ tiền, xin đóng trước 100 yen, khoản còn lại thì khi trở về Trung Quốc sẽ gửi sau.
Trưởng thôn đã rất xúc động khi nghe câu chuyện và kêu gọi mọi người cùng giúp công, giúp của làm bia. Chỉ một tuần sau đó, tấm bia đá đã dựng xong. Ngày hoàn thành, người trong thôn làm lễ khánh thành và làm tiệc thết đãi hai người khách Việt cùng khách khứa các làng bên.
Trong bút tích của mình, Phan Bội Châu có ghi rằng “Vào ngày hoàn thành, người trong thôn tập hợp lại làm lễ hoàn thành, tổ chức yến tiệc và để chúng tôi làm khách mời danh dự. Việc này tất cả đều nằm trong sự lo liệu của ông trưởng thôn. Tự bản thân chúng tôi từ đầu đến cuối chỉ trả 100 yên. Tôi đặc biệt viết ra đây để truyền lại cho đồng bào Việt Nam biết đến nghĩa cử của những người bạn Nhật Bản như thế này mãi mãi”.
Ngày nay, người dân Asaba xem tấm bia này là một niềm tự hào, một di sản văn hóa, một chứng tích về mối tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Long Pham / Theo Thời Đại