Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới, đối ngoại nhân dân tiếp tục được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng và linh hoạt, phát huy được lợi thế đặc thù của Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế. Đại hội Đảng lần thứ XIII lần đầu nhấn mạnh vai trò trụ cột của đối ngoại nhân dân bên cạnh đối ngoại Đảng và ngoại giao nhà nước, đồng thời nêu rõ “mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác, phát triển và tiến bộ xã hội”. Có thể nói, bản sắc của đối ngoại nhân dân là tạo sự gắn kết đặc biệt giữa con người với con người, xây dựng tình cảm thân thiện, sự tin cậy, từ đó mở ra những kênh đối thoại và hợp tác linh hoạt. Nhờ nền tảng đó, đối ngoại nhân dân đã góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị với các bạn bè, đối tác truyền thống, đồng thời tìm kiếm, mở rộng quan hệ đối tác mới nhằm huy động nguồn lực để phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước.
Các nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân xuất phát từ nhận thức và nhu cầu huy động sức mạnh tổng hợp trong “kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại”. Đây là đặc điểm vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời đại, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ quốc tế có nhiều yếu tố bất ổn như hiện nay. Với tinh thần bốn phương vô sản “đều là anh em” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đúc kết, quan hệ nhân dân với nhân dân luôn là cơ sở cho mối quan hệ giữa các nước, là mối quan hệ bền vững và lâu dài trước những biến động của thời cuộc. Đặc biệt, bám sát phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, với thành phần, lực lượng tham gia rộng rãi, mạng lưới đối tác phong phú, đối ngoại nhân dân có khả năng bao trùm mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, giúp mang lại những kết quả tích cực trên tất cả các phương diện, tạo thêm thế và lực cho đất nước.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội…có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới” và công tác đối ngoại nhân dân đã và đang nỗ lực phấn đấu để hiện thực hóa mục tiêu đó. Có thể nói, hai chữ “hữu nghị” và “hợp tác” vừa là điểm nhấn, vừa là mạch tư tưởng xuyên suốt của công tác đối ngoại nhân dân trong bối cảnh hiện nay. Ở mỗi thời kỳ, hữu nghị và hợp tác lại mang những nội hàm khác nhau, song xét về bản chất, đó đều là nỗ lực tạo quan hệ thiện chí, củng cố niềm tin tưởng, từ đó tăng cường hợp tác giữa các bên, tạo thế đan xen lợi ích, đặt lợi ích của nhân dân Việt Nam vào lợi ích chung của các dân tộc trên toàn thế giới.
Trước tiên, công tác đối ngoại nhân dân đã thành công mang đến hình ảnh đất nước Việt Nam hữu nghị, hoà hiếu với bạn bè quốc tế. Đây là phương châm đối ngoại Việt Nam hướng đến xuyên suốt các giai đoạn, từ thời kỳ đấu tranh cách mạng cho đến công cuộc Đổi mới. Nội hàm của “hữu nghị” trong phương châm đối ngoại Việt Nam chính là “bạn”, trong đó tư duy được thay đổi tịnh tiến từ “muốn là bạn”, “sẵn sàng là bạn” cho đến “là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế”.
Kế thừa và tiếp nối phương châm đó, đối ngoại nhân dân Việt Nam đã chủ động và tích cực mở rộng, tăng cường quan hệ hoà bình, hữu nghị với các tổ chức nhân dân trên thế giới trên cả bình diện song phương và đa phương, tạo nền tảng quốc tế thuận lợi cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước. Đặc biệt trong những năm gần đây, các hoạt động đối ngoại nhân dân được tổ chức song hành cùng với các hoạt động đối ngoại cấp cao của Đảng, Nhà nước như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc tháng 10/2022 đã chứng kiến Bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị giai đoạn 2022-2027 giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị Đối ngoại nhân dân Trung Quốc; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp một số tổ chức hữu nghị, hợp tác kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân Hàn – Việt trong chuyến thăm Hàn Quốc tháng 12/2022; Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz gặp gỡ lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba tháng 9/2022; Chủ tịch Đảng “Nước Nga thống nhất” Dmitry Medvedev đã có cuộc gặp Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tháng 5/2023;… hay gần đây là Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp các nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc cùng Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga trong chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc.
Ảnh 1: Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp các nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc, tháng 6/2023. Ảnh 2: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam gặp gỡ Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất Dmitry Medvedev, tháng 5/2023. Ảnh 3: Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz gặp gỡ lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba tháng 9/2022. Ảnh 4: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Huân chương Hữu nghị tặng Viện Cuba hữu nghị với các dân tộc (ICAP) và Hội Hữu nghị Cuba – Việt Nam tại Cuba, tháng 4/2023.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ với hàng nghìn tổ chức nhân dân trên khắp thế giới, nội dung quan hệ được rộng mở, đa dạng với hình thức triển khai ngày càng phong phú. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm tại các diễn đàn nhân dân đa phương, phát huy vai trò và thể hiện tiếng nói tại các diễn đàn như: Diễn đàn Đối tác ECOSOC, Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền, Diễn đàn nhân dân ASEAN, Diễn đàn Nhân dân Á-Âu, Hội nghị thế giới chống Bom nguyên tử và khinh khí A&H,... qua đó tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín của các tổ chức nhân dân Việt Nam.
