Phó Đại sứ, Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức tại CHLB Đức tặng hoa và trao giấy khen cho những thành viên có nhiều đóng góp cho Hội hữu nghẹ Đức-Việt 30 năm. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Là thủ phủ của bang Sachsen-Anhalt, một thành phố yên bình và thơ mộng bên bờ sông Elbe thuộc Đông Đức, Magdeburg hiện là quê hương thứ hai của khoảng 1.000 người Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngày 16/10, Hội hữu nghị Đức-Việt tại thành phố Magdeburg đã tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập.
Với những người đang sinh sống và làm việc tại thủ phủ của bang Sachsen-Anhalt, dù chưa phải quá dài với đời người, nhưng đây là một chặng đường trải qua không ít thăng trầm, khó khăn để có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, bà Phan Thị Bình - Trưởng Ban tổ chức, đồng thời là Giám đốc Trung tâm thương mại Sugenburg, thành phố Magdeburg - đã điểm lại dấu mốc của những người Việt, từng là lao động hợp tác trong giai đoạn nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức.
Bà cho biết sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1990, đánh dấu bước ngoặt lịch sử, chuyển sang một giai đoạn mới, những người lao động Việt Nam ở lại gặp muôn vàn khó khăn khi phải đối mặt với sự phân biệt, thiếu an toàn, thậm chí những phong trào tẩy chay người nước ngoài.
Trước những nguy cơ này, Hội Hữu nghị Đức-Việt Magdeburg được thành lập, trở thành một trong số hội nhóm ra đời sớm nhất tại Đức.
Với sự đồng ý của Tòa án Liên bang và có tư cách pháp nhân, mục đích và phương châm chính của hội là giúp đỡ người nước ngoài, đặc biệt là người Việt trong suốt 30 năm qua.
Bằng nhiều hình thức như phiên dịch văn bản hoặc trực tiếp tư vấn tìm công việc, tư vấn về nhà ở, nghề nghiệp, chế độ và các vấn đề của xã hội..., bà con cộng đồng đã từng bước tháo gỡ được khó khăn, có chỗ dựa, có tiếng nói với các ban ngành nước sở tại; có một ban chấp hành, duy trì và tồn tại suốt 30 năm qua, cùng cộng đồng giải quyết được những khó khăn trong điều kiện có thể.
Về phần mình, ông Nguyễn Văn Thịnh, chia sẻ suốt 30 năm qua, hội đã làm được rất nhiều lợi ích cho cộng đồng, không phải là vật chất mà là tinh thần, là tình đồng hương của con cháu đất Việt khi xa quê.
Lồng vào đó, là sự kết nối với người nước ngoài sở tại trên tinh thần học hỏi và đoàn kết. Những thành tích đó là sự kết trái ngọt đến hôm nay.
Ông Nguyễn Văn Thịnh nói: “Sau 30 năm một chặng đường, các bạn Đức cùng chung vui với chúng ta. Xã hội Đức đã công nhận chúng ta là một trong những cộng đồng nhập cư thành công nhất tại nước Đức tính đến nay.”
Không chỉ hỗ trợ những vướng mắc của bà con, các hội viên của Hội Hữu nghị Đức-Việt còn làm vai trò cầu nối và xây dựng các mối quan hệ giúp người lao động hội nhập tốt với nước sở tại.
Song song với nhiệm vụ này, việc học tiếng Đức, giới thiệu việc làm, nhà ở và môi trường xã hội-gia đình cũng là trọng tâm trong các hoạt động của hội.
Bên cạnh đó, giữ gìn bản sắc dân tộc, phong tục tập quán và ngôn ngữ Việt cũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm.
Phát biểu nhân dịp này, Phó Đại sứ, Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức đánh giá cao những hoạt động ý nghĩa của Hội Hữu nghị Đức-Việt, khẳng định hội hoàn toàn có thể tự hào về lịch sử kể từ khi hình thành và phát triển cho tới nay.
Ông Chu Tuấn Đức khẳng định: “Hội đã đi được chặng đường rất dài, từ mục đích ban đầu, thành lập để trợ giúp cho nhau, vượt qua những khó khăn sau khi nước Đức thống nhất."
"Cho đến bây giờ nhìn lại, chúng ta thấy rõ hội đã vượt ra khỏi khuôn khổ này rất xa và đã đóng góp trở lại cho nước Đức như các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ đại dịch COVID-19 cho nước sở tại, hỗ trợ trong nhiều đợt bão lụt trong nước...”
Ông Chu Tuấn Đức gửi lời chúc mừng hội đã có những bước tiến vững chắc như hôm nay./.
Long Pham T.H / VNA