Việc tăng cường tình hữu nghị với bạn bè thế giới đã được đối ngoại nhân dân Việt Nam đặt làm trọng tâm trong năm qua, thể hiện qua việc củng cố quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống với các hoạt động nổi bật trên cả bình diện song phương và đa phương, được tổ chức dưới nhiều hình thức, quy mô đa dạng. Khắc phục tình trạng khó khăn của dịch bệnh Covid-19, năm 2022, Việt Nam đã hết sức nỗ lực vượt qua thách thức để tiếp tục tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Thông qua các hoạt động giao lưu nhân dân, Việt Nam đã góp phần mở rộng, thúc đẩy quan hệ đoàn kết, hữu nghị nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn. Năm 2022 cũng ghi dấu ấn lần đầu tiên Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới, qua đó cho thấy sự đóng góp tích cực và đầy trách nhiệm của Việt Nam vào các hoạt động của Hội đồng Hòa bình thế giới nói riêng và phong trào hòa bình thế giới nói chung.
Có thể nói, hòa bình, hữu nghị chính là nền tảng, là cơ sở để từ đó đối ngoại nhân dân mở rộng cơ hội hợp tác và thiết lập các mối quan hệ bền vững, lâu dài với các tổ chức, nhân dân trên thế giới. Thông qua mạng lưới rộng khắp ở các khu vực, đối ngoại nhân dân đã tích cực triển khai công tác vận động nguồn lực để phục vụ trực tiếp cho công cuộc xây dựng đất nước. Với tinh thần “tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài” để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại nhân dân Việt Nam đã tích cực triển khai công tác vận động phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) - một nguồn lực quan trọng phục vụ cho các dự án phát triển và an sinh xã hội trong nước.
Trong năm qua, dù điều kiện khó khăn, nguồn lực bên ngoài ngày càng khan hiếm, vận động viện trợ PCPNN vẫn đạt kết quả khả quan với tổng giá trị viện trợ hơn 220 triệu USD, đóng góp trực tiếp cho các mục tiêu phát triển của đất nước. Không chỉ vận động nguồn lực là bạn bè quốc tế, công tác đối ngoại nhân dân cũng rất chú trọng tăng cường kết nối, hợp tác với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bởi lẽ, nội hàm của đối ngoại nhân dân không chỉ bó buộc trong xây dựng và tạo lập mối quan hệ hoà bình, hữu nghị với nhân dân và các tổ chức trên thế giới, mà còn cả những kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Đây chính là cầu nối vững chắc giúp nhân dân Việt Nam mở rộng cơ hội hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới, đồng thời là lực lượng quan trọng đóng góp cho nền kinh tế - xã hội của nước nhà. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2021, tổng giá trị viện trợ do các tổ chức PCPNN gốc Việt tài trợ đã lên đến trên 50 triệu USD, góp phần không nhỏ giải quyết các vấn đề như y tế, giáo dục - đào tạo, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, hỗ trợ tư pháp, viện trợ khẩn cấp, cung cấp tình nguyện viên,…
Các dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đóng góp thiết thực trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả sau chiến tranh, giảm thiểu ảnh hưởng do thiên tai, tăng cường giáo dục, y tế và tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và đào tạo...
Có thể thấy, “hữu nghị” và “hợp tác” luôn song hành và gắn bó bền chặt, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các giai đoạn phát triển của đối ngoại Việt Nam nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng để phụng sự đất nước, phục vụ dân tộc và nhân loại. Đây là định hướng, đồng thời cũng là giá trị mà đối ngoại nhân dân Việt Nam luôn tâm niệm dù bối cảnh ngày nay đã đổi khác, dù tình hình thế giới có phức tạp và đe dọa đến các giá trị hòa bình, hữu nghị và hợp tác mà nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân trên thế giới theo đuổi.
Thời thế tráng thịnh còn ở phía trước, tương lai dân tộc vẫn cần tổng hòa các lực lượng hợp sức và phấn đấu để đối mặt và hoá giải các thách thức, nguy nan, để tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển, để bảo đảm một mặt trận quốc tế thuận lợi, ổn định, góp phần củng cố môi trường an ninh và phát triển của đất nước. Đứng trước khó khăn càng lớn, thách thức càng nhiều, đối ngoại nhân dân cũng như toàn thể mặt trận đối ngoại nói chung phải không ngừng nỗ lực, củng cố, đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần tạo thế và lực mới cho đất nước, phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới.Long Phạm - Mỹ Lệ